Thiết bị cảnh báo đường ngập nước: Ý tưởng sáng tạo, thiết thực
- Với mong muốn nâng cao hiệu quả giám sát và ứng phó khi có sự cố do mưa lớn gây ngập úng xảy ra, nhóm nghiên cứu gồm các em: Bành Hoàng Nguyên, Nguyễn Thế Mạnh và Hoàng Triệu Hùng, lớp 12A1, Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan đã nghiên cứu sản phẩm “Thiết bị cảnh báo đường ngập nước”. Sản phẩm đã xuất sắc vượt qua hàng trăm sản phẩm, ý tưởng dự thi và đoạt giải nhì tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp ngành năm 2024 và đoạt giải khuyến khích tại Cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn lần thứ 16 năm 2024” do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức.
Em Bành Hoàng Nguyên, Trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: Ý tưởng chế tạo thiết bị cảnh báo đường ngập nước được chúng em lên ý tưởng từ tháng 3/2024, sau nhiều lần thử nghiệm thất bại đến cuối tháng 5/2024 thì hoàn thiện thiết bị. Sản phẩm gồm: mô hình (ống nhựa, thanh hợp kim nhôm, phao...) và mạch cảnh báo tự chế (bao gồm: đèn led, điện trở, còi chíp, bảng mạch, pin năng lượng mặt trời...). Chúng em lựa chọn các nguyên liệu tái chế như: hợp kim nhôm trên cán cờ, đèn led ở đồ chơi trẻ em... để tối đa chi phí lắp đặt, cũng như hạn chế rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường. Cách vận hành của thiết bị rất đơn giản, sau khi khởi động nguồn, chỉ cần đặt thiết bị ở nơi ngập nước, để thiết bị có thể nhận diện và phát ra cảnh báo.
Về nguyên lý hoạt động của sản phẩm, khi đường ngập, nước sẽ di chuyển vào các hệ thống nhánh phao trên thiết bị, lúc này các tiếp điểm khép kín trong mạch điện sẽ phát ra cảnh báo ở 3 mức độ: mức 1 (đèn xanh) nước ngập dưới 20cm là mức an toàn, có thể di chuyển qua; mức 2 (đèn vàng) nước ngập từ 20 đến 40cm các phương tiện cần chú ý khi di chuyển qua khu vực này; mức 3 (đèn đỏ) nước ngập trên 40cm nguy hiểm và phát còi báo động cảnh báo. Từ đó, giúp người dân khi đi qua các khu vực ngập nước có phương án di chuyển an toàn.
Cô Nguyễn Thị Hải Yến, giáo viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu chia sẻ: Việc lắp đặt thiết bị cảnh báo đường ngập nước là cần thiết, giúp người dân nắm bắt được mực nước và có phương án di chuyển an toàn hơn khi tham gia giao thông. Thiết bị có trọng lượng khoảng 500g, dễ dàng lắp đặt và sử dụng, giá thành mỗi thiết bị chỉ khoảng 180.000 đồng/sản phẩm, nếu sản xuất ở quy mô lớn chi phí sẽ thấp hơn. Đặc biệt, thiết bị có thể hoạt động được từ 3 đến 5 tháng (tùy vào môi trường sử dụng). Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn các em nghiên cứu thử nghiệm và nâng cấp để thiết bị để có thể ứng dụng nhiều hơn tại khu vực ngầm tràn thường xuyên xảy ra ngập úng.
Chị Hoàng Thanh Hà, phố Đức Tâm, thị trấn Văn Quan chia sẻ: Vào những đợt mưa to, đoạn đường trước ngõ nhà tôi thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng. Tháng 9/2024 vừa qua, mưa lớn do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 khiến nước dâng ngập vào trong nhà, rất nguy hiểm. Tôi thấy "Thiết bị cảnh báo đường ngập nước" của các em học sinh Trường THPT Lương Văn Tri là ý tưởng rất thiết thực, ý nghĩa và có tính khả thi cao. Nếu có thể ứng dụng tại khu vực gần nhà tôi thì rất hữu ích, vì khi trời mưa to, việc quan sát lượng nước bằng mắt thường khá bất tiện, nếu có thiết bị cảnh báo thì tôi và người dân xung quanh sẽ nhận biết được mức độ an toàn khi di chuyển qua nơi ngập nước hơn.
Có thể thấy, việc chế tạo “Thiết bị cảnh báo đường ngập nước” không chỉ giúp người dân chủ động hơn khi tham gia giao thông mà còn góp phần đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tin rằng, thời gian tới, thiết bị sẽ được quan tâm, phát triển và ứng dụng nhiều trong thực tế đời sống.
- Bột tắm men ngải: Sản phẩm chăm sóc sức khỏe hữu ích
- Tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Lạng Sơn lần thứ 16 năm 2024
- Ý tưởng góp phần nâng cao giá trị chanh rừng Mẫu Sơn
- Bộ thiết bị dạy học số về khu vực Đông Nam Á: Góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học môn Địa lí
Ý kiến ()