Thiện Thuật: Hiệu quả từ trồng keo
– Với trên 7,2 nghìn héc ta đất lâm nghiệp, chiếm gần 90% diện tích đất tự nhiên, trong những năm qua, người dân xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia đã tập trung phát triển kinh tế rừng, trong đó chú trọng phát triển cây keo. Hướng đi này đã mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Nhận thấy nhu cầu về gỗ keo trên thị trường ngày càng cao, năm 2013, gia đình ông Lương Văn Keo, thôn Khuổi Hắp đã mạnh dạn đầu tư trồng 20.000 cây keo trên diện tích 10 ha. Ông Keo cho biết: Sau 6 năm chăm sóc, rừng đến thời kỳ thu hoạch đã mang lại cho gia đình tôi thu nhập trên 900 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế cao, chu kỳ khai thác không dài nên gia đình tôi quyết định tiếp tục đầu tư trồng mới cây keo trên diện tích vừa khai thác. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay, rừng keo đang phát triển tốt.
Người dân thôn Pò Sè, xã Thiện Thuật chăm sóc rừng keo
Cũng như gia đình ông Keo, gia đình ông Ma Văn Phong, thôn Pò Sè là một trong những hộ có thu nhập cao từ trồng keo. Ông Phong phấn khởi cho biết: Năm 2007, nhận thấy diện tích đồi trống bỏ hoang của gia đình còn nhiều, tôi bàn với vợ trồng thử 7.000 cây keo trên diện tích khoảng 2 ha. Đến năm 2010, gia đình trồng thêm 6 ha. Năm 2015, cây đến tuổi cho khai thác, tôi bán và thu về 320 triệu đồng, đời sống được cải thiện rõ rệt. Từ đó đến nay, tôi tiếp tục trồng và mở rộng diện tích trồng keo lên10 ha.
Tìm hiểu được biết, cây keo được đưa vào trồng thử nghiêm trên địa bàn xã Thiện Thuật từ năm 2002, trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường và hiệu quả kinh tế thiết thực từ trồng keo, từ năm 2010 trở lại đây, người dân trên địa bàn xã đã mở rộng diện tích trồng.
Ông Ma Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Thiện Thuật cho biết: Để khuyến khích người dân phát triển và mở rộng diện tích trồng keo, mỗi năm, UBND xã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức từ 2 đến 4 lớp tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây keo. Đồng thời, từ các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã hỗ trợ bà con cây keo giống để phát triển mô hình.
Theo đó, tính riêng từ năm 2018 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình 135, UBND xã đã hỗ trợ người dân cây keo giống và phân bón với tổng giá trị gần 600 triệu đồng. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể hướng dẫn, nhận ủy thác tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tính từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 88 hộ trên địa bàn xã được vay vốn với số tiền 4,2 tỷ đồng để trồng keo.
Từ các chương trình hỗ trợ và sự chủ động của người dân, đến nay, trên địa bàn xã đã có gần 500 hộ phát triển mô hình trồng keo, nâng tổng diện tích trồng keo toàn xã lên 520 ha, trong đó có trên 100 ha đến tuổi khai thác. Với giá bán ổn định từ 650 – 700 nghìn đồng/m3, thương lái đến tận rừng để thu mua, cây keo đã mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân xã Thiện Thuật.
Phong trào phát kinh tế rừng nói chung và phát triển trồng keo nói riêng trên địa bàn xã Thiện Thuật đã giúp người dân trên địa bàn tăng thu nhập, từng bước làm giàu từ rừng. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 9 triệu đồng/người/năm thì đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 25,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 19,5% (giảm 41% so với năm 2015)
Ý kiến ()