LSO-Tôi chẳng biết dựa vào tiêu chí nào mà người ta gọi Hin Cằn là đèo, riêng tôi, tôi gọi đó là núi. Muốn đi tới Nà Lù, thôn cuối cùng của xã Thiện Long, huyện Bình Gia, tiếp giáp với Bắc Cạn, phải qua “núi” Hin Cằn. Các cụ cao tuổi trong xã bảo chưa bao giờ thấy ai dám vượt Hin Cằn bằng xe máy, xe đạp. Núi cao, vực sâu, khiến người ta chỉ dám cuốc bộ. Bây giờ ai gọi Hin Cằn là đèo, tôi vẫn phản đối, bởi giờ đây nó chỉ còn là một con dốc dài với đường nhựa êm ru.Qua Hin Cằn là rẽ trái là đường tới thôn người Dao Bản Thàng. Vài năm trước đây đường tới Bản Thàng chỉ là vệt đường mòn bé tẹo uốn quanh những eo đồi, để ra tới trung tâm xã, người Bản Thàng phải bặm môi, gò lưng, bấm sâu mười đầu ngón chân xuống đất mới qua nổi những triền dốc trơn trượt. Ấy thế mà giờ đây xe tôi đã bon bon đến tận trung tâm thôn, vài chiếc xe tải nhỏ chạy song hành, hình như thương lái đến mua...
LSO-Tôi chẳng biết dựa vào tiêu chí nào mà người ta gọi Hin Cằn là đèo, riêng tôi, tôi gọi đó là núi. Muốn đi tới Nà Lù, thôn cuối cùng của xã Thiện Long, huyện Bình Gia, tiếp giáp với Bắc Cạn, phải qua “núi” Hin Cằn. Các cụ cao tuổi trong xã bảo chưa bao giờ thấy ai dám vượt Hin Cằn bằng xe máy, xe đạp. Núi cao, vực sâu, khiến người ta chỉ dám cuốc bộ. Bây giờ ai gọi Hin Cằn là đèo, tôi vẫn phản đối, bởi giờ đây nó chỉ còn là một con dốc dài với đường nhựa êm ru.
Qua Hin Cằn là rẽ trái là đường tới thôn người Dao Bản Thàng. Vài năm trước đây đường tới Bản Thàng chỉ là vệt đường mòn bé tẹo uốn quanh những eo đồi, để ra tới trung tâm xã, người Bản Thàng phải bặm môi, gò lưng, bấm sâu mười đầu ngón chân xuống đất mới qua nổi những triền dốc trơn trượt. Ấy thế mà giờ đây xe tôi đã bon bon đến tận trung tâm thôn, vài chiếc xe tải nhỏ chạy song hành, hình như thương lái đến mua lợn của dân. Trưởng thôn Dương Công Thành cười tươi rói: Năm 2009 được coi là một mốc son lớn của người dân Bản Thàng, Nhà nước đã đầu tư trên 600 triệu đồng từ nguồn vốn 135 để mở tuyến đường ô tô dài đến 1,7km vào tận trung tâm thôn, cùng với đó Bản Thàng cũng đã được đầu tư kéo cả điện lưới. Ngay khi có quyết định đầu tư, người Bản Thàng mừng lắm, đường qua đất nhà ai, người ấy chịu ngay, không thắc mắc. Cũng từ khi có đường có điện, cả thôn sôi động hẳn lên, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được dân hưởng ứng nhiệt tình. Nếu như trước kia Bản Thàng không dám nhận xi măng hỗ trợ làm thuỷ lợi, thì nay xi măng hỗ trợ đến đâu Bản Thàng làm hết đến đó. Di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa khu ở, rồi xây dựng chuồng trại, vay vốn lập dự án chăn nuôi với quy mô lớn hơn… được nhân dân trông thôn đồng loạt triển khai. Sản xuất hàng hoá bắt đầu hình thành ở bản người Dao. Chẳng phải riêng Bản Thàng mà từ năm 2006 đến nay, từ nguồn vốn 135, nhiều thôn của Thiện Long đã được hưởng niềm vui có đường, có điện. Sức dân cùng với những nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đã mở được 4 công trình đường ô tô đi lại 4 mùa; mở rộng 35 km đường liên thôn và bê tông hoá hàng ngàn mét đường giao thông nông thôn.
|
Khẩn trương hoàn thành đoạn cuối cùng của tuyến đường Thiện Long – Pắc Khuông |
Nhưng niềm vui lớn nhất của người dân Thiện Long phải kể từ cuối năm 2008 khi tuyến đường huyết mạch Pắc Khuông – Thiện Long được phê duyệt đầu tư. Anh Đỗ Văn Khảo, trưởng thôn Nà Lù bồi hồi: Tôi chẳng biết tả thế nào, chỉ biết từ lúc ấy, cuộc sống ở Thiện Long thay đổi hẳn, rộn rã, tấp nập hơn, nhịp sống cũng dường như nhanh hơn, sôi động hơn, không khí lao động khác hẳn xưa kia. Mỗi con dốc bị san bằng, mỗi mét đường được rải nhựa dường như đều tiếp thêm niềm tin, thổi bùng khát vọng thoát nghèo của người dân vùng khó. Cùng chung trong không khí đó 31 hộ dân của Khuổi Xìu, một xóm nhỏ của thôn Nà Lù đã quyết định đóng góp mỗi hộ xấp xỉ 1 triệu đồng để mở đường ô tô từ trung tâm thôn vào đến tận xóm. Đường qua đất của gia đình nào, dân trong xóm cùng chung sức đóng góp hỗ trợ bồi thường ngay, giải phóng, bàn giao mặt bằng… nhanh hơn cả một dự án lớn.
Cho đến nay, tuyến đường Pắc Khuông – Thiện Long với tổng chiều dài 24km đã cơ bản hoàn thành. Thong thả bách bộ qua Hin Cằn, tôi không khỏi bâng khuâng, con đèo hiểm trở là thế, nay nó chỉ còn là con dốc dài với mặt đường rải nhựa êm ru. Cuối chiều, từng tốp học sinh nhàn tản đạp xe lên dốc, thi thoảng vài chiếc xe tải phóng qua cuốn tung bụi đá răm mới rải. Bí thư Đảng uỷ xã Viên Văn Nỗ mỉm cười: Thấy sao nhà báo? Xe tải của thương lai đến mua sản phẩm nông sản, có từ nửa tháng nay, sản xuất hàng hoá đang bắt đầu rồi đấy. Thiện Long, những tuyến “huyết mạch” đã liền, nay là lúc phát huy tối đa sức mạnh từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn, tạo nền tảng để phát triển toàn diện. Biết đồng chí Bí thư đảng uỷ xã đã lâu, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông Bí thư đảng uỷ tới 4 nhiệm kỳ này vui đến thế, rạng rỡ đến thế. Vẫn biết rằng là một xã đặc biệt khó khăn, Thiện Long còn nhiều việc để làm, nhưng chứng kiến những đổi thay hôm nay, nhìn nụ cười rạng rỡ ấy, tôi hiểu, những khó khăn bậc nhất của Thiện Long đang dần lùi xa nơi quá vãng.
Lê Minh
Ý kiến ()