Thiết bị kích giun đất được rao bán tràn lan trên các "chợ ảo"
Một trong những công cụ “tiếp tay” cho hành động khai thác giun đất là máy kích giun – sản phẩm được bán phổ biến trên nhiều trang web, nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Máy kích giun được rao bán tràn lan trên nền tảng các sàn thương mại điện tử. |
Nhức nhối nạn tận diệt giun đất
Trước đó, như Báo Nhân Dân đã phản ánh, từ đầu năm 2023 đến nay, tại nhiều địa phương như Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc xuất hiện tình trạng người dân dùng kích điện để săn bắt giun đất bán cho các thương lái.
Chỉ với 2 thanh sắt nối với máy kích bằng đường dây điện và cắm trực tiếp xuống đất, sau vài tiếng kêu “tít tít” phát ra từ máy xung điện, trong vòng bán kính khoảng 2m2 các loại giun to nhỏ dần ngoi lên, quằn quại trên mặt đất. Trung bình mỗi ngày, 1 máy kích có thể bắt được từ 5 đến 10kg giun tươi.
Theo một số người dân, giun đất tươi được các “đầu nậu” thu mua với giá 45 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi ngày người đi bắt giun có thể kiếm gần 1 triệu đồng.
Ngoài ra, để thu hút người săn bắt giun đất, một số “đầu nậu” còn chủ động đầu tư, mua sắm máy kích điện, thuê người đi săn giun về cung cấp cho cơ sở của mình với giá 32 nghìn đồng/kg.
Giun sau khi thu mua sẽ được sấy khô. Trung bình khoảng 13kg giun tươi sau khi sấy sẽ được 1kg giun khô. 1kg giun khô được các “đầu nậu” bán với giá 700 nghìn đồng. Khi được hỏi thương lái thu mua giun khô làm gì thì chủ lò sấy không biết, chỉ biết họ mua để xuất khẩu, thấy có lợi nhuận thì làm.
Công an xã Tả Chải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai thu giữ máy kích giun trái phép trên địa bàn. (Ảnh QUỲNH TRANG) |
Trước tình trạng nêu trên, cơ quan chức năng nhiều địa phương đã tiến hành kiểm tra xử lý các trường hợp săn bắt, thu gom, chế biến giun đất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong các khu dân cư; đồng thời phối hợp chính quyền các địa phương có tình trạng săn bắt giun, kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp thương lái thu gom giun đất, xưởng chế biến giun.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên nhận định: Việc tận diệt giun sẽ gây hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng đối với nguồn tài nguyên đất, khiến đất bị suy kiệt, nghèo nàn, từ đó ảnh hưởng rất lớn tới sự sinh trưởng, phát triển các loại cây trồng và môi trường xung quanh, đồng thời gây bức xúc dai dẳng và tâm lý bất an tại nhiều cộng đồng bị nạn trộm giun hoành hành.
Khoản 2, Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 nghiêm cấm việc khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, các địa phương cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền về vai trò, lợi ích của giun đất đối với môi trường đất; vận động người dân không sử dụng thiết bị điện đánh bắt giun và không cho người khác đến đất nhà mình khai thác giun.
Các địa phương cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra hoạt động của các đại lý buôn bán thiết bị kích điện bắt giun đất và các cơ sở thu gom, sơ chế, sấy khô, mua bán giun đất tự nhiên để nhận diện, làm rõ các hành vi vi phạm để có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi khai thác giun đất tự nhiên trái phép; tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các đại lý, đối tượng buôn bán thiết bị kích điện đánh bắt giun đất và cơ sở mua bán giun đất tự nhiên trên địa bàn.
Nguy cơ lớn từ các “chợ ảo” online
Trong khi vấn nạn khai thác giun đất trái phép đang diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía bắc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, hệ sinh thái và cuộc sống người dân thì những công cụ “tiếp tay” cho hành vi này lại đang được rao bán phổ biến, công khai trên nhiều trang web, nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Không mất quá nhiều thời gian, phóng viên đã liên hệ tìm được một loạt các hội nhóm bán máy kích giun, phụ kiện làm giun trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Liên hệ với một người bán, phóng viên được “chào mời” máy kích được nhập từ một nước giáp biên giới Việt Nam với giá dao động từ 1,2-4 triệu đồng tùy chất lượng linh kiện, công suất và diện tích đánh bắt.
