Thiện Chánh sáng lên cùng giàn đèn ngoài khơi xa
Sơ chế cá tại Cụm công nghiệp Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Trưa tháng 6, trời nắng như đổ lửa. Hàng dương liễu chắn cát cho làng Thiện Chánh đứng im phăng phắc như chờ cơn gió nồm từ biển thổi vào. "Nóng thế này, kiểu gì chiều ổng cũng cho trận mưa thôi" - Anh Trần Bá, một ngư dân đi bạn ở Thiện Chánh nói như giải thích cho sự vội vàng của mình. Anh đang hì hục vác một bó cần câu tre xuống thuyền, chuẩn bị cho chuyến khởi hành trưa nay ra Trường Sa câu cá bò gù."Ở Thiện Chánh gọi vậy, nhưng thị trường cá bò gù là cá ngừ đại dương đấy. Tháng này tuy đã quá vụ nhưng giá cập bờ vẫn hơn 100 nghìn đồng/kg. Cá ngừ đại dương năm nay trúng mùa, được giá. Bà con Thiện Chánh no lắm!".Đi theo những thông tin hấp dẫn đó, chúng tôi xuống đến tận cảng cá Tam Quan. Không còn cảm giác nóng nữa, cảng cá hiện ra trong hừng hực khí thế lao động, nhộn nhịp trên bến, dưới thuyền. Chỗ này chuyển cá lên bờ, chỗ kia...
Sơ chế cá tại Cụm công nghiệp Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, Bình Định. |
“Ở Thiện Chánh gọi vậy, nhưng thị trường cá bò gù là cá ngừ đại dương đấy. Tháng này tuy đã quá vụ nhưng giá cập bờ vẫn hơn 100 nghìn đồng/kg. Cá ngừ đại dương năm nay trúng mùa, được giá. Bà con Thiện Chánh no lắm!”.
Đi theo những thông tin hấp dẫn đó, chúng tôi xuống đến tận cảng cá Tam Quan. Không còn cảm giác nóng nữa, cảng cá hiện ra trong hừng hực khí thế lao động, nhộn nhịp trên bến, dưới thuyền. Chỗ này chuyển cá lên bờ, chỗ kia chuyển hàng xuống thuyền chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Những con cá bò gù đen trùng trục, loang loáng dưới nắng, được cẩu lên từ dưới hầm thuyền, xếp hàng theo băng tải chuyển lên bờ. Thủ tục mua bán giữa các thương lái hình như đã xong từ trước. Cá cứ thế được phân loại: hơn 50kg chuyển lên xe thùng cấp đông tại chỗ, chạy ngay, cá dưới 50 kg theo băng tải chuyển lên các xưởng sơ chế tại cụm công nghiệp Tam Quan. Tại đây, cá được mổ lấy toàn bộ phụ phẩm: lòng, mang để riêng. Cá chính phẩm cho vào kho bảo quản lạnh chờ ngày xuất đi Nhật Bản, châu Âu. Hàng trăm lao động ăn theo con cá bò gù khiến Tam Quan Bắc, Thiện Chánh 1, Thiện Chánh 2… của huyện Hoài Nhơn, Bình Định giàu lên trông thấy.
Ông Trần Dô – một chủ hầm đá lạnh tại cảng cá cho biết: Hai hầm đá của ông công suất gần 1.000 cây/ngày, nhưng chỉ đủ cho vài chiếc thuyền hợp đồng trước với giá 11 nghìn đồng/cây. Còn hàng chục con thuyền khác phải lấy đá từ Quảng Ngãi vào hoặc các hầm đá khác ngoài cụm công nghiệp dịch vụ nghề cá thị trấn Tam Quan. Loại đá lạnh to, dài 1,2 m được đưa lên thuyền, xay nhỏ để ướp cá từ ngoài khơi. Mỗi thuyền 90 CV ra khơi trong 15 ngày với từ bảy đến chín lao động bạn nghề, cần đến 25 tấn đá lạnh như thế. Không chỉ có vậy, trong cơ số nguyên liệu cho một chuyến đi còn bốn tấn nước ngọt, năm tấn dầu đi-ê-den, chưa kể thực phẩm gạo rau, thịt heo, mì tôm… và không quên một can rượu bàu đá chống lạnh! Một con thuyền nhổ neo ra khơi, lượng hàng hóa nguyên liệu phải tích trữ không dưới 120 triệu đồng.
