Thiện Kỵ: Nâng cao đời sống từ nguồn vốn vay ưu đãi
(LSO) – Những năm qua, các chương trình tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) triển khai đã trở thành nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng. Nhiều hộ đã vay từ nguồn vốn đó đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đến nay, Thiện Kỵ là một trong hai xã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi nhất toàn huyện.
Nhiều năm nay, công việc hằng ngày của gia đình anh Hoàng Thanh Nghị, thôn Quyết Thắng là lên rừng phát cỏ đồi bạch đàn. Trước đây, kinh tế gia đình anh rất khó khăn do không có thu nhập ổn định. Mặc dù diện tích đồi rừng lớn nhưng lại không có vốn để trồng rừng. Nhờ được vay vốn ưu đãi của NHCSXH, đến nay, đời sống gia đình anh đã được cải thiện rõ rệt.
Gia đình anh Hoàng Thanh Nghị, thôn Quyết Thắng sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi phát triển rừng
Anh Nghị chia sẻ: “Năm 2011, khi được Hội Nông dân xã tuyên truyền về các chương trình cho vay của NHCSXH tôi đã làm hồ sơ vay 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo để đầu tư trồng hai héc ta bạch đàn. Đến năm 2017, rừng bạch đàn được khai thác đem lại cho gia đình tôi thu nhập hơn 60 triệu đồng, gia đình tôi có vốn mở rộng diện tích trồng rừng. Năm 2018, gia đình tôi mạnh dạn trồng năm héc ta, đến đầu năm 2019, tôi tiếp tục vay 50 triệu đồng để chăm sóc cây, đến nay, cây sinh trưởng và phát triển rất tốt”.
Không chỉ gia đình anh Nghị, hầu hết các hộ sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi trên địa bàn xã đều phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Hiện xã có trên 50 mô hình chăn nuôi, trồng rừng… đạt thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Ông Dương Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thiện Kỵ là xã vùng 3, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nguyên nhân là do thiếu vốn, người dân chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền xã xác định tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng nhất, phải làm sao để người dân hiểu ý nghĩa của các chương trình vốn để đưa nguồn vốn vay vào phát triển sản xuất”.
Theo đó, xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp với NHCSXH huyện đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách vốn đến người dân. Bên cạnh đó, quan tâm củng cố hoạt động các tổ tiết kiệm vay vốn để hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn kịp thời. Đặc biệt, xã có cách làm riêng để giúp các hộ yên tâm khi vay vốn. Đó là định hướng các hộ trong sử dụng vốn, khuyến khích đầu tư vốn vào các mô hình kinh tế đang có hiệu quả tại xã và phát huy được thế mạnh của xã như: phát triển đồi rừng, chăn nuôi gia cầm… phù hợp với điều kiện từng gia đình.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, người dân nắm rõ các chương trình vốn nên đã chủ động vay vốn, mạnh dạn đầu tư phát triển. Hiện nay, toàn xã có 12 tổ tiết kiệm và vay vốn, quản lý dư nợ vốn từ NHCSXH huyện trên 22 tỷ đồng, với 587 hộ vay (xã có dư nợ lớn thứ hai trong toàn huyện).
Để giúp người dân phát huy hiệu quả nguồn vốn, hằng năm UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức các lớp tập huấn đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất.
Từ thực hiện tốt công tác cho vay và kiểm tra nguồn vốn sau vay, ý thức các hộ trong sử dụng và chấp hành trả nợ, lãi đều được nâng lên. Qua đó, giúp nhiều hộ trên địa bàn xã vươn lên thoát nghèo, làm giàu, đời sống không ngừng được nâng cao, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 25 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 10 triệu đồng so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo còn 30%, giảm 17% so với năm 2015.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Hữu Lũng nhận xét: “Nhiều năm qua, các tổ chức hội, tổ tiết kiệm vay vốn của xã Thiện Kỵ luôn làm tốt công tác quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhờ đó người dân sử dụng nguồn vốn trong phát triển sản xuất đem lại hiệu quả. Xã không có nợ quá hạn, huy động tiết kiệm và thu lãi đều đạt cao”.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()