LSO-Gặp chúng tôi, ông Hoàng Văn Héo, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Mỏ Vàng phấn khởi “ Năm nay, người dân Thiện Kỵ được mùa và được cả giá về củ sắn. Nhà tôi chỉ có khoảng dăm tạ, nhưng cũng đủ chi tiêu được vài món. Nhiều gia đình thu hàng chục tấn sắn khô, với giá từ 4.500 đến 5.000 đồng/kg, cũng có mấy chục triệu…”.Trước mùa xuân, nhìn lên núi đồi của Thiện Kỵ, xen lẫn những dải bạch đàn cao sản xanh ngút ngàn là những khoảng đất trống đang chờ những hạt mưa xuân để người dân cắm những hom sắn xuống. Rồi trải qua những tháng ngày mưa nắng và công vun xới của con người, cây sắn thêm to củ để mang lại nguồn thu nhập cho con người. Diện tích cây sắn của Thiện Kỵ không nhiều, song nếu được giá như năm nay, cùng với cây thuốc lá, nó là loại cây giảm nghèo. Chẳng thế mà khi điện lưới về, có tới 80% hộ dân tự “hiện đại hóa, tin học hóa” từ cây sắn và cây thuốc lá. Đối với người nông dân một nắng hai sương...
LSO-Gặp chúng tôi, ông Hoàng Văn Héo, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Mỏ Vàng phấn khởi “ Năm nay, người dân Thiện Kỵ được mùa và được cả giá về củ sắn. Nhà tôi chỉ có khoảng dăm tạ, nhưng cũng đủ chi tiêu được vài món. Nhiều gia đình thu hàng chục tấn sắn khô, với giá từ 4.500 đến 5.000 đồng/kg, cũng có mấy chục triệu…”.
Trước mùa xuân, nhìn lên núi đồi của Thiện Kỵ, xen lẫn những dải bạch đàn cao sản xanh ngút ngàn là những khoảng đất trống đang chờ những hạt mưa xuân để người dân cắm những hom sắn xuống. Rồi trải qua những tháng ngày mưa nắng và công vun xới của con người, cây sắn thêm to củ để mang lại nguồn thu nhập cho con người. Diện tích cây sắn của Thiện Kỵ không nhiều, song nếu được giá như năm nay, cùng với cây thuốc lá, nó là loại cây giảm nghèo. Chẳng thế mà khi điện lưới về, có tới 80% hộ dân tự “hiện đại hóa, tin học hóa” từ cây sắn và cây thuốc lá. Đối với người nông dân một nắng hai sương trên đất Thiện Kỵ, trước đây, mùa xuân đối với họ chỉ là mùa vụ gieo trồng; quanh năm suốt tháng như thế, chẳng cần quan tâm tới những chuyện xa xôi. Như một cái “đáy” của vùng đất phía tây huyện Hữu Lũng, do cơ sở hạ tầng quá thấp kém, nhất là điện và đường, nông dân Thiện Kỵ đã chịu thiệt thòi quá nhiều, với thời gian quá lâu, đến nỗi họ luôn tự ty, mặc cảm với các xã vùng ngoài. Ngay như khu vực Vân Nham, họ cũng gọi đó là xứ sở của văn minh, là niềm mơ ước của bao thế hệ người dân. Cùng với các xã tận cùng phía tây, tây bắc huyện, cuộc đời người nông dân Thiện Kỵ bắt đầu đổi thay từ tháng 9/2009 khi dòng điện sáng bừng quê hương. Điện soi bóng nước đập thủy lợi Quyết Thắng, hắt lên những dải đồi xanh; điện sáng thôn quê, thức tỉnh tư duy và những nghĩ suy tính toán táo bạo, bừng dậy những ấp ủ bấy lâu của người dân vùng đất gò đồi. Nông dân không còn bị trói buộc bởi cách làm cũ. Có điện, mua sắm các phương tiện nghe nhìn, tầm suy nghĩ của họ cũng vượt khỏi những dốc đèo lởm chởm đá mà vươn xa hơn quan tâm đến những vấn đề về quốc kế dân sinh- những vấn đề hệ trọng của quốc gia; cùng trăn trở với những khó khăn chung của đất nước và xác định mỗi nỗ lực của chính bản thân gia đình mình, địa phương mình là thể hiện một cách cụ thể sự đóng góp vào công cuộc đổi mới.
Nhìn lại năm Canh Dần, Thiện Kỵ đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Song song với phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và có nông lâm sản hàng hóa; điện về không những xua tan sự tối tăm của vùng đất gò đồi, mà còn là một trong những nhân tố cơ bản thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Chương trình 134 đã hoàn thành, các công trình 135 nối tiếp nhau mọc lên đã cải thiện cơ bản cơ sở hạ tầng nông thôn. Cây cầu bản sang thôn Quyết Thắng, con đường nối trung tâm với trường tiểu học không những làm cho các phiên chợ đông hơn, vui hơn, mà còn nâng bước chân tuổi thơ đến trường trong mùa mưa lũ và tháng đông ngày giá. Sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, công tác giáo dục đào tạo, văn hóa thông tin có nhiều tiến bộ; các gia đình thuộc diện chính sách và hộ nghèo được quan tâm. Việc phát huy cơ sở hạ tầng và khai thác cái vị thế là “cầu nối” giữa các vùng của các tỉnh Bắc Giang- Thái Nguyên- Lạng Sơn, không những tạo việc làm mới cho lao động nông thôn, tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp, mà còn mở rộng giao lưu tăng cường trao đổi kinh nghiệm làm ăn giữa các vùng miền. Chương trình y tế QG được thực hiện tốt đã đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.
Năm Canh Dần- năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong hệ thống chính trị ở Thiện Kỵ đã biết khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tấm lòng thiết tha với Đảng, lòng tin vào chính quyền của người dân để phát động và duy trì các phong trào thi đua yêu nước. Đối với người nông dân Thiện Kỵ, thi đua đơn giản là phấn đấu để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tiến tới giàu có; yêu nước là bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và bằng những việc cụ thể đóng góp sức mình vào sự lớn mạnh chung của xã hội. Bước vào mùa xuân Tân Mão 2011 này, người dân Thiện Kỵ mừng thàng công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, hy vọng một tương lai mới sáng tươi hơn, đồng bào các dân tộc trên địa bàn được quan tâm nhiều hơn, nhất là về giao thông, thủy lợi cũng như chuyện học hành, y tế, việc làm…Xuân Tân Mão- người dân địa phương gọi đó là mùa xuân của niềm tin và hy vọng. Và Thiện Kỵ vào xuân theo cách riêng của mình.
Trần Kim
Ý kiến ()