Thiết chế hạt nhân của xã hội học tập
![]() |
Người dân xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình được tuyên truyền chính sách dân số thông qua Trung tâm học tập cộng đồng |
Những hoạt động trọng tâm của Trung tâm HTCĐ
Được lập ra nhằm cung cấp cơ hội học tập cho mọi người trong xã, phường, thị trấn để phát triển nguồn nhân lực, cải thiện đời sống và phát triển cộng đồng, xây dựng xã hội học tập, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, Trung tâm HTCĐ có 4 chức năng là giáo dục và đào tạo, thông tin và tư vấn, phát triển cộng đồng, liên kết và phối hợp. Trước hết, Trung tâm HTCĐ là nơi để thực hiện xóa mù chữ và nâng cao trình độ văn hóa cho người dân; cao hơn, đó là địa chỉ tin cậy để người dân được học tập theo tính chất “thiếu gì học nấy, học để làm việc”, học theo sở thích và để hình thành kỹ năng lao động. Trong giai đoạn hiện nay, xu hướng “tích hợp” giữa Trung tâm HTCĐ với thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã tạo điều kiện cho Trung tâm HTCĐ thực hiện các nhiệm vụ cung cấp thông tin qua các loại hình báo chí, Intenet, ti vi, nghe đài theo các chủ đề; là nơi người dân có thể tìm hiểu và khai thác vốn văn hóa qua loại hình các câu lạc bộ; là nơi luyện tập thể dục thể thao…
Trong những năm qua, với tinh thần trách nhiệm cao của Ban giám đốc Trung tâm HTCĐ các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, sự phối hợp tốt của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các Trung tâm HTCĐ trên phạm vi toàn tỉnh đã có những hoạt động thiết thực cụ thể. Năm 2014 đã mở được trên 17 ngàn lớp với hơn 283 ngàn lượt người dân tham gia. Trong đó, riêng tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời tháng 9/2014, các Trung tâm đã mở được 239 lớp học tập các kiến thức về văn hóa, pháp luật với 11.815 lượt người dân tham gia. Số Trung tâm HTCĐ được đánh giá xếp loại khá, tốt đạt trên 60%. Trao đổi với chúng tôi, bà Vy Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ (Văn Lãng) cho biết: là một xã có đất rộng, người thưa, nhiều thôn bản vùng khe dọc, trình độ sản xuất còn lạc hậu, chính sự hoạt động có hiệu quả của Trung tâm HTCĐ mà kiến thức về pháp luật, trình độ về sản xuất của bà con được nâng lên nhiều. Tình trạng đi khuân vác hàng thuê giảm, bà con đã biết khai thác tiềm năng đất đai của gia đình để phát triển sản xuất.
Giải quyết tốt nguồn nhân lực cho Trung tâm HTCĐ
Nếu trước năm 2012, các Trung tâm HTCĐ còn nhiều lúng túng trong sắp xếp bộ máy quản lý và tổ chức hoạt động, thì từ năm 2013, hoạt động của các Trung tâm đã đi vào nền nếp. Theo Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-BGD&ĐT, ngày 14/3/2014 của Bộ GD&ĐT thì Trung tâm HTCĐ có 4 người làm việc theo chế độ kiêm nhiệm như cán bộ quản lý cấp xã kiêm Giám đốc, cán bộ Khuyến học, lãnh đạo trường Tiểu học hoặc THCS kiêm phó Giám đốc, giáo viên trường THCS hoặc Tiểu học làm việc cho Trung tâm theo chế độ bán chuyên trách. Đội ngũ giảng viên bao gồm cán bộ chuyên môn các phòng ban của cấp huyện, các chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau được mời đến giảng lý thuyết và thực hành cho học viên. Đến nay, toàn ngành GD&ĐT đã có trên 120 giáo viên được cử sang Trung tâm HTCĐ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và bước đầu đã có kết quả tốt. Thầy giáo Hoàng Mạnh Tuynh, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Công Sơn (Cao Lộc) nói với chúng tôi: “Với vai trò là Phó Giám đốc thường trực của Trung tâm HTCĐ xã, tôi đã tổ chức các hoạt động của Trung tâm và đưa các hoạt động này vào nền nếp. Tháng 10/2014, thực hiện chỉ đạo của Phòng GD&ĐT, nhà trường đã cử 1 giáo viên sang hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm, các kế hoạch, bảng biểu được lập một cách khoa học; hoạt động chống tái mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học có hiệu quả hơn, các chuyên đề khác cũng được thực hiện đều hơn”.
Làm việc với chúng tôi, ông Cao Văn Đông, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên – Sở GD&ĐT cho biết: với chức năng của mình, phòng Giáo dục thường xuyên luôn quan tâm đến hoạt động của Trung tâm HTCĐ, coi đó là hạt nhân trong việc tạo điều kiện học tập suốt đời cho người dân. Trước hết là giúp các Trung tâm kiện toàn tổ chức, tập huấn chuyên môn, cách thức hoạt động để các Trung tâm hoạt động một cách khoa học và ổn định. Về kinh phí hoạt động, với 20 triệu đồng mỗi năm đối với các Trung tâm xã, thị trấn vùng thuận lợi và 25 triệu đồng cho các Trung tâm vùng khó khăn, các Trung tâm phải khéo lo liệu về tất cả các mặt để làm sao vừa có kinh phí duy trì các hoạt động phục vụ cho giảng dạy và học tập, trang trải cho công tác quản lý và từng bước tăng cường trang thiết bị. Tuy vậy, nhiều lãnh đạo xã, thị trấn cho rằng, so với vị trí, tầm quan trọng và các lĩnh vực hoạt động phong phú, đa dạng của Trung tâm HTCĐ, số kinh phí như vậy vẫn là quá thấp.
Thế kỷ thứ XXI là thế kỷ của Giáo dục thường xuyên. Đề án xây dựng xã hội hội học tập giai đoạn 2012-2020, Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” có hoàn thành mục tiêu đề ra được hay không, phần lớn là sự duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm HTCĐ.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()