Chủ doanh nghiệp kinh doanh và chế biến thủy sản tại thôn Thiện Chánh 1 Trần Văn Hồi giải thích -“Vì sao sản lượng cá ngừ đại dương năm nay tự nhiên tăng vọt? – “Không phải tự nhiên đâu anh ạ! Đây, phải nói là “sáng kiến vàng” của bà con ngư dân Tam Quan mình đấy”!. Với kinh nghiệm câu cá bò gù truyền thống, dẫn đến cải tiến phương thức đánh bắt. Từ tháng 11 năm ngoái, các chủ thuyền đã đồng loạt trang bị giàn đèn cao áp trên thuyền có 18- 30 bóng từ: 500 đến 1.000 W. Tạo ra những vùng ánh sáng trắng – rực lên giữa đêm đen trời biển. Thế là đàn cá ngừ đại dương từ các ngư trường lân cận được thu hút về đây như đêm hội. Nhưng đàn cá này không phải theo ánh sáng giàn đèn đâu! Nó theo đàn mực “B- đen” và đàn cá chuồn vốn “hiếu sáng”- Đây là món mồi ngon của cá bò gù. Lập tức ngư dân bỏ ngay phương thức câu bằng vàng dây – móc lưỡi câu trên một dây dài hàng cây số như trước đây – mà chỉ câu thủ công bằng giàn cần tre chỉa ra hai bên mạn thuyền. Lấy mồi sống tại chỗ là đàn mực B-đen. Hiệu quả bất ngờ.
Ông Hồi hồ hởi kể tiếp: “Anh cứ tính xem: chỉ làng nghề Thiện Chánh 1 chúng tôi hiện nay có hơn 150 phương tiện đánh bắt cá bò gù với công suất bình quân 90 sức ngựa (CV). Lượng cá bò gù câu bằng giàn đèn mới này chỉ trong hơn nửa tháng ra khơi, thuyền nào cũng khẳm cá trở về, thu hoạch từ 2,5 đến 4 tấn là thường. Đồng ý là tại thời điểm này giá cá có hạ hơn năm ngoái nhưng sản lượng tăng gấp hai, gấp ba lần so với trước đây. Chưa có năm nào cảng cá Tam Quan có sản lượng cá ngừ đại dương cao như mùa biển năm nay: 4.700 tấn, tăng 2.100 tấn so với trước đây”. Chỉ tính thu nhập của bạn nghề – mỗi lao động theo chủ thuyền ra khơi đã đem lên bờ 15 triệu đồng mỗi chuyến. Điều đó giải thích vì sao đã quá vụ bò gù hai tháng rồi mà những đoàn thuyền vẫn nối nhau không ngớt hướng về vùng biển phía nam.
Cạnh cảng cá Tam Quan là cụm công nghiệp dịch vụ nghề cá, hàng chục xưởng sản xuất của các doanh nghiệp đang cần mẫn ngày đêm phục vụ cho ngư dân. Giám đốc Điện lực Bồng Sơn Trương Văn Cường cho biết: “Điện đã về Cụm công nghiệp này từ 8 năm trước với hai trạm biến áp 22/0,4 kV tổng dung lượng 400 kVA đã đầy tải nhưng chưa bao giờ sản lượng điện tiêu thụ tăng như năm nay 300.000 kW giờ/tháng”. Các xưởng đóng thuyền, xưởng cơ khí , chế biến nước mắm, sản xuất đá lạnh, chế biến thủy sản cấp đông… mặc dù đang tìm mọi biện pháp đầu tư thay đổi công nghệ, bố trí thời gian và lao động sản xuất hợp lý để tiết kiệm điện nhưng sản lượng điện thương phẩm vẫn tăng 10-15%.
Vẫn dưới cái nắng như đổ lửa… Trên bờ kè chắn sóng cho cảng cá Tam Quan nhô ra biển gần 1.000 m, hằng ngày lại chứng kiến cảnh những con thuyền ra khơi cho chuyến cá ngừ đại dương tiếp theo. Những bàn tay nhỏ bé của người vợ trẻ bế con vẫy theo đoàn thuyền như lời cầu chúc bình an, như truyền thêm sức mạnh và ý chí làm giàu để nông thôn Tam Quan, Thiện Chánh sáng lên cùng những giàn đèn ngoài khơi xa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()