Thiết bị nhận dạng và cảnh báo thông minh trước màn hình: Góp phần nâng hiệu quả giám sát
Các thành viên trong nhóm vận hành “Thiết bị nhận dạng và cảnh báo thông minh trước màn hình”
– “Thiết bị nhận dạng và cảnh báo thông minh trước màn hình” là sản phẩm của nhóm nghiên cứu gồm các em: Hoàng Thị Thúy Nga, Lý Thị Phương Thanh, Vy Đức Tứ, lớp 12A, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS & THPT huyện Lộc Bình. Sản phẩm này đã xuất sắc đoạt giải nhì tại cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022 – 2023 và đạt giải ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2023.
Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đa số trẻ em ở các lứa tuổi thiếu nhi, thanh thiếu niên đều được tiếp xúc với các công nghệ hiện đại thường xuyên tiếp xúc với màn hình điện thoại, ti vi, máy tính… Tuy nhiên việc tiếp xúc với các thiết bị này trong thời gian dài có thể gây ra các tật về mắt như: cận thị, loạn thị… Các vấn đề trên thường xảy ra đối với trẻ do phụ huynh quá bận rộn xử lý công việc riêng mà không có thời gian chú ý đến con cái. Từ những lý do trên, trong năm học 2022 – 2023, nhóm dự án đã nghiên cứu, chế tạo “Thiết bị nhận dạng và giám sát cảnh báo thông minh trước màn hình” với mục tiêu giám sát và nhắc nhở trẻ em đảm bảo thời gian và giữ khoảng cách ngồi trước màn hình ti vi, máy vi tính… hợp lý để giữ gìn sức khỏe, đảm bảo cho sự phát triển thể chất, trí tuệ.
Em Hoàng Thị Thúy Nga, trưởng nhóm dự án chia sẻ: Để chế tạo ra “Thiết bị nhận dạng và giám sát cảnh báo thông minh trước màn hình”, chúng em đã ấp ủ ý tưởng từ tháng 9/2022 và thử nghiệm nhiều lần trên thiết bị cảm biến. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, nhóm đã nghiên cứu, lên kế hoạch thực hiện dự án và viết các chương trình cơ bản thử nghiệm, sau đó lựa chọn sử dụng phần mềm Arduino để xây dựng phần mềm cho hệ thống và học cách sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo). Với sự phát triển của công nghệ 4.0 thì việc ứng dụng xử lý ảnh vào các công việc tự động hóa AI mang lại tính tối ưu và tính ứng dụng cao hơn.
Clip sử dụng “Thiết bị nhận dạng và giám sát cảnh báo thông minh trước màn hình”
Thiết bị gồm các bộ phận như: Bộ xử lý trung tâm Rasberry pi là một bộ xử lý rất mạnh có thể xử lý các tác vụ điều khiển AI; camera có chức năng nhận diện hình ản với độ rộng 130 0 trong thời gian từ 10 đến 30 giây; loa bluetooth để phát ra yêu cầu khi hệ thống thông báo và công tắc thông minh để điều khiển bật hoặc tắt màn hình khi có lệnh. Thiết bị có kết cấu nhỏ gọn, khối lượng nhẹ, dễ dàng lắp đặt và sử dụng, phù hợp với tất cả các loại màn hình tivi và màn hình máy vi tính để bàn.
Theo đó, để vận hành thiết bị, phụ huynh chỉ cần tải ứng dụng “telegram” (dung lượng khoảng 200MB) về điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng và đăng nhập tài khoản trên ứng dụng. Đồng thời, máy chủ sẽ lưu thông tin liên hệ để phát cảnh báo tới phụ huynh. Khi thiết bị phát hiện người ngồi xem màn hình ở khoảng cách quá gần và ngồi quá thời gian quy định, thiết bị sẽ phát âm thanh cảnh báo, chụp hình ảnh gửi đến phụ huynh.
Cô giáo Vy Thị Việt Hà, giáo viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu chia sẻ: Thiết bị giám sát, cảnh báo thông minh trước màn hình là sản phẩm có tính ứng dụng cao và có thể thay thế các bố mẹ giám sát, quản lý thời gian trẻ em xem tivi hay ngồi trước màn hình máy tính. Thiết bị có trọng lượng khoảng 400gam, dễ dàng lắp đặt và sử dụng, giá thành mỗi thiết bị chỉ khoảng 1 triệu đồng/sản phẩm, nếu sản xuất ở quy mô lớn chi phí sẽ thấp hơn. Đặc biệt, phụ huynh có thể gửi tin nhắn âm thanh và điều khiển tắt/bật màn hình từ xa giúp phụ huynh dễ dàng kiểm soát và quản lý thời gian sử dụng thiết bị điện tử của các con. Sau khi hoàn thiện, thiết bị đã được một số phụ huynh trên địa bàn huyện đặt mua và lắp đặt thử nghiệm tại khu vực cổng trường sau khi hết giờ học, giúp bộ phận phụ trách an ninh của nhà trường thuận tiện trong việc quản lý, giám sát học sinh ra vào không đúng giờ quy định cũng như phát cảnh báo khi có người lạ ra vào trường. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn nhóm nghiên cứu thử nghiệm và nâng cấp để thiết bị để ứng dụng tại các công trường đang thi công để giám sát và phát cảnh báo khoảng cách an toàn hoặc nguy hiểm, tránh để xảy tra tai nạn đáng tiếc trong lao động.
Có thể thấy, “thế giới mạng” là ảo nhưng những ảnh hưởng về sức khỏe và tâm lý với trẻ là có thật. Việc nghiên cứu và chế tạo thành công “Thiết bị nhận dạng và giám sát cảnh báo thông minh trước màn hình” không chỉ giúp các phụ huynh tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn giúp chủ động hơn trong việc giám sát, quản lý trẻ khi sử dụng không gian mạng để giải trí, học tập. Tin rằng, thời gian tới, thiết bị sẽ được quan tâm, phát triển hơn và ứng dụng nhiều trong thực tế đời sống.
Ý kiến ()