Thi tuyển lãnh đạo, quản lý: Khó nhưng sẽ làm
LSO-Cùng với một số đơn vị, địa phương trong nước đã tổ chức thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Lạng Sơn cũng có nhiều động thái tích cực khởi động công tác này. Tuy nhiên đây là một nội dung mới lại triển khai lần đầu nên không tránh khỏi khó khăn trước mắt. Nhưng với ý nghĩa của việc thi tuyển đem lại, Lạng Sơn quyết tâm vượt qua khó khăn để thực hiện thành công hình thức này.
Tính đến hết năm 2013, cả nước đã có một số bộ, ngành, địa phương thực hiện thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và cấp sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh. Thành công trong số đó phải kể đến Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông – Vận tải và các tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Nam, Thái Bình, Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Sau tổ chức, các bộ và các địa phương đánh giá việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý là một cách làm mới, phát huy được tính dân chủ, công khai và lựa chọn được những cán bộ lãnh đạo, quản lý có tài hơn so với cách làm truyền thống trong công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Hình thức này còn tránh được những hạn chế, tiêu cực, cục bộ, khép kín trong bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý như hiện nay. Để nâng cao một bước trong công tác cán bộ, Lạng Sơn cũng đang nghiên cứu và dự tính áp dụng hình thức này vào thực hiện.
Lãnh đạo một số phòng, ban thuộc Sở Nội vụ tham dự tập huấn xác định vị trí việc làm |
Tuy nhiên, thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý là một nội dung mới, liên quan đến khá nhiều cấp, ngành, lĩnh vực chính vì vậy sẽ không tránh được những khó khăn khi bắt tay vào triển khai, thực hiện. Một trong những khó khăn đầu tiên được đề cập đến đó là công tác cán bộ là sự thống nhất của rất nhiều khâu: từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đánh giá đến bố trí, sử dụng chính sách cán bộ. Trong đó, các khâu đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì thế, nếu tổ chức thi tuyển thì tính thống nhất của các khâu trong công tác cán bộ rất có thể bị phá vỡ. Bởi thi tuyển chỉ thực sự có tác dụng khi có nhiều đối tượng tham gia. Với một chức danh, số cán bộ dự thi không thể chỉ bó hẹp trong số những người nằm trong quy hoạch. Vì vậy nếu tổ chức thi tuyển những đối tượng nằm trong quy hoạch thì sẽ không khách quan, không chọn được nhân tài thực sự nhưng nếu thi mở rộng đối tượng thì sẽ bổ nhiệm cán bộ sai quy định và phá vỡ sự thống nhất trong công tác cán bộ.
Ông Hứa Hải Quỳnh – Giám đốc Sở Nội vụ phân vân: hiện Bộ Nội vụ đang theo dõi quá trình tổ chức, thực hiện thi tuyển của tỉnh Quảng Ninh để rút kinh nghiệm nhân rộng ra phạm vi cả nước. Vậy trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Nội vụ thì Lạng Sơn có nên triển khai, thực hiện trước hay không. Không những thế, việc thi cán bộ, lãnh đạo quản lý ở mỗi cấp, ngành lại có một trình độ chuyên môn khác nhau, vậy thành viên Ban giám khảo, Hội đồng thi tuyển sẽ phải là những người như thế nào, ở cấp, ngành nào để đảm bảo tính khách quan, trung thực. Cùng với đó, liệu việc thi tuyển có đảm bảo chọn được người cán bộ nổi trội về phẩm chất, đạo đức hay không bởi phẩm chất đạo đức của một người cán bộ, không thể đánh giá chính xác trong một thời điểm tức thì qua một, hai vòng thi tuyển.
Với những ý nghĩa đem lại của việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức tỉnh (ngày 8/11/2013), đồng chí Tô Hùng Khoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: việc tổ chức thi sẽ có nhiều khó khăn nhưng đây là một công việc cần thiết phải làm. Đồng chí yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, đưa ra những sáng kiến hay, giúp ích cho việc tổ chức thi tuyển thành công.
Đến thời điểm hiện tại, một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn đã được tiến thành. Ban Chỉ đạo đã tổ chức tham quan việc tổ chức thi tuyển từ tỉnh Quảng Ninh để rút ra một số kinh nghiệm áp dụng tại Lạng Sơn. Sở Nội vụ cũng đã hoàn thiện việc xây dựng “Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc sở và lãnh đạo cấp phòng thuộc UBND cấp huyện” trình Ban Chỉ đạo tỉnh xem xét dựa trên những quy định, tiêu chuẩn về đối tượng và quy trình bổ nhiệm cán bộ. Sở Nội vụ cũng đã rà soát, thống kê xong số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương thuộc sở và UBND cấp huyện đang khuyết để có thể lựa chọn đơn vị, đối tượng thi. Theo đó, toàn tỉnh có 37 vị trí trưởng phòng, 46 vị trí phó trưởng phòng thuộc sở, ban, ngành; 15 trưởng phòng, 20 phó trưởng phòng đang khuyết tại cấp huyện… Với sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trong các khâu trước khi tiến hành thì tin chắc việc thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ vượt qua những rào cản trước mắt và triển khai thành công trên địa bàn Lạng Sơn.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()