Thứ 4, 27/11/2024 05:36 [(GMT +7)]
Thiêng liêng chúng con về bên Bác
Chủ nhật, 12/12/2010 | 08:47:00 [(GMT +7)] A A
Sáng qua, hơn 600 đại biểu đại diện cho những tập thể, cá nhân tiêu biểu, từ mọi miền Tổ quốc, đã hội tụ về Thủ đô, dự Hội nghị toàn quốc tổng kết bốn năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Có người đã từng đến, có người mới đến lần đầu, nhưng tất cả đều chung một cảm xúc thiêng liêng, khi đứng trước Quảng trường Ba Đình lịch sử, được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, và tận mắt thấy những kỷ vật của Người.
Trong không khí se lạnh mùa đông miền bắc, sương giăng mờ phố phường Hà Nội, những cơn mưa phùn như làm trầm mặc hơn, thiêng liêng hơn không khí quanh dòng người vào Lăng viếng Bác. Những người con từ Hà Giang địa đầu Tổ quốc đến đất mũi Cà Mau, từ hải đảo xa xôi đến núi rừng biên cương hẻo lánh, trong nước và ngoài nước về tựu bên Người. Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhiều người đã không nén nổi xúc động trào dâng, hai hàng nước mắt tự nhiên lăn chảy. Ông Phạm Văn Hạnh, sinh năm 1930, từ ấp Tân Hòa, xã Tân Bình, thị xã Tây Ninh, là cựu chiến binh, tham gia cách mạng từ năm 1946. Hôm nay, ông đến đây trong niềm tự hào đại diện cho những người con Tây Ninh tiêu biểu đã đóng góp phần nhỏ bé của mình, xây dựng quê hương ngày càng tốt đẹp hơn như mong muốn của Người. Cảm xúc dâng trào làm nhòe đôi mắt vốn đã đục mờ vì năm tháng, ông tâm sự: 'Trong trái tim tôi, Bác Hồ mãi là hình ảnh tiêu biểu của một vị lãnh tụ vĩ đại, vì nước, vì dân. Cuộc đời tôi có vinh dự ba lần được gặp Bác, mỗi lần gặp Bác là một lần thêm những bài học quý giá và thêm kính yêu Người. Năm nay đã 81 tuổi, tôi luôn tâm niệm, phải sống sao cho xứng đáng là con cháu Bác. Học tập Bác để yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ mọi người; giáo dục con cháu biết điều hay, lẽ phải, dám đấu tranh chống cái tiêu cực; tin tưởng vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn'.
Trước khi vào Lăng viếng Bác Hồ, bà Lê Linh Thìn, ở ấp Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) – người đã sưu tầm hơn 2.000 tấm ảnh Bác trong suốt 30 năm qua, đã tự nén lòng mình không được khóc, để tận mắt nhìn rõ hình ảnh Bác. Nhưng khi vừa bước vào Lăng, hai mắt bà đã nhòe đi vì xúc động. Từ khuôn viên Khu Di tích Phủ Chủ tịch, hướng về Lăng Bác, bà đọc cho chúng tôi nghe mấy câu thơ vừa cảm tác: 'Nếu hỏi trên đời ai vĩ đại nhất/ Con đáp rằng là Bác, Bác ơi!/ Vì nhân dân, vì Tổ quốc loài người/ Bác cống hiến trọn đời cho tất cả…'.
