Chủ nhật, 24/11/2024 13:13 [(GMT +7)]
Thị trường vật liệu xây dựng: Cung vượt cầu
Thứ 3, 31/07/2012 | 09:43:00 [(GMT +7)] A A
Hiện nay, tỉnh đang tích cực thực hiện nghị quyết của Chính phủ về giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, cộng với chính sách tín dụng nới lỏng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cần nắm thời cơ, cơ cấu lại sản xuất, tranh thủ tìm kiếm thị trường, bạn hàng mới và có chiến lược dài hạn để phát triển ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có cơ chế chính sách ưu tiên sử dụng xi măng và đá xây dựng sẵn có tại địa phương vào các dự án xây dựng đường giao thông và đẩy mạnh hỗ trợ phát triển đường giao thông nông thôn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
LSO-Thời gian gần đây, nằm trong bối cảnh khó khăn chung, lĩnh vực đầu tư công của tỉnh bị thắt chặt và cắt giảm, các dự án khu đô thị mới thực hiện ì ạch, thị trường bất động sản trầm lắng. Hơn nữa, sự gia tăng của các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, càng khiến cho thị trường vật liệu xây dựng của gặp khó trong khâu tiêu thụ.
Sản xuất đá xây dựng tại mỏ đá Thạch Phát xã Yên Vượng (Hữu Lũng)
Tính đến tháng 7/2012, toàn tỉnh có 3 nhà máy sản xuất xi măng với công suất khoảng gần 1,5 triệu tấn/năm, gồm nhà máy xi măng Đồng Bành, huyện Chi Lăng, công suất 910 nghìn tấn/năm; nhà máy xi măng X78, huyện Hữu Lũng, công suất khoảng 100 nghìn tấn/năm và nhà máy xi măng Hồng Phong, huyện Cao Lộc, mới đi vào hoạt động quý II/2012 có công suất 350 nghìn tấn/năm. Những tháng đầu năm 2012, các nhà máy sản xuất xi măng đều hoạt động rất cầm chừng do sức tiêu thụ của thị trường giảm. Hai nhà máy xi măng sử dụng công nghệ lò quay là nhà máy xi măng Hồng Phong và Đồng Bành chỉ hoạt động bằng 70% công suất thiết kế, còn nhà máy xi măng X78 đã dừng sản xuất được 3 tháng nay.
Đối với sản phẩm đá xây dựng và gạch nung cũng trong tình trạng tương tự. Toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở sản xuất gạch nung đang hoạt động sử dụng công nghệ lò tuynel và lò vòng với công suất khoảng 90 triệu viên/năm tập trung chủ yếu ở các huyện Cao Lộc, Hữu Lũng và Bắc Sơn. Ngoài ra, tại các huyện Lộc Bình, Hữu Lũng, Bình Gia cũng đang có 7 nhà máy đang chuẩn bị đầu tư xây dựng với công suất khoảng 144 triệu viên/năm. Như vậy, nếu tất cả các nhà máy này cùng đi vào hoạt động thì Lạng Sơn có khả năng cung ứng cho thị trường sản phẩm gạch nung khoảng 230 triệu viên/năm. Nhưng thực tế nguồn tiêu thụ đối với sản phẩm này cũng đang vấp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các cơ sở sản xuất của tỉnh bạn và sản phẩm gạch không nung rất đa dạng trên thị trường. Ông La Giang Nam, Giám đốc xí nghiệp gạch tuynel Cao Lộc cho biết, đến tháng 7/2012 xí nghiệp sản xuất được khoảng 5 triệu viên nhưng chỉ tiêu thụ được khoảng 3,5 triệu viên, hiện nhà máy chỉ hoạt động bằng 80% công suất.
Về lĩnh vực sản xuất đá xây dựng, hiện toàn tỉnh có 41 giấy phép cho các cơ sở khai thác đang còn hiệu lực và 13 cơ sở đang đầu tư và chuẩn bị đầu tư. Tổng năng lực khai thác của 41 giấy phép có khả năng cung ứng cho thị trường gần 7 triệu m3 đá/năm. Huyện Hữu Lũng có 20 giấy phép khai thác còn hiệu lực với năng lực khai thác khoảng 4,1 triệu m3/năm. Nhưng trong 6 tháng đầu năm năng lực khai thác của các cơ sở đóng trên địa bàn huyện Hữu Lũng chỉ bằng 50% so với thiết kế, lượng đá xây dựng các loại tồn là rất lớn. Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Phong cho biết, hiện doanh nghiệp có 3 cơ sở sản xuất đá xây dựng tại các huyện Hữu Lũng, Cao Lộc và Bình Gia, công suất của 3 điểm khai thác khoảng 500 nghìn m3 đá các loại/năm, nhưng các cơ sở khai thác hiện hoạt động rất cầm chừng. Trong 6 tháng đầu năm 2012, các cơ sở của công ty sản xuất được khoảng 160 nghìn m3 nhưng doanh nghiệp chỉ tiêu thụ được khoảng 72 nghìn m3 đá xây dựng các loại. Thị trường tiêu thụ quá chậm, nguồn cung toàn tỉnh đối với mặt hàng này là rất lớn, do vậy doanh nghiệp đã cắt giảm 40 lao động tại các cơ sở khai thác.
Hiện nay, tỉnh đang tích cực thực hiện nghị quyết của Chính phủ về giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, cộng với chính sách tín dụng nới lỏng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cần nắm thời cơ, cơ cấu lại sản xuất, tranh thủ tìm kiếm thị trường, bạn hàng mới và có chiến lược dài hạn để phát triển ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có cơ chế chính sách ưu tiên sử dụng xi măng và đá xây dựng sẵn có tại địa phương vào các dự án xây dựng đường giao thông và đẩy mạnh hỗ trợ phát triển đường giao thông nông thôn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Công Quân
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()