Thích ứng, đổi mới sáng tạo để phát triển, vì lợi ích dân tộc và nhân dân
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025, với sự tham gia của 553 đại biểu tiêu biểu cả nước diễn ra tại Thủ đô Hà Nội vào những ngày kết thúc năm 2021. Nhìn lại chặng đường lịch sử truyền thống vẻ vang hơn 70 năm qua và những thành công trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo Việt Nam luôn là “ngôi nhà chung” để những người làm báo cả nước được rèn luyện, trưởng thành về mọi mặt, đóng góp vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
“Chính nhờ những nét nổi bật ấy mà Hội Nhà báo Việt Nam đã đảm đương, hoàn thành vai trò đại diện cho những người làm báo cả nước trong một giai đoạn đầy vinh quang, tự hào mà cũng không ít cam go, thử thách”. Nhấn mạnh thêm nhiệm kỳ vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam đánh dấu một chặng đường phát triển lớn mạnh của Hội cũng như của báo chí cả nước, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân đánh giá rất cao tinh thần làm việc tích cực, hiệu quả của Ban Chấp hành khóa X. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Hội đã cho ra đời quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gồm 10 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Đồng hành và trách nhiệm
Từ thực tiễn cho thấy nhiều lĩnh vực, nội dung nổi bật, ấn tượng trong hoạt động công tác Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ qua trong nỗ lực nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động đáp ứng yêu cầu mới. Không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo và đề cao tinh thần trách nhiệm là dấu ấn rõ nét được toàn xã hội, công chúng và những người làm báo cả nước ghi nhận.
Nhìn lại chặng đường cả nhiệm kỳ, rất nhiều các hoạt động ý nghĩa thiết thực trên nhiều lĩnh vực của Hội mang lại kết quả quan trọng. Đề cập nội dung trong Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới đã đánh giá: Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên tổ chức, động viên, khích lệ đội ngũ những người làm báo tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những thành tựu của đất nước; đấu tranh chống những âm mưu, thủ đoạn, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đặc biệt, báo chí tham gia hiệu quả bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hội đã tích cực tham gia xây dựng cơ chế và chính sách báo chí, giám sát việc tuân thủ pháp luật về báo chí, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cách mạng Việt Nam.
Trước phiên khai mạc Đại hội, trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang bày tỏ sự đồng tình, cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, “vận hội mới của đất nước là mạch nguồn cho những người làm báo tạo ra những sản phẩm báo chí có sức lan tỏa trong xã hội. Nắm bắt tình hình trong nước, thế giới và xu thế của truyền thông hiện đại, Hội Nhà báo Việt Nam có những đổi mới trong các lĩnh vực công tác để khơi dậy, bồi dưỡng và phát huy sức mạnh của đội ngũ những người làm báo cả nước, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì lợi ích của nhân dân”.
Trong rất nhiều nội dung công tác được Hội Nhà báo Việt Nam triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua, có ba dấu ấn nổi bật, cụ thể: Thứ nhất, Hội Nhà báo Việt Nam tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong xây dựng các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước như Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quyết định quy hoạch báo chí của Chính phủ, Chỉ thị 43 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới…; Thứ hai, Giải Báo chí quốc gia ngày càng nâng cao chất lượng, quy tụ số lượng tác phẩm dự thi ngày càng nhiều với nhiều thể loại hơn và lễ trao giải được tổ chức trang trọng, qua đó nâng cao uy tín và vị thế của Giải báo chí cao quý nhất đối với người làm báo Việt Nam. Thứ ba, Hội Nhà báo đã ban hành Quy định về đạo đức người làm báo và quy định về ứng xử của người làm báo trên mạng xã hội. “Đó là những vấn đề mang tính thời sự và rất cấp thiết, được các cấp hội và hội viên quan tâm, ủng hộ, thể hiện vai trò tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp của Hội Nhà báo”.
Bên cạnh xây dựng Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo, Hội tích cực tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo, nhất là quyền hành nghề đúng pháp luật của các nhà báo… “Hội lên tiếng kịp thời trước những bất cập về cơ chế, chính sách đối với báo chí, khi báo chí gặp khó khăn nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, qua đó góp phần giúp các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn và phát triển”.
“Ngôi nhà chung” của đội ngũ làm nghề
Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt. Báo chí cả nước đang đứng trước nhiều thuận lợi, cơ hội, nhưng cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí là thách thức sống còn. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều nhà lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí lớn có chung nhận định: Báo chí phát triển mạnh mẽ được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của các cấp chính quyền, của cả hệ thống chính trị và quan trọng nhất là sự ủng hộ, tin yêu của công chúng, bạn đọc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam mang ý nghĩa, sứ mệnh đặc biệt quan trọng, định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước trong nhiệm kỳ tới.
Nhiệm vụ cao cả đặt ra yêu cầu linh hoạt, thích ứng đối với đội ngũ những người làm báo và mỗi cơ quan, đơn vị báo chí cả nước trong tình hình mới. Trong đó, mỗi người làm báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng để nhận diện được vấn đề truyền thông, có kỹ năng, trình độ làm chủ được công nghệ hiện đại để trở thành những phóng viên đa năng thích ứng với môi trường truyền thông hiện đại.
