Thiết thực và phát triển nhanh
Giờ đọc sách của học sinh Trường Tiểu học Đồng Bục (Lộc Bình) trong thư viện công viên |
Đáp ứng các tiêu chí cơ bản
Theo Quyết định số 4488, ngày 20/10/2014 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mô hình “Trường học công viên” có 5 nội dung với 25 tiêu chí cơ bản trên “nền” của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và được nâng cao hơn như: có nếp sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra cháy nổ, có nước sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường…Trong 2 năm học vừa qua, bằng nỗ lực từ nhiều phía và bằng nguồn lực tổng hợp của các chương trình, đến nay, tỷ lệ trường đạt các tiêu chí cơ bản đã lên đến 93,4%; 97,7% số trường có công trình nước sạch; 95% số trường, điểm trường có hàng rào, biển trường, cổng trường.
Bằng những việc làm cụ thể, sinh động, ít tốn kém, các nhà trường không những được đầu tư hoàn thiện hơn, đảm bảo các điều kiện cho nuôi, dạy học sinh, mà còn cố gắng tạo ra những “góc” thiên nhiên, tạo các điều kiện phụ trợ tốt trong giáo dục học sinh. Bước vào năm học 2016-2017, toàn ngành có 132/735 trường học từ mầm non đến giáo dục thường xuyên đạt tiêu chuẩn “Trường học công viên”, tăng 65 trường so với năm học trước, trong đó có trên 100 trường ở khu vực nông thôn.
Điều đáng nói, phong trào xây dựng mô hình “Trường học công viên” được những trường đã đạt chuẩn quốc gia, hoặc có cơ sở vật chất (CSVC) đạt chuẩn quốc gia tiên phong thực hiện. Tận dụng những ưu thế về CSVC đạt chuẩn, quy hoạch thống nhất, ổn định, các nhà trường đã huy động nhiều nguồn đóng góp, trong đó chủ yếu là nguồn xã hội hóa để xây dựng các thư viện ngoài trời, khu vui chơi… tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận với thế giới xung quanh bằng chính sự đa dạng, phong phú trong khu trường. Trong năm học 2015-2016, các nhà trường đã huy động sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh và các lực lượng xã hội tham gia đóng góp trên 14,6 tỷ đồng, 285.500 ngày công lao động, nhiều vật liệu xây dựng, đồ dùng, đồ chơi trang bị cho các nhà trường.
Linh hoạt trong thực hiện
Mô hình “Trường học công viên” phổ biến ở các trường mầm non là tổ chức các góc vui tại lớp, không gian ngoài lớp học, kết hợp với bộ đồ chơi ngoài trời và khu “vườn cổ tích” với sự sắp đặt hợp lý giữa cây cảnh, hình thú vui nhộn; thêm vào đó là bộ dụng cụ phục vụ chuyên đề phát triển vận động của trẻ. Ngoài ra, tận dụng khu đất trống, một số trường còn trồng rau xanh. Điển hình như Trường Mầm non thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình. Cô giáo Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: ngoài việc có rau sạch phục vụ bữa ăn, tăng khẩu phần rau xanh cho trẻ, vườn rau là một phần của “góc thiên nhiên”, giúp trẻ quan sát, thực hành và trải nghiệm, có tác dụng giáo dục rất tốt.
Đối với các trường tiểu học, phổ biến là nơi chơi có cây xanh tạo bóng mát, vườn hoa cây cảnh, kết hợp với thư viện ngoài trời, thư viện thân thiện để trẻ có thể học nhóm, đọc sách hoặc học một số chuyên đề. Cô giáo Vũ Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: những cây bóng mát, những chậu hoa, cây cảnh vừa có tác dụng làm “xanh hóa” nhà trường, vừa là nơi để các em học sinh trải nghiệm và hòa cùng thiên nhiên. Không chỉ các trường thuận lợi, mà ngay cả những trường ở vùng khó khăn như một số xã của Bắc Sơn, Đình Lập… cũng đã thực hiện mô hình “Trường học công viên” theo cách của riêng mình.
Nhận xét về phòng trào xây dựng mô hình “Trường học công viên” trong 2 năm học vừa qua, ông Hoàng Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: các nhà trường đã thấy được lợi ích to lớn của mô hình trong giữ gìn và tôn tạo cảnh quan, hỗ trợ tốt cho giáo dục, vì vậy được sự ủng hộ của toàn thể giáo viên, học sinh và các lực lượng xã hội. Với quy định mới về mô hình theo hướng giảm thiểu các yêu cầu khó, để các trường dễ thực hiện, dự báo mỗi năm có thêm từ 60-65 trường được công nhận; đến hết năm 2020, toàn ngành sẽ có từ 85-90% trường học được công nhận mô hình “Trường học công viên”.
Ý kiến ()