Thị xã Long Khánh (Đồng Nai): Tìm hướng đi cho phát triển công nghiệp
Cùng với mục tiêu chung của tỉnh Đồng Nai là phấn đấu trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa vào năm 2015, thị xã Long Khánh đang tập trung nhiều giải pháp để chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp thu hút đầu tư, nhằm phát triển xứng tầm và bền vững.
Cùng với mục tiêu chung của tỉnh Đồng Nai là phấn đấu trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa vào năm 2015, thị xã Long Khánh đang tập trung nhiều giải pháp để chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp thu hút đầu tư, nhằm phát triển xứng tầm và bền vững.
Hệ thống giao thông ở thị xã Long Khánh được đầu tư |
Thị xã Long Khánh từ lâu đã là vùng phát triển đô thị nhanh, các hoạt động dịch vụ thương mại cũng sôi động không kém so với những trung tâm kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cùng với đó, thị xã Long Khánh cũng là địa bàn phát triển sản xuất nông nghiệp mạnh trong những năm qua, bởi nơi đây có một truyền thống thâm canh cây công nghiệp nổi tiếng của Đồng Nai như các loại cây cao su, hồ tiêu, cà phê. Long Khánh cũng được biết đến với những loại cây ăn quả như chôm chôm, sầu riêng, xoài, măng cụt…nổi tiếng khắp cả nước. Để phục vụ hiệu quả cho ngành sản xuất nông nghiệp, thị xã Long Khánh đã có ngành sửa chữa, mua bán máy nông nghiệp và phụ tùng cơ giới sản xuất nông nghiệp rất phát triển với hàng trăm cơ sở lớn nhỏ.
Từ năm 2006- 2007, trên địa bàn thị xã Long Khánh đã bắt đầu hình thành những cụm công nghiệp đầu tiên, đây cũng là cơ sở và điều kiện tốt để thị xã Long Khánh thực hiện quá trình chuyển dịch cơ cấu phát triển công nghiệp. Đồng chí Trần Mộng Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Long Khánh cho biết, giai đoạn 2010-2015, xác định cơ cấu của thị xã Long Khánh là thương mại dịch vụ chiếm từ 52% đến 53%; công nghiệp và xây dựng chiếm từ 38% đến 39%; nông nghiệp từ 8% đến 9%. Tuy giá trị của ngành công nghiệp hiện nay chiếm tỷ lệ 25% trong cơ cấu kinh tế của thị xã Long Khánh, nhưng nó cũng đã góp phần vào sự tăng trưởng chung của kinh tế địa phương hàng năm, đó là từ 17% đến 18%/năm.
Ngoài ra, sự phát triển công nghiệp ở thị xã Long Khánh đã góp một vai trò tích cực vào việc giải quyết nguồn nhân lực lao động của địa phương. Với khoảng 900 cơ sở sản xuất lớn nhỏ trên địa bàn thị xã, đã có trên 12 nghìn lao động tham gia làm việc tại các cơ sở này và điều quan trọng hơn cả, lao động chủ yếu là người của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển công nghiệp, thị xã Long Khánh cũng gặp phải không ít khó khăn.
Để đẩy nhanh việc phát triển công nghiệp trên địa bàn thị xã Long Khánh, địa phương này đã tiến hành qui hoạch hai khu công nghiệp tập trung là Khu công nghiệp Long Khánh và Khu công nghiệp Suối Tre. Hiện nay, hai khu công nghiệp này, cơ sở hạ tầng đã cơ bản được đầu tư xây dựng, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các nhà đầu tư đến nơi này thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh.
Khu công nghiệp Long Khánh được thành lập vào năm 2007, với diện tích qui hoạch là 330 ha, trong đó có 190 ha đất cho thuê phát triển sản xuất, mặc dù hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, diện tích được thu hồi cũng đã đạt 260 ha từ những diện tích trồng cao su, tuy nhiên khu công nghiệp này mới thu hút được hai nhà đầu tư đến sản xuất với diện tích khoảng 5ha. Theo lãnh đạo của chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Long Khánh thì mặc dù có vị trí thuận lợi, nằm ngay bên cạnh quốc lộ 1A, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu chọn lực vị trí xây dựng nhưng rồi lại không quay trở lại. nguyên nhân được cho là do tác động của suy giảm kinh tế, cùng với các chính sách chung trong khu công nghiệp này chưa thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư.v.v…
Ông Lê Văn Hùng, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Khu công nghiệp Long Khánh cho biết, trước đây, các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp được Nhà nước cho miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, sau này chính sách đó đã không còn, đây là yếu tố làm hạn chế việc các doanh nghiệp vào thuê đất tại các khu công nghiệp. Ngoài ra, do tình hình kinh tế khó khăn, nên các doanh nghiệp, mà chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có số vốn khá hạn chế do đó đã không thể bỏ vốn một lần để đầu tư xây dựng, chính vì vậy, nhà đầu tư thuê đất trả tiền hàng năm cho khu công nghiệp thì chính khu công nghiệp cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.
