LSO-Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay do thời tiết bất thuận đã gây thiệt hại trên diện tích 14.500 ha lúa vụ mùa ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Riêng diện tích bị mất trắng có 7.320 ha. Thiệt hại vụ lúa mùa năm nay đã gây ra không ít khó khăn đối với đời sống của phần lớn bà con nông dân trong tỉnh. Từ thiệt hại này, cũng cần nhìn nhận lại tập quán sản xuất và một số giải pháp né tránh rủi ro cho những năm sau.Nông dân ở xã Mai Pha lấy máy xén cỏ thu hoạch lúa lép - Ảnh: T.LNhững ngày này, bà con nông dân ở các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch những trà lúa mùa muộn cuối cùng để bước vào vụ sản xuất đông – xuân 2011-2012. Vớt vát lại chút công sức bỏ ra trong suốt cả vụ lúa, vẻ mặt buồn bã, bà Hoàng Thị Miên ở thôn Trà Lẩu xã Tân Văn ( Bình Gia) cho chúng tôi biết: “ Năm nay thời tiết khác hơn mọi năm, do cấy muộn...
LSO-Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay do thời tiết bất thuận đã gây thiệt hại trên diện tích 14.500 ha lúa vụ mùa ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh.
Riêng diện tích bị mất trắng có 7.320 ha. Thiệt hại vụ lúa mùa năm nay đã gây ra không ít khó khăn đối với đời sống của phần lớn bà con nông dân trong tỉnh. Từ thiệt hại này, cũng cần nhìn nhận lại tập quán sản xuất và một số giải pháp né tránh rủi ro cho những năm sau.
|
Nông dân ở xã Mai Pha lấy máy xén cỏ thu hoạch lúa lép – Ảnh: T.L |
Những ngày này, bà con nông dân ở các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch những trà lúa mùa muộn cuối cùng để bước vào vụ sản xuất đông – xuân 2011-2012. Vớt vát lại chút công sức bỏ ra trong suốt cả vụ lúa, vẻ mặt buồn bã, bà Hoàng Thị Miên ở thôn Trà Lẩu xã Tân Văn ( Bình Gia) cho chúng tôi biết: “ Năm nay thời tiết khác hơn mọi năm, do cấy muộn nên khi lúa trỗ gặp rét không mẩy được. So với các đám khác thì ruộng nhà tôi cấy sớm hơn khoảng chục ngày nên đỡ hơn”.
Còn anh Hoàng Đình Cường ở cùng thôn Trà Lẩu thì khẳng định: “ Theo tôi thấy thì cả xã, lúa gần như bị mất trắng hết”. Ở xã Tô Hiệu, có hộ nông dân gặt được 8 bao, sau khi quạt sạch thì chỉ còn lại vẻn vẹn… hơn 1 bao thóc. Hoặc như trường hợp khác (theo như lời kể của ông Hoàng Văn Hoàn ở thôn Ngọc Quyến), có hộ gặt 2,1 sào lúa mà chỉ thu được 2 bao nhẹ cắp nách mang về. Không riêng gì ở 2 xã Tân Văn và Tô Hiệu, bà con nông dân ở các xã khác của huyện Bình Gia và nhiều địa phương trong tỉnh cũng cùng trong cảnh ngộ lúa mùa không kết hạt, đang phải đối mặt với nạn thiếu đói gay gắt trong nay mai.
Theo số liệu thống kê của huyện Bình Gia, diện tích lúa mùa năm nay của huyện gồm 2.650,9 ha, trong đó diện tích thiệt hại tổng cộng 1.839,5 ha (riêng diện tích bị mất trắng 1.045,4 ha). Số bị mất trắng hoàn toàn rơi vào giống lúa Bao thai cấy muộn sau tiết Lập Thu. Lúa mùa không kết hạt do thiên tai, nguy cơ thiếu đói là rất cao, trong khi đó toàn huyện Bình Gia hiện có 5.665 hộ nông dân (56,67%) thuộc diện hộ nghèo và 666 hộ (6,65%) thuộc diện hộ cận nghèo theo số liệu thống kê mới nhất tuần qua.
Theo tập quán sản xuất, hàng năm bà con nông dân tỉnh ta thường cấy giống lúa Bao thai lùn trong vụ mùa. Giống lúa này có ưu điểm để được mạ già trong điều kiện chờ nước cấy, mặt khác gạo ngon, hợp với khẩu vị của người dân. Tuy nhiên giống lúa thuần này có thời gian sinh trưởng dài từ 140 – 150 ngày, rất dễ gặp những yếu tố rủi ro bởi thời tiết bất thuận. Những năm qua, biến đổi khí hậu với những diễn biến thời tiết khó lường cũng đã gây không ít khó khăn trong quá trình sản xuất của người nông dân. Thực tế, tình trạng hạn hán cuối vụ thỉnh thoảng xảy ra trong những năm trước cũng đã ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng lúa Bao thai lùn trong vụ mùa, tuy nhiên cũng chưa dẫn đến tình trạng mất mùa trên diện rộng như trong vụ mùa năm nay.
