Thứ 7, 23/11/2024 21:40 [(GMT +7)]
Thiện Long động lực để vươn lên
Thứ 5, 08/12/2011 | 08:58:00 [(GMT +7)] A A
Để Thiện Long từng bước vươn lên, giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền xã cần xây dựng hướng đi cụ thể, trong đó tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hướng vào giá trị và chất lượng của sản phẩm hàng hóa, tạo thuận lợi ưu tiên cho phát triển trồng rừng kinh tế, huy động các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để quy hoạch xây dựng khu trung tâm xã trở thành trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân trong vùng.
LSO-Thiện Long là xã vùng xa, vùng III của huyện Bình Gia, với gần 100% bà con dân tộc Nùng sinh sống. Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực của bà con nên đời sống của người dân nơi đây được nâng lên đáng kể.
Trong chuyến trở lại Thiện Long mới đây, chúng tôi thực sự bất ngờ vì sự “thay da đổi thịt” của một xã vùng III này. Không cam chịu với cái nghèo – đó là động lực để địa phương thay đổi và vươn lên.
Nhân dân thành phố Lạng Sơn chung sức xây dựng đường bê tông liên thôn – Ảnh: T.L |
Tuyến đường nối từ Pác Khuông đến xã Thiện Long đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một thời gian. Công trình này là niềm mong mỏi từ lâu của nhân dân các xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia (Thiện Thuật, Hoà Bình, Thiện Long). Riêng đối với Thiện Long – một xã vùng III còn nhiều khó khăn, thì khi “huyết mạch” đã thông, nhân dân nơi đây như được tạo đà, mở ra nhiều hướng đi trong phát triển kinh tế.
Và hướng đi đầu tiên chính là phát triển các dịch vụ thế mạnh của xã. Tuyến đường dẫn vào trung tâm xã Thiện Long dài gần 24km được thảm nhựa phẳng phiu như dải lụa vắt qua những cánh rừng. Giờ đây bà con xã vùng khó khăn này đã thuận lợi hơn trong việc đi lại, lưu thông hàng hóa. Thế mới thấy hơn hàng chục tỷ đồng đầu tư làm đường cho bà con vùng khó khăn thật sự có ý nghĩa.
Chẳng cần phải nói, việc đầu tư xây dựng con đường đã đáp ứng được mong mỏi của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng dự án được thụ hưởng. Thiện Long bây giờ đã có nhiều mái nhà kiên cố xen lẫn những ngôi nhà truyền thống tạo nên một bức tranh tươi sáng của một xã vùng III.
Sự đủ đầy của người dân nơi đây được minh chứng bằng những tuyến đường nhựa, đường bê tông đến từng thôn; những dãy cột điện lưới băng qua những quả đồi, cánh rừng… Trường tiểu học, nhất là trường THCS được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của hơn 200 học sinh là con, em xã nhà. Trạm Y tế xã có đầy đủ các tủ thuốc, đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Trong lần về thăm Thiện Long lần này, chúng tôi được ông Lê Thành Giai, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có địa hình đồi núi, phần diện tích đất trồng lúa trong xã rất ít, trung bình khoảng 140ha, cùng đó là thiếu nguồn nước tưới nên năng suất cũng không cao. Trước thực trạng trên, đảng ủy và chính quyền xã đã nghiên cứu, tìm tòi hướng phát triển sản xuất, sau đó đã chỉ đạo nhân dân chuyển hướng làm kinh tế, vừa trồng lúa, ngô, vừa phát triển trồng rừng, nói đúng nghĩa thì đây là cách làm “lấy ngắn nuôi dài”.
Ngoài ra, hướng cho bà con chuyển dần sang phát triển chăn nuôi, hiện toàn xã có khoảng 1.180 con trâu, bò 1.700 con lợn và hơn 13.000 con gia cầm. Theo Phó Chủ tịch Lê Thành Giai, là xã nghèo, tiềm lực kinh tế của hầu hết các gia đình còn chưa mạnh, thì việc dựa vào nông, lâm nghiệp vẫn là chủ yếu. Nhưng với địa hình đặc thù, nhất là khi đã có đường, Thiện Long vẫn có hướng đi khác là phát triển các dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp – đó mới là hướng phát triển kinh tế một cách bền vững và nhanh hơn.
Sự chuyển hướng đúng đắn trên đã phát huy tính tích cực, góp phần làm cho đời sống của nhân dân trong xã ngày càng đi lên, số hộ nghèo giảm dần, hộ khá và giàu tăng lên. Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện thì Thiện Long vẫn là một xã nghèo nhất nhì của huyện, kinh tế phát triển chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo theo tiêu chí mới còn cao (hiện chiếm 70%)…
Để Thiện Long từng bước vươn lên, giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền xã cần xây dựng hướng đi cụ thể, trong đó tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hướng vào giá trị và chất lượng của sản phẩm hàng hóa, tạo thuận lợi ưu tiên cho phát triển trồng rừng kinh tế, huy động các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để quy hoạch xây dựng khu trung tâm xã trở thành trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân trong vùng.
Trí Dũng
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()