Thích ứng linh hoạt với dịch
Tốc độ lây lan chóng mặt của dịch Covid-19 do biến thể Omicron gây ra khi tổng số ca mắc trên toàn cầu đã vượt 400 triệu ca, chỉ một tháng sau khi chạm ngưỡng 300 triệu. Nhiều quốc gia vừa gồng mình chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế. Các kế hoạch mở cửa trở lại song hành các biện pháp chống dịch đã ghi nhận hiệu quả, nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức.
Sống chung với dịch
Tỷ lệ “phủ sóng” vắc-xin và các liệu pháp điều trị Covid-19 đã cho thấy hiệu quả trong ngăn ngừa và điều trị các ca bệnh nặng. Điều này thúc đẩy nhiều quốc gia lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm mở cửa trở lại và “sống chung với dịch” để khôi phục phát triển kinh tế. Tại châu Âu, sau Đan Mạch, Anh có kế hoạch dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế phòng dịch vào cuối tháng 2, gồm bỏ quy định tự cách ly đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính. Thụy Điển và Na Uy dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch, trong khi Italia và Tây Ban Nha không còn yêu cầu người dân đeo khẩu trang ngoài trời. Đức cũng xem xét sớm dỡ bỏ các hạn chế.
Tại châu Á, dù tập trung chống dịch nhưng Chính phủ Nhật Bản cũng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hạn chế đến mức thấp nhất việc tạm ngừng các hoạt động kinh tế-xã hội. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (Ki-si-đa Phư-mi-ô) mong muốn đẩy nhanh chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 lên 1 triệu mũi tăng cường/ngày, tăng gấp hai lần so với tốc độ tiêm hiện nay để nhanh chóng mở cửa trở lại hoàn toàn. Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế (MITI) của Malaysia khẳng định chính phủ sẽ không đóng cửa hoàn toàn các lĩnh vực kinh tế và công nghiệp một lần nữa. Việc đóng cửa các khu vực kinh tế trước đây đã khiến 826 nghìn người mất việc làm trong ba tháng đầu tiên của năm 2020, khi chính phủ áp đặt Lệnh kiểm soát dịch chuyển (MCO).
Israel, quốc gia được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá “đặc biệt xuất sắc” khi vượt qua đại dịch Covid-19 với một chiến dịch tiêm phòng nhanh, hiệu quả, giúp nền kinh tế hồi phục nhanh chóng. Chính phủ nước này cũng tung ra các chương trình hỗ trợ tài chính “nhanh chóng và dồi dào” cho các doanh nghiệp và người dân. Sau khi suy giảm nhẹ trong năm 2020, sang năm 2021 kinh tế Israel đã hồi phục mạnh mẽ với mức tăng GDP thực tế đạt 6,5%, vượt thời điểm trước dịch. Trong năm 2022, kinh tế Israel được dự báo tiếp tục hồi phục vững chắc.
Mở cửa du lịch
Trong kế hoạch khôi phục lĩnh vực du lịch vốn đóng góp quan trọng vào phục hồi kinh tế, các quốc gia thúc đẩy việc mở cửa đón du khách nước ngoài sau gần hai năm đóng cửa. Các nước đã mở cửa với du khách nước ngoài như Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Na Uy đang hướng tới việc nới lỏng hơn nữa quy định nhập cảnh, theo đó bỏ yêu cầu xét nghiệm sàng lọc tại điểm đến đối với những du khách đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.
Tại châu Đại Dương, Australia chính thức mở cửa trở lại biên giới đối với tất cả du khách đã tiêm chủng, đánh dấu sự kết thúc chính sách “Pháo đài Australia” – tức là đóng cửa biên giới đối với cả công dân lẫn du khách nước ngoài. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Australia, lệnh đóng cửa biên giới đã khiến các doanh nghiệp của Australia thiệt hại đến 3,6 tỷ AUD (2,52 tỷ USD) mỗi tháng, trong đó ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc mở cửa biên giới quốc tế là một thông tin tích cực dành cho ngành du lịch Australia, với hơn 660 nghìn người lao động đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra.