Theo ông Nông Ngọc Tăng – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đợt rét đậm, rét hại đầu năm kéo dài đã làm thời vụ chậm lại khoảng 15 – 25 ngày, thậm chí có nơi chậm 30 ngày. Mặc dù vụ xuân thắng lợi nhưng vụ mùa cũng bị ảnh hưởng lớn bởi thời vụ dịch chuyển về cuối năm. Về nguyên nhân thiệt hại vụ lúa mùa năm nay, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 6 kéo dài từ ngày 5/10 – 15/10 và tiếp đó là đợt rét kéo dài đúng vào giai đoạn cây lúa trong thời kỳ trỗ bông. Nhiệt độ thấp cùng sương mù dày đặc kéo dài làm chết hạt phấn, cây lúa, không thụ phấn được nên dẫn tới hiện tượng lép hạt. Qua con số thống kê của các địa phương gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh bị thiệt hại tổng cộng 14.500 ha lúa mùa, trong đó 7.180 ha thiệt hại 50 – 70%, diện tích mất trắng là 7.320 ha. Số diện tích lúa bị mất trắng đều rơi vào trà lúa Bao thai cấy muộn sau tiết Lập Thu (8/8 dương lịch).
Theo tính toán sơ bộ của ngành nông nghiệp, với thiệt hại trong vụ lúa mùa năm nay, toàn tỉnh đã mất hơn 37 ngàn tấn lương thực… Vẫn theo ông Nông Ngọc Tăng, ngành nông nghiệp đã dự đoán được tình hình khó khăn trong sản xuất, đã có những chỉ đạo tăng cường công tác khuyến cáo, tuyên truyền chuyển dịch cơ cấu cây trồng và mùa vụ. Tuy nhiên, chuyển biến trong nông dân vẫn không kịp. Mặt khác, tâm lý chuộng loại gạo Bao thai vẫn ăn sâu trong tiềm thức của bà con nông dân ở hầu khắp các địa phương, vì vậy bà con vẫn duy trì giống lúa Bao thai và thiệt hại đã xảy ra ở mức độ lớn và đều khắp các địa phương trong tỉnh.
Bên cạnh những thiệt hại của trà lúa mùa muộn cấy lúa Bao thai lùn, nhiều hộ nông dân ở xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia năm nay cũng đã cấy được tổng cộng 35 ha lúa mùa sớm hoặc bố trí giống lúa ngắn ngày cho thu hoạch sớm, do vậy cũng đã tránh được những rủi ro của thời tiết năm nay. Mô hình chuyển dịch cơ cấu mùa vụ bằng việc cấy vụ lúa mùa sớm tiếp chân vụ ngô xuân trên chân ruộng chờ mưa, hoặc cấy tiếp chân lúa xuân bằng những giống lúa ngắn ngày trên ruộng chủ động nước đã được mạng lưới khuyến nông tổ chức thực hiện và tuyên truyền liên tục, rộng rãi từ năm 1998 đến nay.
Tuy nhiên, do thời tiết những năm qua ít có biến động đến mức gay gắt nên bà con nông dân ít quan tâm làm theo. Trong vài năm gần đây, tỉnh ta chỉ có huyện Bắc Sơn, cụm 7 xã núi đá của huyện Chi Lăng, một số xã của huyện Hữu Lũng đã thực hiện rất hiệu quả khi chuyển sang cấy vụ lúa mùa sớm và đã tạo thành phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế, ngay từ cuối tháng 9 sang nửa đầu tháng 10 vừa qua, bà con nông dân ở các địa phương nói trên đã thu hoạch gọn lúa mùa sớm, như vậy đã tạo ra vụ lúa ăn chắc bởi tránh được những rủi ro của thời tiết bất thuận thường xảy ra vào cuối vụ.
Về giải pháp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất lúa, theo ông Nông Ngọc Tăng thì bà con nông dân cần nắm bắt diễn biến thời tiết ngay giai đoạn đầu mỗi vụ sản xuất. Nếu thuận lợi thì có thể vẫn duy trì giống lúa Bao Thai tiếp ngay chân lúa xuân trên đất 2 vụ lúa. Còn khi thời tiết biến động gây yếu tố làm chậm thời vụ thì cần dứt khoát sử dụng các giống lúa ngắn ngày như LS1, Kim Cương, Khang Dân… có thời gian sinh trưởng 105 – 110 ngày cấy vụ mùa tiếp chân vụ xuân. Nhưng để tạo tính ăn chắc và nâng cao sản lượng lương thực thì rất nên chuyển hẳn sang các giống lúa ngắn ngày nói trên. Mặt khác, để giải quyết tính gấp rút của thời vụ thì cũng cần thay đổi tập quán trong sản xuất, đó là việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như làm mạ nền, mạ khay, gieo thẳng lúa bằng giàn kéo tay mà mạng lưới khuyến nông vẫn đang tích cực khuyến cáo như trong thời gian qua.
Nguyễn Duy Hà
Ý kiến ()