Giun đất sấy khô. (Ảnh: Báo Công an nhân dân) |
Người bán cho biết thêm, thời gian gần đây, việc buôn bán bắt đầu chậm lại do nhiều địa phương đã làm mạnh tay hơn với nạn “giun tặc”. Tuy nhiên, người này cũng cam kết: “Chỉ cần kích vào buổi, giun bán được sẽ đủ để hoàn vốn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các loại máy kích giun đều có cấu tạo bao gồm bộ tăng áp điện, hai cực gắn với cọc kim loại có tay cầm cách điện, bình ắc-quy hoặc pin để đưa dòng điện vào thiết bị.
“Về nguyên tắc, kích giun có cấu tạo giống máy kích cá. Người dùng cắm hai đầu que gắn 2 cực xuống đất, dòng điện sẽ được phóng ra khiến giun khó chịu và bò lên”, anh Bùi Đình Bá, chuyên gia điện thuộc Đại học Bách khoa giải thích.
Điểm khác biệt là thời gian sử dụng của máy kích giun sẽ dài hơn. Theo quảng cáo, loại “tốt nhất” có thể sử dụng được từ 15-18 tiếng.
Các loại máy kích giun được rao bán tràn lan trên mạng xã hội Facebook. |
Ngoài máy kích, các hội nhóm cũng công khai rao bán các phụ kiện khác như máy mổ giun, dao mổ, thuốc ướp. Người bán thường yêu cầu khách phải gọi điện trực tiếp, tránh tối đa việc giao dịch, nhắn tin thông qua các ứng dụng mạng xã hội.
Tiếp tục khảo sát trên các nền tảng khác như Tiktok, chúng tôi cũng giật mình vì mức độ phổ biến của các loại máy kích giun. Tìm kiếm với từ khóa “máy kích giun đất” trên Google, phóng viên nhận được hơn 400.000 kết quả trả về. Trong khi đó, trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Shopee, Lazada, loại thiết bị này được rao bán với các mức giá khác nhau, từ loại đơn giản, rẻ tiền cho đến hiện đại, công suất cao, xung điện phủ diện tích lớn. Một số thậm chí còn có màn hình hiển thị thông số và điều khiển từ xa.
Đề nghị rà soát các “chợ ảo” trên mạng
Trước vấn nạn này, ngày 29/8, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã chính thức gửi Thư kiến nghị tới 3 nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok) và 2 sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada) nhằm kêu gọi các bên rà soát, loại bỏ sản phẩm máy kích giun trên toàn hệ thống, qua đó, góp phần ngăn chặn cơn sốt săn giun đất tại nhiều địa phương.
Theo PanNature, hiện nay, các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đều xây dựng chính sách riêng nhằm cấm, hạn chế hoặc không hỗ trợ bán đối với một số mặt hàng/nhóm mặt hàng không phù hợp. Trong đó, một số bên có công bố danh sách cấm bao gồm “Thiết bị hoặc công cụ săn bắn có thể gây hại cho động vật hoặc con người”. Tuy nhiên, thực tế, mặt hàng máy kích giun chưa được cập nhật trong danh sách này.
Công an tỉnh Lạng Sơn thu giữ tang vật là giun đất sấy khô. (Ảnh: CAND) |
Do đó, bằng việc gửi Thư kiến nghị, PanNature đề nghị các bên thực hiện hiệu quả chính sách bán hàng đã công bố, đồng thời cân nhắc áp dụng các biện pháp cấp bách, bao gồm:
Thứ nhất, rà soát và loại bỏ mặt hàng máy kích giun nói riêng, các nhóm sản phẩm gây hại tương tự nói chung trên toàn bộ hệ thống sàn thương mại điện tử/nền tảng mạng xã hội.
Thứ hai, có cơ chế cảnh báo, xử lý đối với các tài khoản đăng bán các sản phẩm này cũng như cơ chế ghi nhận phản hồi, kiến nghị của người dùng và các bên liên quan về những sản phẩm hoặc chính sách bán hàng chưa phù hợp, có thể gây thiệt hại/ảnh hưởng cho con người, động vật, tài nguyên thiên nhiên.
Thứ ba, thúc đẩy truyền thông về các sản phẩm gây hại đối với các loài động thực vật hoang dã và thiên nhiên.
“Việc thực hiện nghiêm chính sách bán hàng và kiểm soát hiệu quả tất cả các sản phẩm trong danh sách cấm không chỉ giúp nâng cao hình ảnh và trách nhiệm xã hội của các đơn vị mà còn góp phần thúc đẩy kinh doanh thương mại có trách nhiệm tại Việt Nam và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học Việt Nam”, PanNature nhận định.
Nguồn:https://nhandan.vn/thiet-bi-kich-giun-dat-duoc-rao-ban-tran-lan-tren-cac-cho-ao-post769870.html
Ý kiến ()