New Zealand, quốc gia từng áp dụng quy định nghiêm ngặt phòng, chống dịch, cũng công bố kế hoạch chào đón du khách quốc tế đã tiêm chủng kể từ tháng 7 tới, với điều kiện phải tự cách ly trong 10 ngày. New Zealand cho phép công dân và những người có thẻ cư trú được nhập cảnh vào cuối tháng 2, nếu đến từ Australia. Những người đến từ các khu vực khác, cùng với những lao động đủ điều kiện, có thể nhập cảnh vào giữa tháng 3, tiếp theo là những người có thị thực và sinh viên vào giữa tháng 4.
Tại châu Á, Philippines đã mở cửa trở lại với du khách nước ngoài. Du khách chỉ cần xuất trình các giấy tờ như chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính. Quốc gia Đông Nam Á nổi tiếng với những khu nghỉ dưỡng bên bờ biển này đã chứng kiến lượng du khách sụt giảm tới 82% trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Philippines dự kiến sẽ thu hút du khách trở lại với khoảng từ 10 nghìn đến 12 nghìn người mỗi ngày trong những tháng tới.
Đảo Bali xinh đẹp của Indonesia cũng mở cửa cho du khách quốc tế đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mặc dù du khách vẫn phải cách ly bắt buộc năm ngày. Giới chức Malaysia đã đề nghị chính phủ mở cửa trở lại cho du khách quốc tế sớm nhất vào ngày 1/3, trong đó người nhập cảnh không phải trải qua bất kỳ quy định cách ly nào, tương tự chính sách của Thái Lan và Singapore. Ấn Độ cũng nới lỏng quy định về nhập cảnh đối với du khách quốc tế, theo đó khách quốc tế đến nước này sẽ không phải cách ly bắt buộc tại nhà trong bảy ngày hoặc tiến hành xét nghiệm RT-PCR trong ngày thứ tám sau khi đến.
Trường học an toàn
Trước nhu cầu cấp thiết của việc trẻ em cần được đến trường, nhiều nước đã đưa ra các kế hoạch bảo đảm trường học được mở cửa an toàn ngay trong lúc dịch bùng phát mạnh. Bỉ đã có sự thay đổi chiến lược nhằm ngăn chặn đại dịch và vẫn bảo đảm học sinh được đến trường học trực tiếp. Các Bộ trưởng Y tế và Giáo dục của Bỉ đã nhất trí rằng các lớp học sẽ không đóng cửa kể cả khi có các trường hợp mắc Covid-19. Chỉ những học sinh xét nghiệm dương tính hoặc có các triệu chứng mới phải cách ly ở nhà. Trẻ em khi tiếp xúc với cha mẹ hoặc một thành viên trong gia đình mắc Covid-19 không còn bị bắt buộc cách ly. Chiến lược mới sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ trở lại cuộc sống bình thường.
Tại Mỹ, các trường học liên tục cập nhật các quy định nhằm duy trì mở cửa trong bối cảnh số ca mắc mới vẫn cao. Các bậc phụ huynh được yêu cầu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho con hằng ngày trước khi đến lớp và cập nhật kết quả lên một trang mạng của chính phủ. Tình trạng thiếu giáo viên khiến một số địa phương ở Mỹ áp dụng cách tiếp cận sáng tạo hơn nhằm duy trì các lớp học, như đề nghị thành viên Lực lượng cảnh vệ quốc gia làm thay các giáo viên trợ giảng hay kêu gọi cha mẹ có bằng đại học lấp chỗ trống của giáo viên.
