Thị trường Tết Nguyên đán: Không khan hàng, sốt giá
Người dân TP Hồ Chí Minh mua sắm hàng hóa trong dịp Tết Quý Tỵ. Bộ Tài chính vừa có những đánh giá tổng quát về tình hình thị trường, giá cả những ngày trước Tết Quý Tỵ năm 2013. Theo đó, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm nay dồi dào về số lượng, đa dạng chủng loại, phong phú về bao bì đóng gói, đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Đặc biệt, tuy có tăng nhẹ vào những ngày cận Tết, nhất là ngày 28, 29 Tết Âm lịch nhưng mức tăng không quá cao và không xảy ra hiện tượng sốt giá do thiếu hàng, giá thị trường cơ bản ổn định.Đánh giá về tình hình cho thấy, đầu tháng 1, thị trường đã nhộn nhịp hơn nhưng sức mua chưa cao mà sức mua chỉ bắt đầu tăng mạnh hơn từ trung tuần tháng 1 và những ngày đầu tháng 2, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng dịp Tết. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đã chủ động triển khai dự trữ, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết từ...
Người dân TP Hồ Chí Minh mua sắm hàng hóa trong dịp Tết Quý Tỵ. |
Bộ Tài chính vừa có những đánh giá tổng quát về tình hình thị trường, giá cả những ngày trước Tết Quý Tỵ năm 2013. Theo đó, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm nay dồi dào về số lượng, đa dạng chủng loại, phong phú về bao bì đóng gói, đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Đặc biệt, tuy có tăng nhẹ vào những ngày cận Tết, nhất là ngày 28, 29 Tết Âm lịch nhưng mức tăng không quá cao và không xảy ra hiện tượng sốt giá do thiếu hàng, giá thị trường cơ bản ổn định.
Đánh giá về tình hình cho thấy, đầu tháng 1, thị trường đã nhộn nhịp hơn nhưng sức mua chưa cao mà sức mua chỉ bắt đầu tăng mạnh hơn từ trung tuần tháng 1 và những ngày đầu tháng 2, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng dịp Tết. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đã chủ động triển khai dự trữ, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết từ nhiều tháng trước nên đến thời điểm này về cơ bản hàng hóa đã được tập kết đầy đủ, lưu thông thông suốt và đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn cả nước; không có địa phương nào để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa. Theo báo cáo của Bộ Công thương, hàng hóa Tết đã được lên kế hoạch chuẩn bị với giá trị cao hơn mức tiêu thụ của tháng thường từ 15 đến 20% và cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5 đến 10%. Ước tính giá trị hàng hóa cả nước chuẩn bị cho một tháng tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán khoảng 170 đến 180 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, hàng hóa Việt Nam được bày bán trên thị trường Tết đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, hình thức đẹp, khá hấp dẫn người tiêu dùng, tiếp tục chiếm lĩnh thị trường trong nước, làm cho hàng hóa nhập khẩu phục vụ Tết giảm mạnh. Ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn như Big C, Co.opmart, Vinatex Mart, Fivimart, Intimex…, lượng hàng hóa Tết mang thương hiệu Việt chiếm đến 90% như: bánh kẹo, các loại mứt, trái cây, thực phẩm khô (tôm mực, miến, mộc nhĩ, măng…), lương thực, thực phẩm, hàng may mặc. Theo nhận định của nhiều người tiêu dùng, các sản phẩm hàng hóa trong nước đã có uy tín, ngày càng có những cải tiến về chất lượng, mẫu mã, phong phú về chủng loại, chất lượng tốt với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả phù hợp với túi tiền của nhiều phân khúc tiêu dùng nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Bên cạnh chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tiêu dùng Tết, các loại hình dịch vụ phục vụ Tết như du lịch, làm đẹp, cắt tóc… cũng được các cơ sở kinh doanh tăng cường phục vụ. Đặc biệt, dịch vụ vận tải hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết cũng được các doanh nghiệp vận tải chủ động tăng cường thông qua việc huy động tăng thêm đầu phương tiện, tăng chuyến, mở thêm tuyến đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong những ngày giáp Tết của người dân. Đối với dịch vụ du lịch, nắm bắt xu hướng người dân ngày càng thích đi du lịch vào dịp Tết Nguyên đán, xu hướng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam dịp Tết Nguyên đán và Việt kiều về quê ăn Tết cũng tăng cao hơn nên các địa điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu du lịch những ngày nghỉ Tết. Giá tua du lịch dịp Tết Nguyên đán 2013 cơ bản không tăng so với năm 2012.
