Thiết thực từ việc hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất
LSO- Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Để thực hiện mục tiêu này, huyện Bình Gia đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng một số mô hình sản xuất giúp người dân tăng thu nhập, qua đó đẩy nhanh việc xây dựng NTM trên địa bàn.
Vĩnh Yên là xã vùng III của huyện Bình Gia, hướng phát triển kinh tế chủ yếu là nông lâm nghiệp. Xuất phát từ đặc điểm của xã, năm 2016, huyện hỗ trợ 107 nghìn cây mỡ và hơn 101 nghìn cây quế cho một số hộ dân. Đây là loại cây trồng truyền thống của Vĩnh Yên, khi được hỗ trợ, bà con nhân dân trên địa bàn xã đã mở rộng diện tích và trồng một số loại cây dưới tán như chè để lấy ngắn nuôi dài. Với cách làm đó, thu nhập trung bình của người dân xã Vĩnh Yên tăng từ 14 triệu đồng (2016) lên 16,12 triệu đồng/người/năm (2017) và năm 2018 phấn đấu mức thu nhập sẽ tăng lên 19 triệu đồng/người/năm. Không chỉ Vĩnh Yên, xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của huyện là Tô Hiệu cũng đang tập trung xây dựng các mô hình sản xuất mới. Ngoài mô hình chăn nuôi, trồng trọt được hỗ trợ kinh phí thực hiện từ năm 2016 – 2017, năm 2018, huyện Bình Gia hỗ trợ 700 triệu đồng để xã thực hiện mô hình trồng cây thanh long và hỗ trợ 998 triệu đồng xây dựng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP và tem nhãn, bao gói sản phẩm.
Người dân xã Tô Hiệu (Bình Gia) triển khai sản xuất chè sạch
Ông Đặng Văn Đoán, Phó Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu cho biết: Hướng hỗ trợ của huyện là phù hợp và hiệu quả, mặc dù mới thực hiện nhưng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP và tem nhãn, bao gói sản phẩm tại Hợp tác xã Chè dưới tán hồi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Khi thực hiện sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, đóng gói, dán nhãn thì giá trị 1kg chè đã tăng lên gần 350 nghìn đồng/kg. Từ những mô hình sản xuất ổn định như vậy, hiện mức thu nhập bình quân đầu người của xã là 26 triệu đồng/người/năm, phấn đấu cuối năm 2018 con số này sẽ tăng lên 28 triệu đồng/người/năm.
Ông Đào Thế Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Từ năm 2016 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình xây dựng NTM, huyện Bình Gia đã hỗ trợ gần 4,9 tỷ đồng cho một số xã để thực hiện 14 mô hình sản xuất. Các mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con ở những xã được thụ hưởng. Việc hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ cây, con giống mà huyện còn hỗ trợ kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Hiện bình quân các tiêu chí huyện Bình Gia đạt 8,11 tiêu chí/xã, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt 9/19 tiêu chí, 3 xã đạt 7/19 tiêu chí, 7 xã đạt 6/19 tiêu chí, 5 xã đạt 5/19 tiêu chí. Trong thời gian tới, Bình Gia sẽ tiếp tục phân bổ các nguồn vốn, chương trình, dự án để đầu tư, hỗ trợ các xã thực hiện các mô hình sản xuất với những sản phẩm phù hợp với địa phương. |
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()