Thăm Khu Di tích Phủ Chủ tịch, các đại biểu được tận mắt chứng kiến sự gắn kết giữa tư tưởng và hành động, lời nói và việc làm của Bác. Mỗi góc vườn, khóm cây, ngôi nhà… nơi đây đều biểu đạt sống động tư tưởng, tấm gương đạo đức vĩ đại của Người. Các đại biểu càng khâm phục một nhân cách vĩ đại khi chứng kiến những vật dụng sinh hoạt hằng ngày, giản dị như chiếc giường gỗ nhỏ, chiếc quạt lá cọ, đôi dép cao-su… của vị Chủ tịch nước. Mang cảm xúc của người lần đầu ra Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác, thăm ngôi nhà sàn cùng những vật dụng giản dị của Người, những hiện vật mà trong hàng trăm câu chuyện đã kể cho người dân địa phương nghe trong hơn ba năm qua, bà Nguyễn Thị Khang, ở Trà Tân (Đức Linh, Bình Thuận) vô cùng xúc động. Bà chia sẻ, là người gần trọn đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, khi về hưu cũng là lúc Đảng ta phát động Cuộc vận động lớn. Sau khi tham gia Hội thi Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bà Khang đã trở thành người kể chuyện Bác Hồ thường xuyên trên đài phát thanh của xã. Bà sưu tầm, tìm hiểu, đưa lên hệ thống truyền thanh của xã hàng trăm câu chuyện giản dị, cảm động về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Bà nói, không thể diễn tả hết được niềm vui khi những câu chuyện mình kể được lan truyền đến nhiều người dân, gieo vào tâm trí họ những tình cảm tốt đẹp về Đảng, về Bác Hồ. Có cặp vợ chồng ở trong rừng, cách năm, sáu cây số, chiều nào cũng chở nhau ra trung tâm xã nghe kể chuyện; rồi một giáo dân, nghe những câu chuyện về Bác Hồ thấm thía: 'Chúng tôi đã thật sự hiểu về Cụ Hồ. Tự hào nước ta có một vị Chủ tịch giản dị, và yêu thương con người đến thế'.
Đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, các đại biểu được xem những tài liệu, hiện vật lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiểu hơn về đất nước Việt Nam, về cuộc đấu tranh cách mạng và thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta. Đặc biệt, các đại biểu được trực tiếp đọc những dòng chữ Bác viết tay, sửa chữa, bổ sung ý tứ trong bản Di chúc bất hủ. Mỗi người đều cảm nhận sâu sắc rằng, mỗi việc dù lớn, hay nhỏ mà Người để lại trong Di chúc đều chứa đựng tình cảm sâu sắc, nỗi trăn trở của Người đối với vận mệnh dân tộc, với cuộc sống của nhân dân ta. Ông A Khát, người dân tộc Ba Na, Trưởng thôn Kon Ré, xã Đắc Bla, TP Kon Tum (Kon Tum) bày tỏ niềm vinh dự khi lần đầu được đến Thủ đô, thỏa mãn ước mơ bấy lâu là được vào Lăng viếng Bác: 'Tôi mừng quá, ra đây có nhiều điều trước đây tôi chỉ được biết qua sách báo, xem ti-vi, nay tôi đã biết, đã thấy, đã thỏa ước mơ bấy lâu được về Thủ đô thăm Bác Hồ kính yêu, thăm Hà Nội. Những gì tôi biết là dân làng tôi biết. Tôi thấy là dân làng tôi thấy. Đồng bào Ba Na bao năm đi theo cách mạng, không quản hiểm nguy nuôi giấu, chở che cán bộ cách mạng, nay cũng vậy, tấm lòng không thay đổi. Theo Đảng, theo cách mạng, đồng bào bỏ thói quen sống lạc hậu, biết canh tác, phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật, không phụ thuộc vào tự nhiên như trước nữa…'.
Điểm đến tiếp theo của đoàn đại biểu là Bảo tàng Hà Nội và Hoàng thành Thăng Long, nơi ghi dấu lịch sử, văn hóa nghìn năm của dân tộc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Được tham quan di sản văn hóa thế giới để tự hào hơn về dân tộc Việt Nam. Là một đảng viên trẻ, cô giáo Nguyễn Hữu Thụy Nhi, từ một trường vùng sâu Hương Thọ, huyện Hương Trà (Thừa Thiên – Huế), có những cảm nhận sâu sắc về bề dày lịch sử, văn hóa tổ tiên bao đời để lại; về những thành quả vĩ đại của cách mạng; về công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cô tự hứa với mình, sau chuyến đi đầy ý nghĩa này, trở về mái trường thân yêu nơi đầu nguồn sông Hương, cô sẽ truyền lại cho học trò những hiểu biết và tâm huyết của mình, cùng đồng nghiệp và các em nhỏ không quản ngại khó khăn dạy tốt và học tốt.
Qua bốn năm triển khai Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh', trên khắp đất nước ta, dù ở đất liền, hay hải đảo xa xôi, hay ở những nơi xa Tổ quốc, đã xuất hiện hàng nghìn, hàng vạn những tấm gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động lớn. Mỗi người một công việc, một lĩnh vực khác nhau, nhưng tất cả đều tìm cho mình những việc làm ý nghĩa, theo gương Bác, góp phần xây dựng quê hương, đất nước 'ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn', như ý nguyện cao cả của Người.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()