Công ty cổ phần chế biến gỗ cao su Đồng Nai là doanh nghiệp đầu tiên xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến gỗ đầu tiên tại Khu công nghiệp Long Khánh. Sản xuất gỗ là ngành được khuyến khích đầu tư vào khu công nghiệp, phù hợp với chương trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp ở địa phương này, mỗi tháng nhà máy này tiêu thụ khoảng 1 nghìn mét khối gỗ cao su để bán nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến gỗ khác, tuy nhiên, do đầu ra còn hạn chế, nên đến nay doanh nghiệp này mới chỉ có 160 lao động với tổng vốn đầu tư là 30 tỷ đồng so với kế hoạch hoàn thiện dự án là 140 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Khang, Trưởng Phòng kinh doanh Công ty cổ phần chế biến gỗ cao su Đồng Nai cho biết, hiện nay giá nguyên liệu gỗ cao su mua vào lên giá cao so với trước đây, nhưng sản phẩm tiêu thụ lại chậm do thị trường tại một số quốc gia truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy công suất của nhà máy không thể tăng và nguồn lao động cũng chưa thu hút được nhiều.
Ngoài hai đơn vị đang sản xuất tại Khu công nghiệp Long Khánh thì đơn vị chủ đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp này cũng mới xây dựng được một nhà máy xử lý nước thải tập trung với nguồn vốn trên 20 tỷ đồng, nhưng do không đủ số lượng nước để xử lý nên thời gian hoạt động của nhà máy này là rất ít, cho thấy việc thu hút đầu tư vào khu công nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Khu công nghiệp Suối Tre được hình thành trên cơ sở hợp nhất từ ba cụm công nghiệp trước đây vào tháng 3/2012. Hiện nay, cơ sở hạ tầng của khu công nghiệp này đang được triển khai khá thuận lợi, với tổng diện tích 150 ha, trong đó diện tích cho thuê là 95 ha. Ông Nguyễn Minh Huy, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Sonadezi An Bình, đơn vị chủ đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Suối Tre cho rằng do chính sách ưu đãi không có gì khác biệt hơn với các địa bàn ngoài khu công nghiệp tập trung, nên các doanh nghiệp cũng không mặn mà đầu tư vào trong khu vực này.
Có thể thấy, Khu công nghiệp Suối Tre nằm trên địa bàn thị xã Long Khánh có một vị trí khá thuận lợi, đó là cách quốc lộ 1A khoảng nửa km, gần các cảng sông, cảng biển lớn trong khu vực, nhất là gần sân bay quốc tế Long Thành sắp được khởi công, đây là một lợi thế rất lớn của khu công nghiệp này trong quá trình thu hút đầu tư. Hiện nay, Khu công nghiệp Suối Tre đã thu hút được bảy nhà đầu tư với tổng diện tích là 15 ha, bao gồm ba nhà đầu tư nước ngoài và bốn nhà đầu tư trong nước. Cuối năm 2012, nhà máy xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Suối Tre đã được đưa vào vận hành giai đoạn 1 với công suất 1 nghìn mét khối/ngày, đêm, với tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng. Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, công ty chủ quản của Khu công nghiệp Suối Tre áp dụng chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư gồm hai năm miễn phí quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động tại địa phương, hướng dẫn hỗ trợ và hoàn thiện các thủ tục cần thiết, được ưu tiên chọn vị trí đất.
Xác định việc thành lập các khu công nghiệp và thu hút các nhà đầu tư đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp của địa phương, lãnh đạo thị xã Long Khánh luôn có sự gắn kết chặt chẽ với các nhà đầu tư, chính vì vậy, thị xã Long Khánh luôn tổ chức gặp gỡ, trao đổi thông tin với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn và có những giải pháp để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuận lợi, phát triển. Theo đó, các cấp, ngành của địa phương luôn tích cực xử lý những tồn tại trong trách nhiệm của mình để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Đồng chí Trần Mộng Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Long Khánh cho biết thêm, trong thời gian tới, thị xã Long Khánh sẽ tiếp tục đôn đốc các ngành chức năng, chính quyền cơ sở tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư vào địa bàn, quan trọng hơn cả là việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các khu công nghiệp để tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư. Đưa chính sách khuyến công của tỉnh đến với mọi doanh nghiệp, để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với những chính sách này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong môi trường tốt nhất. Tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, trong đó có Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai để tăng khả năng thu hút đầu tư,. Đồng thời có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đến đầu tư vào địa bàn theo đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong phát triển công nghiệp trong thời gian qua, tuy nhiên, qui mô trong lĩnh vực này ở thị xã Long Khánh vẫn còn ở dạng tiềm năng, công nghiệp vẫn còn mang tính tự phát, gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp. Thương mại và dịch vụ vẫn đang là lĩnh vực chi phối nền kinh tế của địa phương này, chính vì vậy, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở thị xã Long Khánh vẫn đang trong giai đoạn bắt đầu. Hiện nay, thị xã Long Khánh đang khuyến khích các ngành công nghiệp sạch phát triển, giá trị kinh tế cao, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Thị xã Long Khánh cũng tạo điều kiện tốt nhất để phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản, duy trì nghề trồng nấm và di dời các cơ sở sản xuất qui mô lớn, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thị.
Được biết, thị xã Long Khánh hiện đang có hơn 90 nghìn người trong độ tuổi lao động và phấn đấu trở thành đô thị loại 3 vào năm 2015. Do đó, việc chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo đúng hướng, phù hợp với địa phương sẽ góp phần khai thác được tiềm năng, đồng thời thu hút được các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển thị xã Long Khánh đúng với lợi thế vốn có của mình.
Dangcongsan
Ý kiến ()