Thích ứng trước biến động của thị trường nông sản
Xuất khẩu gạo ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ðẩy mạnh thu mua lúa
Theo ghi nhận, tại tỉnh Sóc Trăng, hiện giá lúa đông xuân đã nhích lên từ 150 đến 300 đồng/kg. Trước đó, giá lúa thường dao động ở mức 4.900 đến 5.200 đồng/kg, lúa thơm 5.100 đến 5.600 đồng/kg, lúa đặc sản 6.400 đến 6.800 đồng/kg, trung bình giảm 300 đến 500 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán năm 2019. Có sự chuyển biến này là do tỉnh Sóc Trăng đã khẩn trương tìm nguồn vốn vay cung ứng cho doanh nghiệp tăng thu mua. Mặt khác, tác động từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngân hàng tăng cường cho doanh nghiệp vay tiền thu mua lúa. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết: Trên địa bàn tỉnh, tổng diện tích lúa xuống giống vụ đông xuân là 158.519 ha. Tính đến ngày 24-2, toàn tỉnh thu hoạch hơn 70% diện tích, đạt năng suất bình quân 5,92 tấn/ha, tổng sản lượng thu hoạch tăng gần 4% so với cùng kỳ. Do sản lượng lúa tăng, doanh nghiệp giảm thu mua cho nên giá lúa giảm. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, công thương, liên minh hợp tác xã (HTX) nông nghiệp… phải vào cuộc quyết liệt để hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa theo hướng khó ở đâu gỡ ở đó.
Tuy nhiên, khi giá lúa nhích lên thì phần lớn nông dân không còn nhiều lúa để bán, thậm chí đã hết lúa. Ông Lâm Thanh Hoàng, ở ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn, huyện Trần Ðề cho biết: Năm 2018, lúa mới bắt đầu “đỏ đuôi” là thương lái tìm đến hỏi mua nườm nượp, nông dân chỉ việc đợi thương lái nào mua giá cao hơn thì chốt bán. Năm nay, vừa ăn Tết xong, tiền trong nhà cũng cạn, lúa đã gặt mà thương lái không thu mua, cho nên muốn chi tiêu trong gia đình và trả tiền vật tư nông nghiệp thì hầu hết các hộ dân đành phải bán lúa với giá thấp. Giống lúa gia đình tôi canh tác là OM 6976, chất lượng gạo khá tốt, mọi năm thương lái rất ưa chuộng nhưng vụ này xem như lỗ nặng. Việc tái sản xuất cho vụ mùa tiếp theo chắc chắn sẽ gặp khó bởi thiếu vốn.
Tại tỉnh Ðồng Tháp, vụ lúa đông xuân 2018 – 2019, toàn tỉnh xuống giống 205 nghìn ha với sản lượng khoảng 1,4 triệu tấn. Năm nay, giá lúa thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước, cá biệt có những giống giảm tới 1.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Thức, ở thị trấn Sa Rày, huyện Tân Hồng vừa thu hoạch xong 4 ha lúa giống Ðài Thơm 8 cho biết: Năng suất vụ lúa này rất thấp, bình quân 5,5 tấn/ha, cộng với giá bán lúa 4.700 đồng/kg, thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với vụ đông xuân trước, người nông dân chắc chắn lỗ nặng. Sau khi có chỉ đạo thu mua tạm trữ của Thủ tướng Chính phủ và các giải pháp từ địa phương thì đến thời điểm này giá lúa đã nhích lên so với trước. Và để bảo đảm hiệu quả thu mua lúa, tỉnh Ðồng Tháp đã chỉ đạo các doanh nghiệp, HTX chuẩn bị sẵn sàng tạm trữ lúa.
HTX Tân Bình, huyện Thanh Bình đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ vụ đông xuân. 65 ha liên kết của HTX đã được thu hoạch dứt điểm, được doanh nghiệp thu mua xong. Gần 600 ha còn lại, nông dân có hai lựa chọn, hoặc bán cho thương lái theo giá thị trường hiện tại, hoặc sấy và lưu kho chờ giá lên. HTX Tân Bình đang có một kho với sức chứa khoảng 1.000 tấn, ba lò sấy với công suất cao nhất 70 tấn/mẻ. Phó Giám đốc HTX Tân Bình Tạ Văn Bông cho biết: Mọi công tác chuẩn bị cho việc đón nhận lúa lưu kho của nông dân đang thu hoạch đã được HTX chuẩn bị sẵn sàng và không tính phí lưu kho, chỉ tính chi phí sấy lúa. Công ty Lương thực Ðồng Tháp chuẩn bị chu đáo hệ thống sấy lúa, nhà kho để giữ lúa cho nông dân, HTX có nhu cầu. Ngoài ra, nông dân cũng có thể liên hệ Công ty Phát Tài, ở huyện Lấp Vò, HTX Tân Cường, ở huyện Tam Nông cùng nhiều địa chỉ khác để lưu kho, giữ lúa miễn phí trong thời gian chờ giá lúa chuyển biến tốt hơn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Ðồng Tháp làm việc với các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua lúa tiếp cận vốn.