Nhà báo Tạ Bích Loan, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam mong muốn Trung ương Hội liên kết sát sao với lãnh đạo cơ quan báo chí và tăng cường các hoạt động nghiệp vụ hơn nữa để các cấp Hội có vai trò mạnh mẽ hơn, như tạo ra phong trào phát huy sáng kiến trong chuyên môn làm báo, xây dựng giá trị văn hóa người làm báo cách mạng… Kiến nghị công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghề nghiệp với đội ngũ phóng viên, hội viên trẻ cần được các cấp Hội chú trọng, đổi mới và cải tiến hơn nữa, nhà báo Tạ Bích Loan cho rằng: Thời đại nào cũng có nhiều thách thức đối với người làm báo, nhưng trong dịch Covid-19 chúng ta cảm nhận những khó khăn trở nên rõ hơn. Nhắc lại tấm gương sáng về đức tính “kiên trì và nhẫn nại” của Bác Hồ và những lời huấn thị của Người với thế hệ sau, theo nhà báo Tạ Bích Loan: “Công tác đào tạo quan trọng nhất với người làm báo chính là đào tạo tinh thần làm báo phục vụ sự nghiệp cách mạng, rồi sau đó mới đến những kỹ năng và kiến thức nghiệp vụ chuyên nghiệp và sáng tạo khác. Động lực làm báo vì đất nước, vì nhân dân sẽ giúp cho chúng ta đứng vững và vượt qua khó khăn”.
Nhấn mạnh trong nhiệm kỳ tới, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới việc triển khai các hoạt động của Hội. Có ý kiến đại biểu cho rằng, để thích ứng với tình hình mới, Hội Nhà báo Việt Nam cần xây dựng kế hoạch tổng thể chuyển đổi số các cơ quan báo chí với sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, sự đồng hành của các đơn vị, doanh nghiệp và nỗ lực tự thân của các cơ quan báo chí, tổ chức thí điểm thành lập liên minh các báo để bảo vệ bản quyền báo chí.
“Tôi tin tưởng các cấp Hội tới đây sẽ làm tốt hơn nữa vai trò “đi trước, mở đường”, đồng hành cùng đội ngũ báo chí cả nước thực hiện tốt chức năng định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận xã hội, giành chủ quyền trên không gian mạng”.
Nhà báo VŨ VIỆT TRANG,
Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội nhà báo TTXVN.
“Hội Nhà báo các cấp là ngôi nhà chung của báo giới để tất cả hội viên đoàn kết, chia sẻ và gửi gắm những ý tưởng, mong mỏi làm nghề chân chính. Tôi hy vọng Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam sẽ là một đại hội tạo ra nguồn năng lượng mới đồng hành cùng báo chí cả nước vượt qua khó khăn, góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Thiếu tướng ĐOÀN XUÂN BỘ,
Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân
“Trong thời gian tới, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, các cơ quan báo chí TP Hồ Chí Minh ưu tiên tập trung đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng làm báo hiện đại cho các nhà báo, hội viên.
Chúng tôi xác định mục tiêu đẩy nhanh và hiệu quả tiến trình chuyển đổi số toàn bộ hoạt động của tòa soạn từ khâu nội dung đến khâu phát hành, tổ chức quản trị đồng thời tích cực triển khai các hoạt động sau mặt báo vì cộng đồng”.
Nhà báo TRẦN TRỌNG DŨNG,
Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh
“Chúng tôi mong muốn Hội Nhà báo không chỉ là ngôi nhà chung ấm áp của anh chị em làm nghề báo mà còn là diễn đàn trao đổi những vấn đề mới, nảy sinh trong bối cảnh thay đổi của thế giới do các yếu tố môi trường, công nghệ, kinh tế, xã hội… tác động. Từ đó nâng cao bản lĩnh và năng lực làm báo cũng như tạo ra động lực mới cho những người làm báo chúng ta qua các hình thức hội thảo hoặc mạng lưới thảo luận online”.
Nhà báo TẠ BÍCH LOAN,
Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo
Đài Truyền hình Việt Nam
“Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra khi đất nước đang chịu tác động rất tiêu cực của đại dịch Covid-19, báo chí truyền thông đang chịu cạnh tranh rất khốc liệt của các mô hình truyền thông mới, các nền tảng xuyên biên giới, của mạng xã hội, của báo chí nước ngoài “Việt hóa” ngay trên chính lãnh thổ Việt Nam…
Bên cạnh đó, quảng cáo của các doanh nghiệp cũng chuyển từ các phương tiện truyền thống sang các nền tảng khác, một số bất cập về chính sách, thể chế cũng khiến các cơ quan báo chí Việt Nam đứng trước rất nhiều thách thức. Chúng tôi mong những vấn đề trên được đặt lên bàn nghị sự Đại hội, để các đại biểu bàn bạc, “mổ xẻ” thẳng thắn và tìm ra hướng giải quyết giúp báo chí phát triển”.
Nhà báo PHẠM MẠNH HÙNG,
Phó Tổng Giám đốc
Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ý kiến ()