Thiết thực giúp đồng bào thoát nghèo
Được triển khai từ tháng 6/2013, với sự chung sức của nhiều lực lượng xã hội, qua gần 3 năm thực hiện, đến nay, chương trình “Ngân hàng bò” ở tỉnh miền núi Hòa Bình đã đạt được những kết quả khả quan. Không chỉ tạo được hiệu ứng tích cực lan tỏa sâu rộng trong xã hội, quan trọng hơn, chương trình “Ngân hàng bò” còn đang dần trở thành một kênh hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực giúp đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình thêm điều kiện để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bàn giao bê cái trong chương trình dự án “Ngân hàng bò”ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Ảnh QM
Một ngày đầu năm, theo hướng dẫn của đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình, chúng tôi tìm đến đến xã Đú Sáng, huyên Kim Bôi, một trong những xã được chọn để xây dựng thí điểm mô hình chương trình “Ngân hàng bò”. Ngắm nhìn những con bò đang nhởn nhơ ăn cỏ, chúng tôi như càng hiểu thêm về niềm vui của các hộ nông dân ở Đú Sáng đang tham gia trong dự án. Ông Bùi Thanh Bứng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đú Sáng cho biết, vượt qua những khó khăn ban đầu, được sự hỗ trợ của các cấp, sự chỉ đạo sát sao của tỉnh Hội, huyện Hội và tinh thần nỗ lực của người dân nên đến nay 100% số bò thuộc chương trình “Ngân hàng bò” tại Đú Sáng đều sinh trưởng, phát triển tốt. Nhiều hộ nông dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo nhờ tham gia chương trình “Ngân hàng bò” như hộ anh Đinh Văn Nương, hộ chị Bùi Thị Nga…
Tìm hiểu được biết, sau hơn 2 năm triển khai, các cấp Hội Chữ thập đỏ của tỉnh Hòa Bình đã thường xuyên phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện chương trình “Ngân hàng bò”. Ngay từ khi có kế hoạch tổ chức chương trình, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để từng bước tranh thủ được sự đóng góp, ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân. Thông qua tuyên truyền đã giúp mọi người thấy rõ được ý nghĩa xã hội to lớn của chương trình, từ đó tích cực tham gia hưởng ứng với những mức độ cụ thể. Bà Đinh Thị Đào, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình vui vẻ chia sẻ: “Thành công đầu tiên trong thực hiện chương trình “Ngân hàng bò” đó là chúng tôi đã tạo được sự đồng thuận cao giữa các lực lượng xã hội cùng tham chương trình; chính công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện trước một bước đã giúp chương trình nhận được sự đóng góp rất lớn từ cac tổ chức, các lực lượng”.
Theo thống kê, đến hết tháng 12/2015, chương trình “Ngân hàng bò” ở Hòa Bình đã nhận được số tiền ủng hộ lên tới 3,95 tỷ đồng, trong đó có 3 tỷ đồng đã được sử dụng để mua 202 con trâu, bò trao cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn nằm trong diện được hỗ trợ của chương trình. Tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ có các tổ chức Hội Chữ thập đỏ của các huyện Kim Bôi (800 triệu đồng), Lạc Thủy (600 triệu đồng), Lạc Sơn (528 triệu đồng), Mai Châu (490 triệu đồng), thành phố Hòa Bình (432 triệu đồng)…
Song song với đó, để bảo đảm hiệu quả bền vững của chương trình, với sự hướng dẫn của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các huyện, thành Hội đã chú trọng thực hiện đúng các khâu các bước trong triển khai chương trình từ việc thành lập Ban Chỉ đạo chương trình “Ngân hàng bò” các cấp, tổ chức sinh hoạt, quán triệt nội dung, yêu cầu thực hiện chương trình ở cơ sở (thôn, xóm, bản); bình xét, lựa chọn các hộ được thụ hưởng một cách minh bạch, công bằng, đúng đối tượng; lựa chọn mua trâu, bò bảo đảm chất lượng; kiểm tra, giám sát các hoạt động của chương trình… Đồng thời, nhờ làm tốt công tác hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò cho các hộ được tham gia chương trình nên đến nay, nhìn chung số trâu, bò được bàn giao cho các hộ hưởng lợi đều sinh trưởng, phát triển tốt. Đặc biệt, tại xã Pù Bin (Mai Châu) đã có 05 con bò sinh sản đẻ được 05 bê con; tại huyện Lạc Sơn, 100% bò đã sinh sản, trong đó huyện Hội đã chuyển giao 10 con bê đủ tuổi cho 10 hộ gia đình hưởng lợi khác; số bê con còn lại dự kiến sẽ được bàn giao trong thời gian từ giờ đến cuối năm.
Cũng theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình, bà Đinh Thị Đào cho biết thêm, trên cơ sở những kết quả khả quan bước đầu, thời gian tới, các cấp Hội trong toàn tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phản ánh các hoạt động trao tặng trâu, bò và những hiệu quả của chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng lựa chọn đối tượng và trao bò cho các hộ hưởng lợi theo đúng tiêu chí của chương trình; phát triển quỹ bò và chuyển giao cho các hộ hưởng lợi khác để tăng số lượng hộ khó khăn được tiếp cận với chương trình.
Kế thừa truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội gắn với những cách làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả quan trọng thu được từ chương trình “Ngân hàng bò” ở Hòa Bình đã thực sự tạo thêm một “kênh” hỗ trợ mới trong giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()