Là một trong những quốc gia đi đầu về tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, kể cả tiêm các mũi tăng cường và mũi dành cho trẻ em, từ mùa thu năm ngoái đến nay, Israel đã mở cửa trường học trở lại bất chấp làn sóng dịch bùng phát mạnh mẽ. Lý do Chính phủ Israel quyết định bỏ hình thức học trực tuyến tại nhà là vì nhận thấy trong các làn sóng dịch trước đây, khi trường học phải đóng cửa, rất nhiều em đã bị bệnh, trong đó chủ yếu là các bệnh tâm lý và tâm thần. Để trường học tiếp tục mở cửa, Israel đẩy mạnh thực hiện xét nghiệm, nhất là xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà. Hiện tại có khoảng một phần tư trẻ em trong độ tuổi 5-11 tại Israel đã được tiêm phòng cho nên việc mở cửa trường học rất thuận lợi.
Kể từ khi dịch bùng phát tới nay, Nhật Bản hầu như không đóng cửa trường học, ngay cả khi ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh mắc Covid-19 ở nước này rất thấp, nhất là thời điểm trước khi biến thể Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11/2021. Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) đã hạn chế tối đa biện pháp đóng cửa trường học bởi lo ngại có thể tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, trong khi tỷ lệ lây nhiễm trong trường học khá thấp, chỉ khoảng 5%. Vì vậy, thay vì đóng cửa các trường học và trường mẫu giáo, Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm một môi trường học tập an toàn.
Ứng phó linh hoạt
Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho toàn dân và triển khai các mũi tăng cường, những thay đổi chính sách của các chính phủ cho thấy nhiều quốc gia đang chuyển sang chiến lược chống dịch Covid-19 tương tự bệnh cúm mùa. Cùng với việc nới lỏng hạn chế, hiện nay Italia đang hướng tới tiêm nhắc lại hằng năm vắc-xin ngừa Covid-19, trong khi Pháp cũng khuyến cáo tiêm phòng cúm song song với ngừa Covid-19. Trong bối cảnh số ca mắc mới do biến thể Omicron tăng vọt, Hàn Quốc quyết định dừng công thức “3T” áp dụng ban đầu (xét nghiệm, truy tìm và điều trị) sang áp dụng một hệ thống quản lý kiểm dịch và truy vết tiếp xúc đơn giản hơn nhiều.
Trước đây, hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Hàn Quốc tập trung điều trị như nhau đối với tất cả các ca bệnh, do vậy việc điều trị thiếu hiệu quả vì không thể tập trung cho nhóm có nguy cơ cao. Theo phương án mới, bệnh nhân được chia thành hai nhóm: nhóm gồm những người từ 50 đến 60 tuổi trở lên có các bệnh lý nền và nhóm bao gồm toàn bộ số bệnh nhân còn lại. Các cơ sở y tế sẽ chỉ tập trung vào điều trị cho các bệnh nhân có nguy cơ cao chuyển bệnh nặng nhằm giảm số ca tử vong. Các bệnh nhân khác sẽ điều trị tại nhà. Nếu xu hướng này tiếp tục ổn định, Chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét nới lỏng biện pháp phòng dịch và tái khởi động lộ trình khôi phục đời sống thường nhật, khi đó, dịch Covid-19 sẽ được ứng phó tương tự như đối với bệnh cúm mùa.
Tuy nhiên, không ít ý kiến của các chuyên gia nhận định, với nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, các chính phủ khó có thể tuyên bố sẽ không còn cần phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới. Đó là những thách thức của thế giới trên con đường phục hồi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia tiến hành dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt chống dịch theo cách chậm rãi và từng bước.
Các nỗ lực kiểm soát đại dịch Covid-19 tạo ra những tín hiệu tích cực, giúp nhiều nước thúc đẩy kế hoạch đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, trước những nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh, bên cạnh mở cửa trường học, du lịch và từng bước khôi phục nền kinh tế, các nước cần tiếp tục thận trọng và cân nhắc đối với các chính sách mở cửa đồng thời với phòng dịch để bảo đảm phục hồi bền vững.
Ý kiến ()