Thiết lập “vùng xanh” an toàn: Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn
– Nhằm đảm bảo phòng, chống dịch COVID tại khu vực cửa khẩu đạt hiệu quả cao nhất, đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) qua các cửa khẩu của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và lực lượng tại cửa khẩu thiết lập “vùng xanh” an toàn với các biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất.
Theo thống kê của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm 2022 đến nay, tại 3 cửa khẩu trên tuyến đường bộ của tỉnh vẫn đang thực hiện thông quan hàng hóa (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma) đã hơn 20 lần phải tạm dừng thông quan hàng hoá do Trung Quốc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.
Chính vì thế, mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy thông quan hàng xuất khẩu nhưng từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, hoạt động thông quan hàng hóa, nhất là hàng xuất khẩu từ Việt Nam chỉ được thực hiện qua Cửa khẩu Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng và Cửa khẩu Tân Thanh. Còn Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Chi Ma chỉ thực hiện thông quan đối với luồng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang. Cùng đó, các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh như: Cốc Nam, Na Hình, Nà Nưa… vẫn đóng cửa. Điều này khiến tổng kim ngạch XNK hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh trong 3 tháng đầu năm 2022 giảm 43,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, riêng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu giảm hơn 77%.
Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Do Trung Quốc kiên trì thực hiện chính sách “Không COVID” (zero COVID), siết chặt các biện pháp phòng dịch đã ảnh hưởng đến hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh, đặc biệt là hoạt động thông quan hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nhằm đẩy mạnh hoạt động thông quan hàng hóa, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào cuối tháng 2/2022, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện thiết lập “vùng xanh” an toàn, đảm bảo công tác chống dịch COVID-19 ở mức độ cao nhất, qua đó tạo sự đồng nhất với Trung Quốc về công tác phòng, chống dịch, từ đó thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh.
Xe chở hàng hóa xuất khẩu trước khi vào khu vực cửa khẩu Tân Thanh phải đỗ tại vùng đệm thứ nhất để thực hiện các bước kiểm soát dịch
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn đã chủ trì cùng với các ngành, lực lượng tại cửa khẩu xây dựng, thiết lập “vùng xanh” an toàn tại 3 cửa khẩu trên tuyến đường bộ gồm: Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh và Chi Ma, áp dụng từ đầu tháng 4/2022. Theo đó, người, phương tiện, hàng hóa trước khi ra, vào khu vực cửa khẩu đều được kiểm soát theo 3 lớp, trong đó, việc thực hiện quy trình kiểm soát y tế được triển khai ở mức độ cao nhất với mục tiêu là không để “lọt” bất cứ trường hợp nào bị nhiễm SARS-CoV-2 vào cửa khẩu, từ đó giảm thiểu nguy cơ phải tạm dừng hoạt động thông quan hàng hóa.
Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để đảm bảo việc kiểm soát y tế tại các vùng đệm, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế phối hợp với trung tâm y tế các huyện: Cao Lộc, Văn Lãng, Lộc Bình tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với tất cả các lái xe, chủ hàng và người tham gia hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh. Cùng với đó, thực hiện phun khử khuẩn đối với phương tiện, hàng hóa được thực hiện đúng quy trình 3 bước, qua đó giảm thiểu nguy cơ xe chở hàng và hàng hóa có vi rút SARS-CoV-2 khi vào cửa khẩu.
Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết: Do các biện pháp phòng, chống dịch ở 2 nước khác nhau nên giải pháp thiết lập “vùng xanh” an toàn là để duy trì hoạt động XNK qua các cửa khẩu của tỉnh bền vững. Việc thiết lập “vùng xanh” để bảo vệ khu vực cửa khẩu luôn đảm bảo là vùng an toàn, không có COVID-19, từ đó thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa. Để thống nhất trong việc thực hiện các quy định của “vùng xanh”, Hải quan Lạng Sơn đã và đang tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp hoạt động XNK qua địa bàn nhằm tuyên truyền, thống nhất về việc thực hiện các tiêu chí của “vùng xanh”.
Ngoài hải quan, các lực lượng như: bộ đội biên phòng, công an… cũng tham gia phối hợp triển khai thiết lập “vùng xanh” đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, lực lượng công an tổ chức phân luồng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu vào các khu vực vùng đệm để kiểm tra, kiểm soát y tế; lực lượng bộ đội biên phòng bố trí, sắp xếp đầy đủ nhân lực để điều hành, phần luồng phương tiện và thực hiện kiểm soát người ra vào khu vực cửa khẩu. Cùng đó, Sở Công thương tăng cường thông tin, tuyên truyền đến Sở Công thương các tỉnh, thành để thông báo đến cộng đồng doanh nghiệp hoạt động XNK về việc tỉnh thiết lập “vùng xanh” để doanh nghiệp nắm và đồng thuận trong thực hiện.
Có thể thấy, việc thiết lập “vùng xanh” trong thời điểm này là một trong những biện pháp tối ưu để thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa tại những cửa khẩu đang mở hoạt động thông quan. Hiệu quả từ thiết lập “vùng xanh” được thấy ngay khi phía Trung Quốc đã tiếp tục nhận hàng xuất từ Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và theo cơ quan chức năng, đến trung tuần tháng 4/2022, hoạt động thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Chi Ma sẽ được nối lại. Cùng với đó, hy vọng sau tháng 6/2022 sẽ tiến tới mở lại hoạt động tại các cửa khẩu như: Cốc Nam, Na Hình, Na Nưa… , từ đó góp phần đưa hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh trở lại trạng thái bình thường, không còn hiện tượng ùn tắc hàng hóa như hiện nay.
“Vùng xanh” an toàn là khu vực an toàn về dịch, nằm trong các cửa khẩu. Thiết lập “vùng xanh” để kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hóa trước khi ra, vào khu vực cửa khẩu. Người ra vào giữa các vùng đệm được hạn chế, có nghĩa sẽ ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm. Cùng đó, các hoạt động như: bốc xếp, sang tải hàng hóa, chuyển phương tiện… tại cửa khẩu sẽ được lực lượng có giấy phép thực hiện trong vùng an toàn. “Vùng xanh” tại tỉnh Lạng Sơn được đặt thiết lập 3 lớp gồm: lớp đệm (gồm các khu vực đỗ xe ngoài cửa khẩu như khu trung chuyển hàng hóa, khu phi thuế quan…); lớp thứ 2 là lực lượng chức năng quản lý trực tiếp (quản lý các lao động tại các doanh nghiệp bến bãi, các hoạt động dịch vụ tham gia hoạt động tại cửa khẩu); lớp thứ 3 gọi là vùng lõi (kiểm soát các lái xe thuộc Đội lái xe chuyên trách). |
Ý kiến ()