Liên kết vẫn là giải pháp căn cơ
Việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và thu mua lúa tạm trữ đã giúp giá lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhích lên sau khi đồng loạt giảm sâu, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Trước thực tế này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Vân đề xuất: Giải pháp tiếp theo là cân đối cung cầu đi đôi với quy hoạch vùng nguyên liệu cho toàn vùng. Mặt khác, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ chế biến, tìm thị trường tiêu thụ ổn định; hỗ trợ nông dân nâng cao khả năng thích ứng biến động của thị trường nông sản. Còn giải pháp tạm trữ lúa nên để nông dân tự lo bằng cách tham gia vào các HTX. Nhưng đến nay, tại Sóc Trăng, chưa HTX nào có năng lực tự trữ và chế biến nông sản. Nguyên nhân là do nông dân không đủ vốn để xoay xở khi phải tái đầu tư cho vụ mùa tiếp theo, cho nên nhiều năm qua, khi giá lúa nhích lên thì họ đã bán hết lúa.
Về vấn đề cơ cấu giống gieo trồng chưa phù hợp khiến giá lúa giảm, ông Huỳnh Ngọc Vân nhận định: Lâu nay, nông dân tự chọn giống. Thực tế có năm, nông dân làm giống lúa chất lượng thấp, nhưng lại có giá cao hơn lúa đặc sản, do doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua lúa thường để đáp ứng hợp đồng với đối tác. Vì vậy, cơ cấu giống là vấn đề cần quan tâm, nhưng quan trọng vẫn là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp. Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, chủ nhân dòng lúa thơm ST: Ðã đến lúc chính quyền và ngành nông nghiệp phải “định khuôn” cho nông dân tuân thủ quy trình sản xuất đạt chuẩn. Nhiều vụ lúa, nông dân lãi to khi thực hiện đúng quy trình lúa thơm hữu cơ ST. Ngay như trong cơn biến động giá vừa qua, nhà nông trồng lúa thơm có ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp đều không bị ảnh hưởng, khi giá lúa thơm ST vẫn bảo đảm hơn 8.000 đồng/kg.
Cũng như Sóc Trăng, tại Ðồng Tháp, liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp cũng khẳng định rõ giá trị trong thời điểm giá lúa xuống thấp vừa qua. Cụ thể, vụ đông xuân 2019, HTX Tân Bình có 65 ha lúa được ký kết tiêu thụ với các công ty bao tiêu đầu ra, chiếm khoảng 10% tổng diện tích lúa toàn HTX. Trong khi toàn bộ diện tích liên kết này đã được thu mua dứt điểm từ giữa tháng 2 thì các diện tích còn lại, nông dân vẫn đang chờ giá. Còn tại huyện Tam Nông, nhiều diện tích lúa chín không ký hợp đồng cũng khó tiêu thụ. Nhưng hơn 420 ha lúa của HTX Tiến Cường liên kết với Công ty Lương thực Ðồng Tháp đã được chốt giá xong, chỉ chờ thu hoạch. Qua 5 năm gắn bó, liên kết cùng nhau, HTX Tiến Cường đã có đầu ra ổn định cho sản phẩm, Công ty Lương thực Ðồng Tháp có được vùng nguyên liệu tin cậy.
Tình trạng giá lúa giảm vào vụ thu hoạch rộ tại đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua buộc Chính phủ phải chỉ đạo thu mua lúa tạm trữ đã một lần nữa “gióng lên hồi chuông” về vấn đề quy hoạch vùng, cơ cấu sản xuất lúa gạo cũng như mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Chỉ khi có quy hoạch cụ thể và đẩy mạnh được mối liên kết giữa các thành phần tham gia chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ thì mới sớm hạn chế và chấm dứt được chuyện cả nước phải chung tay tìm cách hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo cho vựa lúa lớn nhất cả nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()