Thiết lập khung pháp lý trong lĩnh vực trồng trọt
Dự án Luật Trồng trọt được xây dựng nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hoá...
Toàn cảnh phiên họp. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét và cho ý kiến về dự án Luật Trồng trọt trong phiên họp thứ 23 diễn ra vào chiều 13/4.
Sản xuất trồng trọt giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp, thu hút sự tham gia của gần 70% nguồn lực lao động xã hội, đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Năm 2017, giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp đạt 36,2 tỷ USD, trong đó lĩnh vực trồng trọt là 18,96 tỷ USD, có 7 trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực (trên 1 tỷ USD) của ngành nông nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt.
Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, hoạt động trồng trọt ở nước ta đã xuất hiện những bất cập giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hội nhập quốc tế và hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan.
Cụ thể, lực lượng sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt đang phát triển nhanh, từng bước chuyển sang nền sản xuất hàng hoá tập trung theo định hướng thị trường, trong khi quan hệ sản xuất còn chậm được thay đổi. Sự tác động của biến đổi khí hậu đã, đang hiện hữu và diễn ra ngày càng mạnh mẽ, phức tạp hơn, đòi hỏi phải có những chính sách và biện pháp quản lý sản xuất trồng trọt phù hợp, ứng dụng công nghệ canh tác thông minh để thích ứng và giảm thiểu tác động. Quá trình hội nhập quốc tế và phát triển theo quy luật thị trường đặt ra yêu cầu phải có sự thay đổi phù hợp trong công tác quản lý…
Theo Tờ trình của Chính phủ, để khắc phục những bất cập, hạn chế, đồng thời nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển trồng trọt, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, việc xây dựng, trình ban hành Luật Trồng trọt là hết sức cần thiết.
Dự án Luật Trồng trọt được xây dựng nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hoá, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.
Dự thảo Luật gồm 7 chương với 82 điều, quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua, bán, sơ chế, chế biến, bảo quản, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẳng định nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Trồng trọt như Tờ trình của Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh Giống cây trồng (2004), tổng kết thực tiễn quản lý phân bón và bổ sung một số nội dung mới để hoàn thiện khung pháp lý phát triển ngành trồng trọt theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Báo cáo nhấn mạnh, dự án Luật được chuẩn bị tương đối công phu. Ban soạn thảo đã đánh giá, tổng kết 12 năm thi hành Pháp lệnh Giống cây trồng, tổng kết việc quản lý hoạt động phân bón, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới và pháp luật quốc tế về giống cây trồng, về quản lý vật tư, canh tác nông nghiệp.
Nội dung dự thảo Luật có nhiều quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế về trồng trọt. Hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Khẳng định đồng ý với sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Trồng trọt, trong phát biểu thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng dự án Luật phải được xây dựng trên quan điểm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về sản xuất trồng trọt, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường; phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Đồng thời, bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Phát triển ngành trồng trọt theo hướng hiện đại; sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên; phát triển sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu…
Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của Dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế, báo cáo trẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, về cơ bản, các quy định trong dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật vẫn còn một số quy định chưa thống nhất với một số Luật khác như quy định về đặt tên giống cây trồng mới (Điều 23) chưa phù hợp với Điều 163 Luật Sở hữu trí tuệ; quy định về thẩm quyền công nhận giống (Điều 31) chưa thống nhất với Điều 44 Luật Lâm nghiệp…
Cùng quan điểm nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát về phạm vi điều chỉnh luật; tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, nên có những quy định cụ thể liên quan đến chiến lược phát triển trồng trọt, công tác dự báo, phát triển thị trường, bảo đảm thị trường đầu ra cho nông sản; hạn chế tình trạng làm ăn, sản xuất manh nha, chạy theo thị trường, được mùa mất giá, phải đi “giải cứu” nông sản như đã từng xảy ra trong thời gian qua.
Chủ nghiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần có những quy định cụ thể hơn trong công tác quản lý nhà nước về vật tư đầu vào của trồng trọt, nhất là vấn đề giá cả, chất lượng phân bón.
Liên quan đến vấn đề quản lý phân bón (Chương III) trong dự thảo luật, Báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, nhiều ý kiến tán thành với quy định phải khảo nghiệm phân bón trước khi được công nhận lưu hành (Khoản 1 Điều 49), trừ một số trường hợp quy định tại Khoản 2 điều này. Một số ý kiến cho rằng, phân bón là dinh dưỡng cho cây trồng đã được quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và điều kiện sản xuất, kinh doanh của cơ sở nên không nhất thiết phải khảo nghiệm; ý kiến khác cho rằng, chỉ khảo nghiệm phân bón có chứa các yếu tố gây hại cho cây trồng và môi trường.
Về vấn đề này, quan điểm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phân bón đang được hoàn thiện, việc quản lý điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón đang dần ổn định nên việc khảo nghiệm phân bón quy định theo hướng chỉ khảo nghiệm đối với một số loại phân bón mà nguyên liệu có chứa các yếu tố có nguy cơ gây độc hại, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường để bảo đảm chất lượng phân bón lưu hành.
Nhận định Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, việc xây dựng và ban hành Luật Trồng trọt là cần thiết; hồ sự dự án luật cũng đã tương đối đầy đủ, song Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị cần tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của luật, tránh sự chồng chéo, hoặc quá rộng, dẫn đến khó áp dụng trong thực tế. Ông Phan Thanh Bình cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến phát biểu của nhiều thành viên UBTVQH là cần có những quy định liên quan đến chiến lược phát triển trồng trọt, hướng mạnh tới phát phát triển bền vững, phát triển xanh, phát triển nông nghiệp sạch. Cùng với đó, cần có các quy định cụ thể trong bảo tồn các nguồn ghen, nguồn giống quý của cây trồng Việt Nam.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung một số nội dung về áp dụng các tiến bộ mới của khoa học-công nghệ trong bảo quản, chế biến nông sản; việc bảo đảm nguyên liệu đầu vào đối với cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến sản phẩm trồng trọt; làm rõ hơn chính sách đầu tư, hỗ trợ, ưu đãi và khuyến khích của Nhà nước đối với hoạt động trồng trọt…
Theo baochinhphu
Ý kiến ()