Thiết lập cơ chế phối hợp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội
Ngày 14/7, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) do đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng dẫn đầu đã làm việc với UBND TP Hà Nội về sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, công tác phòng chống lụt bão và quản lý đê điều trên địa bàn thành phố.
Dự và làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt và lãnh đạo các ngành chức năng của TP.
|
Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại buổi làm việc – ảnh: HN |
Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết, tăng trưởng nông nghiệp bình quân của Thành phố đạt gần 2,5%/năm, cao hơn so với chỉ tiêu đề ra 147%; cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ. Giá trị sản xuất tăng nhanh, năm 2014 đạt 231 triệu đồng/ha, đã đạt chỉ tiêu đề ra đến năm 2015. Bước đầu hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao, Thu nhập và đời sống của nông dân ngày một cải thiện, số hộ nghèo khu vực nông thôn còn 36.993/1.045.000 hộ, chiếm 3,54%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2013 đạt 24,324 triệu đồng/người/năm. Công tác chăm sóc sức khoẻ nông dân còn nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm, có 64,84% xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn ngày càng được củng cố.
Về chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay thành phố đã có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu đề ra 2 xã. Hiện còn 78 xã đăng ký hoàn thành 19/19 tiêu chí vào cuối năm 2014 và hiện đã có 14 xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, 52 xã cơ bản đạt 16 – 18/19 tiêu chí, còn lại các xã đã cơ bản đạt 12 – 15 tiêu chí, trong đó kế hoạch của thành phố đến hết năm 2014 sẽ có thêm 62 xã đạt chuẩn NTM. Để hoàn thành mục tiêu trên, trước mắt thành phố sẽ hỗ trợ cho mỗi xã 2,5 tỷ đồng, đồng thời, cố gắng cuối năm 2014 sẽ hoàn thành DĐĐT, khuyến khích các địa phương làm trước các tiêu chí dễ, tốn ít kinh phí…Từ năm 2010 đến nay, thành phố Hà Nội đã đầu tư 17.103 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó ngân sách nhà nước 13.445 tỷ đồng, ngân sách thành phố 5.237 tỷ đồng, ngân sách xã 7.523 tỷ đồng, còn lại là ngân sách xã và người dân đóng góp. Diện tích đất nông nghiệp thực hiện dồn điền đổi thửa đạt hơn 96%, hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư đồng bộ.
Hệ thống đê điều được bảo đảm an toàn, hệ thống công trình thủy lợi từng bước được cải tạo, nâng cấp. Công tác phòng chống lụt bão được đặc biệt quan tâm chỉ đạo sát sao, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Chỉ tính riêng giai đoạn 2010 – 2013, thành phố đã được tập trung đầu tư tu sửa, nâng cấp, xây dựng mới 24km đê; cứng hóa, tu sửa mặt đê 150km; làm 54km đường hành lang ven đê… với tổng kinh phí hơn 2.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đầu tư nạo vét kênh mương, cải tạo, nâng cấp 30 trạm bơm tưới tiêu tổng lưu lượng 700.000m3/h với tổng kinh phí 1.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Thành phố Hà Nội vẫn còn những hạn chế trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nhất là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô. Xây dựng nông thôn mới ở những xã vùng dân tộc miền núi, vùng xa trung tâm còn chậm và khó khăn về huy động nguồn lực từ ngân sách, tình trạng ô nhiễm môi trường các làng nghề chưa được đầu tư khắc phục dứt điểm. Còn nhiều công trình thủy lợi cũ, xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp, cải tạo.
Trong 6 tháng cuối năm, Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Sở NN&PTNT điều hành đồng bộ hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên cũng như xử lý kịp thời những diễn biến đột xuất của thời tiết ảnh hưởng đến nông nghiệp, tiếp tục trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, phát huy tiềm năng lợi thế của Thủ đô về đất đai, nhân lực khoa học kỹ thuật. Tiếp tục xây dựng nông nghiệp Thủ đô là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các vùng chuyên canh tập trung sản xuất hàng hoá chất lượng cao như sản xuất hoa cao cấp, từng bước thay thế hoa nhập nội; chăn nuôi các loại thuỷ đặc sản giá trị kinh tế cao. Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý cấp xã, thôn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tình hình mới. Chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình khuyến nông tại địa phương để nhân rộng. Trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch xã nông thôn mới năm 2014 thêm 62 xã đạt chuẩn.
Cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của TP Hà Nôi đã đề ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát gợi mở một số lĩnh vực chuyên ngành mà Hà Nội cần rà soát, tập trung chỉ đạo, xây dựng đề án phát triển, góp phần cùng cả nước triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thực tiễn. Trong đó, cùng với việc việc sản xuất lúa gạo của Hà Nội là phục vụ cho nội thành, Hà Nội cần tập trung chuyển mạnh sang giống lúa chất lượng cao có giá từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Trong năm nay, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là địa phương Bộ NN&PTNT chọn tập trung xây dựng và thông qua đề án đảm bảo cung cấp rau và thịt lợn, gia cầm an toàn theo hướng quản lý chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, chế biến. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các cơ quan của Bộ, nhất là các viện, các trường tăng cường phối hợp chặt chẽ cùng TP Hà Nội để triển khai có hiệu quả các Đề án.
Trong công tác quản lý đê điều, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, việc thay đổi 6 tuyến đê trên địa bàn Hà Nội là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố về lâu dài nên cần có sự thận trọng, cân nhắc kỹ.
Làm rõ hơn về vấn đề quy hoạch đê điều, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết: định hướng của TP là xây dựng thêm lớp đê mới ở cấp độ chống lũ, đảm bảo an toàn cho dân cư khu vực và có thể khai thác làm đô thị sinh thái, gắn kết làm hệ thống giao thông trục lõi đô thị ở một số đoạn.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã thống nhất thiết lập cơ chế, hàng năm Bộ NN&PTNT và thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố Hà Nội và tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()