Thích ứng với phòng vệ thương mại
Khi xuất khẩu lớn và có sức cạnh tranh thì hàng hóa sẽ bị chú ý áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại…
Sự tăng trưởng nhanh chóng của xuất khẩu trong những năm qua đã cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường. Song, khi xuất khẩu lớn và có sức cạnh tranh thì hàng hóa sẽ bị chú ý áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).
Trước bối cảnh hàng hóa Việt Nam đối diện nhiều hơn với các biện pháp PVTM, các doanh nghiệp cần hiểu rõ về tầm quan trọng của việc xử lý tốt những vụ việc PVTM và vai trò then chốt của doanh nghiệp khi tham gia xử lý các vụ việc.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: TRẦN NGHI |
Bảo hộ thương mại là xu hướng trên toàn cầu
PVTM là hoạt động thông thường của thương mại quốc tế. Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hiện tại có 3 công cụ PVTM được sử dụng phổ biến là: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong 3 biện pháp trên thì biện pháp chống bán phá giá được khởi xướng điều tra nhiều nhất.
Cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của nước ngoài, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM.
Tính đến hết tháng 12-2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 227 vụ việc điều tra liên quan đến PVTM. Riêng trong năm 2022 có 17 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên cạnh nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hằng năm, rà soát giữa kỳ/cuối kỳ, rà soát nhà xuất khẩu mới.
Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương chia sẻ, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM của nước ngoài. Bởi hàng hóa Việt Nam ngày càng xuất khẩu nhiều ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường có xu hướng tăng cường bảo hộ hàng hóa và chuỗi cung ứng của họ. Việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM sẽ tác động tới xuất khẩu. Nếu các doanh nghiệp xử lý không tốt, hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao, làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu.
Nhưng nhìn ở góc độ tích cực, ông Chu Thắng Trung cho rằng, việc gia tăng các vụ việc PVTM cho thấy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng đang ngày càng có chỗ đứng vững chắc hơn tại các thị trường nước ngoài và có thể cạnh tranh, tạo ra một sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa của nước nhập khẩu.
Khắc phục tâm lý e ngại khi doanh nghiệp bị điều tra PVTM
Mặc dù nguyên nhân lớn nhất của việc gia tăng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM là xu thế bảo hộ thương mại, còn có các nguyên nhân khác như sự thiếu kiến thức về pháp luật PVTM của doanh nghiệp, thiếu thông tin về các vụ việc PVTM đang áp dụng…
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Luật sư thành viên, Văn phòng Luật sư IDVN cho rằng, để hạn chế rủi ro khi bị điều tra PVTM, các doanh nghiệp phải khắc phục tâm lý e ngại khi tham gia vào các vụ việc điều tra PVTM. Thay vào đó, doanh nghiệp nên chủ động tham gia vào các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Cần liên kết với các đối tác, những bên liên quan có thể có chung lợi ích với cả các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Chu Thắng Trung cho biết, để giảm tối đa tác động tiêu cực của vụ việc điều tra PVTM đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương luôn bám sát toàn bộ quá trình vụ việc điều tra PVTM, để theo dõi việc tuân thủ cam kết quốc tế của các cơ quan điều tra nước ngoài cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý vụ việc.
Để phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai có hệ thống hàng loạt hoạt động như cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý ứng phó với các vụ việc PVTM cụ thể; tham gia cung cấp, giải trình các chính sách của Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc trợ cấp; tham gia phản biện pháp lý đối với các vi phạm, khả năng vi phạm cam kết quốc tế của cơ quan điều tra nước ngoài…
Theo Bộ Công Thương, cơ chế hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm PVTM là cục sẽ theo dõi thường xuyên những biến động xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể xác định được mặt hàng doanh nghiệp xuất khẩu có phải là đối tượng rủi ro hay không.
Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng phải cân nhắc để có một chiến lược đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu có rủi ro. Đặc biệt, ngoài việc tìm hiểu các thông tin liên quan tới tiêu chí kỹ thuật, tiếp cận thị trường, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu quy định cơ bản về PVTM tại các quốc gia đó. Bởi vì khi điều tra PVTM, mỗi quốc gia sẽ thực hiện theo quy định riêng.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thich-ung-voi-phong-ve-thuong-mai-747245
Ý kiến ()