Thứ 4, 27/11/2024 13:44 [(GMT +7)]
Thiết thực nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm
Thứ 6, 02/03/2012 | 08:32:00 [(GMT +7)] A A
Có thể nói, với các dự án đã và đang được triển khai, những lợi ích mà Chương trình 68 mang lại không đơn thuần là nâng cao giá trị kinh tế, sức cạnh tranh cho các đặc sản của Lạng Sơn mà quan trọng hơn nữa là nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân về SHTT, từ đó chủ động xây dựng, khai thác, phát triển và bảo vệ TSTT.
LSO-Hoa hồi Lạng Sơn tăng giá gấp 4 lần sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm quả na sau khi lựa chọn theo tiêu chuẩn và gắn nhãn hiệu chứng nhận “Na Chi Lăng” được bán với giá gấp đôi so với sản phẩm thông thường cùng loại. Nâng cao giá trị kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm-đó là những lợi ích thiết thực mà Chương trình hỗ trợ và phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) mang lại cho đặc sản Lạng Sơn…
Sản phẩm na quả của huyện Chi Lăng được gắn nhãn hiệu chứng nhận “Na Chi Lăng
Tháng 9/2011, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN)đã công bố quyết định và trao nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm na Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Như vậy, sau hơn 2 năm Sở KHCN Lạng Sơn chủ trì thực hiện dự án “Tạo lập và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Na Chi Lăng” cho sản phẩm na quả của huyện Chi Lăng”, sản phẩm na quả Chi Lăng đã được định danh để phát triển mạnh hơn trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Chia sẻ về thành công của dự án, ông Chu Đường, Phó Giám đốc Sở KHCN khẳng định: việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm na Chi Lăng sẽ giúp quảng bá tốt hơn thương hiệu của một loại cây đặc sản địa phương để mở rộng thị trường tiêu thụ, đây cũng là bước đi thành công trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các sản phẩm nông sản của tỉnh Lạng Sơn.
“Tạo lập và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Na Chi Lăng” cho sản phẩm na quả của huyện Chi Lăng” chỉ là một trong các dự án thuộc chương trình Hỗ trợ phát triển TSTT của doanh nghiệp (Chương trình 68) được triển khai hiệu quả tại Lạng Sơn. Nhận thức rõ tầm quan trọng của SHTT trong hội nhập kinh tế quốc tế, những năm qua, Sở KHCN tích cực triển khai các nội dung Chương trình 68, đặc biệt là nội dung tuyên truyền về SHTT; tạo lập, quản lý và phát triển TSTT cho các đặc sản của địa phương. Từ năm 2007, Sở KHCN đã tích cực triển khai thực hiện 2 dự án: “Xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Lạng Sơn” cho sản phẩm Hoa hồi” và “Tạo lập và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chi Lăng” cho sản phẩm na quả của huyện Chi Lăng”. Qua đó nhằm duy trì, phát huy danh tiếng, uy tín và nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm, bảo vệ quyền, lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng. Kết quả là hoa hồi Lạng Sơn đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, giá sản phẩm cũng ngày một tăng. Từ năm 2005 – 2010, giá hoa hồi tươi ở Lạng Sơn đã tăng hơn 4 lần (từ 4.000-5.000 đồng/kg lên 16.000-18.000 đồng/kg). Và hiện tại giá hoa hồi tươi tại Lạng Sơn là 27.000-28.000 đồng/kg (gấp 5,6 lần năm 2005). Sản phẩm na quả sau khi lựa chọn theo tiêu chuẩn và gắn nhãn hiệu chứng nhận “Na Chi Lăng“ được bán trên thị trường với giá từ 50.000-70.000/kg, tăng hơn 2 lần giá bán của sản phẩm thông thường cùng loại (15.000-30.000/kg). Song song với tư vấn, hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển TSTT, Lạng Sơn cũng tích cực triển khai dự án “Tuyên truyền SHTT trên Đài PT-TH Lạng Sơn”, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp với từng đối tượng cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về SHTT. Kết quả là nhiều tổ chức, cá nhân đã tích cực, chủ động nghiên cứu và thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ, phát huy TSTT, đồng thời tránh xâm phạm quyền của những chủ thể khác.
Từ thành công của các dự án tuyên truyền; tạo lập, quản lý và phát triển TSTT cho các đặc sản địa phương, Chương trình 68 ở Lạng Sơn đã tạo được sức lan tỏa làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức; thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức và nhân dân trên địa bàn tham gia các hoạt động xác lập, bảo vệ và phát triển TSTT. Bên cạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ của Sở KHCN, nhiều cơ quan, tổ chức trên địa bàn đã chủ động thực hiện các biện pháp nhằm duy trì, bảo vệ và nâng cao danh tiếng, uy tín cho các đặc sản của địa phương. Như UBND huyện Bắc Sơn đề xuất và tham gia đối ứng thực hiện dự án Xây dựng Nhãn hiệu tập thể “Quýt vàng Bắc Sơn” cho sản phẩm quả quýt vàng của huyện. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Tràng Định khảo sát vùng trồng cây thạch đen và đang từng bước nghiên cứu, tìm hiểu nhằm xác lập quyền SHTT cho sản phẩm thạch đen của huyện Tràng Định. Các nhà sản xuất, kinh doanh liên kết với nhau thành lập Hiệp hội sản xuất, kinh doanh rượu vùng cao Mẫu Sơn và đang từng bước triển khai đăng ký xác lập quyền SHTT cho sản phẩm rượu Mẫu Sơn…
Có thể nói, với các dự án đã và đang được triển khai, những lợi ích mà Chương trình 68 mang lại không đơn thuần là nâng cao giá trị kinh tế, sức cạnh tranh cho các đặc sản của Lạng Sơn mà quan trọng hơn nữa là nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân về SHTT, từ đó chủ động xây dựng, khai thác, phát triển và bảo vệ TSTT.
Bảo Vy
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()