Giống như các năm trước, các địa phương, DN, nhất là DN tham gia chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường cũng tổ chức nhiều hoạt động kinh doanh phong phú thu hút người tiêu dùng như tổ chức các Hội chợ Xuân ở thành phố, tổ chức các phiên chợ Việt, tổ chức các chuyến hàng lưu động về nông thôn, tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, kéo dài thời gian mở cửa bán hàng trong ngày, bán hàng qua điện thoại, giao hàng tại nhà… Hầu hết các DN đều tổ chức tăng thêm mạng lưới, mở thêm điểm bán hàng đến các khu dân cư, các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa. Một số hệ thống thương mại dự kiến mở cửa bán hàng sớm, thậm chí từ ngày mồng 1 Tết để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sau Tết của người dân.
Nhìn chung, giá cả thị trường trong dịp Tết có tăng nhẹ nhưng không có hiện tượng thiếu hàng gây “sốt” giá xảy ra. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1-2013 của cả nước tăng 1,25% là mức tăng không quá cao khi đang là thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, ngoại trừ nhóm dịch vụ y tế tăng cao do một số địa phương điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước thì chỉ số giá tiêu dùng tháng 1-2013 đã phản ánh diễn biến tăng của một số nhóm hàng tiêu dùng cho Tết như lương thực, thực phẩm… Những ngày cận Tết, giá thị trường một số mặt hàng tiếp tục nhích tăng nhẹ như lương thực (gạo nếp, gạo đặc sản…), thực phẩm (thịt bò, gà,…), đồ uống (bia, rượu…), trong khi nhiều mặt hàng vẫn cơ bản ổn định hoặc giảm như: giá LPG sau khi giảm khoảng từ 12.276 – 13.100 đồng/bình 12 kg từ ngày 1-2 đến nay vẫn ổn định; nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc chương trình dự trữ hàng hóa Tết cơ bản bình ổn và thấp hơn giá thị trường khoảng từ 5 đến 10%; Nhà nước tiếp tục giữ ổn định giá một số loại hàng hóa, dịch vụ cơ bản như: điện, xăng dầu, than cho sản xuất điện, dịch vụ công… trong tháng Tết; đồng thời, chỉ đạo các bộ quản lý ngành, các tổng công ty phải bảo đảm cung ứng đầy đủ, liên tục phục vụ nhân dân đón Tết. Giá thực phẩm rau, củ, quả tương đối ổn định hoặc tăng nhẹ; giá một số loại trái cây bày mâm ngũ quả như chuối xanh, thanh long… và giá hoa có tăng với mức tăng không có quá cao.
Bên cạnh đó, nhiều siêu thị có hệ thống ở nhiều tỉnh không chỉ giữ giá bán hàng ổn định mà còn thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho nhiều mặt hàng nên đã thu hút khách hàng đến mua tăng cao vào ngày cận Tết. Điển hình như hệ thống Co.opmart tổ chức đồng loạt nhiều chương trình khuyến mãi với 2.000 sản phẩm thiết yếu, đồ dùng gia đình, thời trang may mặc dành cho mùa Tết được giảm giá. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Saigon Co.op và Công ty Vissan thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá 10% đối với tất cả các mặt hàng thịt heo; đồng thời, các đơn vị tham gia Chương trình dự trữ hàng bình ổn thị trường tại TP Hồ Chí Minh cũng thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá ngày cận Tết… Giá cước vận tải hành khách bằng phương tiện ô-tô ở nhiều tỉnh, thành phố cũng thực hiện phụ thu thêm từ 20 đến 60% giá vé chiều đông khách so với giá vé bán ngày bình thường để bù cho chiều chạy ngược lại ít khách, và ngành đường sắt áp dụng chính sách tăng giá chiều đông khách trung bình 2 – 5% (mác tàu chẵn) và giảm giá chiều vắng khách 10 đến 50% (mác tàu lẻ).
Nhìn chung, giá thị trường những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ có tăng, nhưng ở mức tăng nhẹ. Sở dĩ như vậy là do lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết, sức mua của thị trường tăng thấp, người dân chi tiêu tiết kiệm hơn năm trước; giá một số hàng hóa dịch vụ thiết yếu cho sản xuất và đời sống được giữ ổn định. Thêm vào đó, chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường được triển khai có hiệu quả, và các bộ, ngành, các địa phương và DN đã thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp bình ổn thị trường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()