LSO-Hơn hai tháng qua, giá cả nhiều nhóm hàng tăng vọt, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã chất thêm khó khăn cho những gia đình có nguồn thu nhập thấp hoặc trung bình. Chính vì vậy, trong khi chờ đợi sự can thiệp của các ngành chức năng để tạo lập một mặt bằng giá mới ổn định, nhiều hộ gia đình đã phải tự điều chỉnh chi tiêu để thích nghi với tình hình mới. Thành phố Lạng Sơn – trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh luôn hứng chịu những biến động đầu tiên và mạnh mẽ nhất của giá cả thị trường. Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng liên tục tăng giá với mức tăng từ 10-20%, có những mặt hàng tăng cao tới 30%. Trong đó, nhóm hàng tăng mạnh nhất là lương thực, thực phẩm và chất đốt... Giá đầu vào của sản phẩm tăng, đó là lý do được các cửa hàng, đại lý kinh doanh đưa ra. Song, theo cơ quan chức năng, giá cả thị trường tăng nhanh là do tác động của giá vàng, tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh…Nhiều người tiêu dùng đã thắt...
LSO-Hơn hai tháng qua, giá cả nhiều nhóm hàng tăng vọt, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã chất thêm khó khăn cho những gia đình có nguồn thu nhập thấp hoặc trung bình. Chính vì vậy, trong khi chờ đợi sự can thiệp của các ngành chức năng để tạo lập một mặt bằng giá mới ổn định, nhiều hộ gia đình đã phải tự điều chỉnh chi tiêu để thích nghi với tình hình mới.
Thành phố Lạng Sơn – trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh luôn hứng chịu những biến động đầu tiên và mạnh mẽ nhất của giá cả thị trường. Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng liên tục tăng giá với mức tăng từ 10-20%, có những mặt hàng tăng cao tới 30%. Trong đó, nhóm hàng tăng mạnh nhất là lương thực, thực phẩm và chất đốt… Giá đầu vào của sản phẩm tăng, đó là lý do được các cửa hàng, đại lý kinh doanh đưa ra. Song, theo cơ quan chức năng, giá cả thị trường tăng nhanh là do tác động của giá vàng, tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh…
|
Nhiều người tiêu dùng đã thắt chặt hơn chi tiêu hàng ngày |
Giá tăng, thu nhập không tăng thì phải giảm chi tiêu thôi – bà Lộc Thị Se, cán bộ nghỉ hưu ở phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết. Cả hai vợ chồng bà đều là cán bộ ngành bưu điện nghỉ hưu, gần một tháng qua, họ đã phải tính phương án điều chỉnh lại mức chi tiêu sinh hoạt hàng ngày bằng cách nấu ăn sáng ở nhà thay bằng ăn ở quán; tạm hoãn việc mua đồ dùng cá nhân đắt tiền để dành lo cho chi tiêu thiết yếu trong gia đình. Chiều hôm qua, nhà vừa thay bình gas 12 kg với giá 345.000 đồng – bà Se thở dài.
Cũng với tinh thần vượt khó trong thời kỳ giá cả tăng vọt, chị Lương Thị Hòa, phường Đông Kinh – một người phụ nữ nội trợ, có chồng làm công chức ở huyện lại có cách khác. “Giá tăng thế này, tôi lo nhất là làm sao lo bữa ăn đủ dinh dưỡng cho cả nhà. Bây giờ, khi mua sắm, tôi chịu khó mặc cả hơn, thậm chí đứng đằng sau một vài người để nghe ngóng xem tình hình thế nào rồi mới trả giá. Tôi ưu tiên mua những thức ăn giàu dinh dưỡng có giá cả phải chăng, bỏ bớt những thức ăn phụ và chịu khó tính toán vừa đủ theo khẩu phần, tránh không để thừa phí. Xem này, tôi đã trở thành thư ký gia đình rồi đấy – chị Hòa cười tươi, tay đưa ra cuốn sổ tay ghi chép chi chít các khoản mục chi tiêu hàng ngày…
Giá cả tăng vọt cũng khiến cho gia đình anh Nông Văn Tiến ở Khòn Pát, Mai Pha có sự điều chỉnh đáng kể trong sinh hoạt hàng ngày. Vốn là một gia đình nông dân song có thu nhập khá cao từ kinh doanh dịch vụ máy xay xát, vận tải nên lâu nay việc mua thức ăn hàng ngày ít khi được mọi người để ý. Nay, sau hai tuần hạch toán, không thấy dư đồng nào, anh đành “thống nhất” với vợ là giảm bớt tụ tập ăn uống; tận dụng mảnh vườn nhà bỏ không để trồng rau xanh. Cứ tưởng chuyện mua mớ rau ăn hàng ngày là nhỏ, bây giờ tự trồng rau ăn, mỗi ngày tính ra cũng tiết kiệm hơn 10 nghìn đồng đấy – anh Tiến nói hào hứng.
Khi hầu hết mọi nhà thắt chặt chi tiêu thì việc kinh doanh của các tiểu thương cũng không còn thuận lợi. Nhiều người bán thịt lợn ở khu vực chợ Giếng Vuông cho biết khối lượng thịt lợn bán được hàng ngày giảm chỉ còn 2/3 so với bình thường trước đây. Những chủ hàng kinh doanh hoa quả cho biết cũng đang phải đối mặt với tình trạng như vậy.
Thời gian gần đây, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã xúc tiến nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát và kiềm chế tăng giá… góp phần bình ổn thị trường. Đáng ghi nhận là giá gạo – mặt hàng được coi là quan trọng nhất của nhóm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn cơ bản không biến động. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng hiện nay vẫn ở mức cao. Thông thường, vào những tháng cuối năm, các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, đường, bánh kẹo vẫn có sự tăng giá. Vì thế, ngoài sự nỗ lực quản lý thị trường, kiềm chế lạm phát của Chính phủ và các ngành chức năng, người tiêu dùng cũng cần điều chỉnh kế hoạch chi tiêu một cách sáng tạo, phù hợp.
Xuân Hoàng
Ý kiến ()