Thị trường tên lửa và phòng thủ tên lửa toàn cầu phát triển mạnh, đạt 67,5 tỷ USD vào năm 2033
GlobalData dự báo thị trường tên lửa và phòng thủ tên lửa toàn cầu sẽ có bước tăng trưởng đáng kể trong 10 năm tới, đạt mức 67,5 tỷ USD vào năm 2033.
Theo báo cáo “Dự báo thị trường tên lửa và phòng thủ tên lửa toàn cầu giai đoạn 2023-2033” của GlobalData, thị trường dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) 4,1%. Báo cáo nhấn mạnh sự thống trị của phân khúc các nền tảng phòng thủ tên lửa và phân tích phân bổ thị phần theo khu vực.
Nền tảng phòng thủ tên lửa chiếm lĩnh thị trường
GlobalData dự báo với mức tăng trưởng kép hằng năm 4,1%, thị trường sẽ phát triển từ mức 45,2 tỷ USD vào năm 2023 lên 67,5 tỷ USD vào năm 2033. Chi phí thị trường tích lũy cho tên lửa và hệ thống phòng thủ tên lửa được xác định ở mức 655,2 tỷ USD trong giai đoạn dự báo. Các yếu tố thúc đẩy triển vọng này gồm việc các quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh xuất hiện nhiều mối đe dọa an ninh quốc gia. Theo James Marques, chuyên gia phân tích hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh tại GlobalData, “việc sử dụng tên lửa hành trình tầm xa, đặc biệt là trong xung đột ở Ukraine trong các trường hợp tác chiến khác nhau, cho thấy giá trị to lớn khi có được sức mạnh tấn công chính xác ở tầm xa…”.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD của Mỹ. Ảnh: defence-ua.com |
Thị trường tên lửa và phòng thủ tên lửa bao gồm 9 phân khúc: Tên lửa tấn công mặt đất chiến lược, tên lửa tấn công mặt đất thông thường, tên lửa dẫn đường chống tăng (ATGM), tên lửa chống hạm (AShM), tên lửa dò bức xạ, tên lửa phòng không, hệ thống các nền tảng phòng thủ tên lửa, tên lửa vác vai (MANPAD), và hệ thống tên lửa tầm ngắn.
Trong 9 phân khúc nói trên, nền tảng phòng thủ tên lửa dự kiến sẽ chiếm lĩnh thị trường với 39,6% thị phần chung. Phân khúc tên lửa phòng không đứng thứ hai với 24,6% thị phần. Châu Âu dự kiến sẽ thống trị thị trường này với 30,8% thị phần, theo sau là khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Bắc Mỹ, lần lượt chiếm 28,9% và 25,8% thị phần.
Về khía cạnh quốc gia, Mỹ đứng đầu với hệ thống tên lửa phòng không, tên lửa tấn công mặt đất chiến lược và tên lửa tấn công mặt đất thông thường. Một số hợp đồng đáng chú ý của Mỹ mới ký kết tháng trước gồm hợp đồng trị giá 1,15 tỷ USD giữa Mỹ và các nước đồng minh ký kết với Raytheon nhằm phát triển tên lửa không đối không AMRAAM thế hệ mới và hợp đồng Mỹ phê duyệt bán 48 khẩu đội Patriot cho Ba Lan trị giá 15 tỷ USD.
Các nước tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa
Theo ông James Marques, “Tên lửa rất quan trọng đối với bất kỳ nỗ lực quân sự lớn nào. Cùng với cuộc xung đột Nga-Ukraine, Biển Đông và căng thẳng khu vực Đông Á cũng khiến tên lửa trở nên đặc biệt quan trọng”. Có thể thấy rõ điều này qua việc các nước châu Âu liên tục cung cấp các loại tên lửa cho Ukraine và Nhật Bản tìm cách phát triển tên lửa nội địa song song với thúc đẩy ký kết hợp đồng mua tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.
Hệ thống tên lửa đất đối không Iron Dome, Patriot và một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Arrow 3 tại buổi họp báo về cuộc tập trận Cobra tại căn cứ không quân Hatzor (Israel) ngày 25-2-2016. Ảnh: The Times of Israel |
Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc dẫn đầu với các nền tảng phòng thủ tên lửa, tên lửa tấn công mặt đất chiến lược và tên lửa dò bức xạ. Ấn Độ đứng ở vị trí thứ hai với các nền tảng phòng thủ tên lửa, tên lửa tấn công mặt đất chiến lược và tên lửa tấn công mặt đất thông thường. Hàn Quốc cũng rất mạnh về hệ thống phòng thủ tên lửa, tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm. Ngày 30-5 vừa qua, Hàn Quốc đã thử nghiệm thành công hệ thống đánh chặn tên lửa đất đối không tầm xa (L-SAM) mới có độ cao đánh chặn gần gấp đôi tên lửa Patriot của Mỹ.
Các quốc gia khác đóng góp đáng kể vào thị trường tên lửa và phòng thủ tên lửa gồm Nga, Đức, Ba Lan, Brazil, Saudi Arabia và Israel. Mỗi quốc gia đều có các phân khúc hàng đầu tính trên giá trị mua sắm. Tháng trước, Đức mua hệ thống tên lửa phòng thủ tên lửa đạn đạo siêu thanh ngoài khí quyển Arrow 3 của Israel với tổng giá trị hợp đồng 4,3 tỷ euro (4,72 tỷ USD). Hợp đồng do Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ IAI thực hiện.
Báo cáo của GlobalData cũng cung cấp những thông tin có giá trị về 2 phân nhánh “tên lửa” và “phòng thủ tên lửa” trong tương lai cũng như các quốc gia dự kiến sẽ tham gia vào hoạt động thúc đẩy tăng trưởng thị trường. Trong giai đoạn dự báo, phân nhánh tên lửa dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép 4,2%, trong khi phân nhánh phòng thủ tên lửa sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép 3,9%. Chi tiêu tích lũy cho cả hai phân nhánh này sẽ đạt 67,5 tỷ USD vào năm 2033.
Việc các quốc gia tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa của mình khi thế giới đang chứng kiến những diễn biến địa chính trị phức tạp là lý do khiến thị trường tên lửa và phòng thủ tên lửa có xu hướng phát triển mạnh trong thời gian tới.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/thi-truong-ten-lua-va-phong-thu-ten-lua-toan-cau-phat-trien-manh-dat-67-5-ty-usd-vao-nam-2033-733766
Ý kiến ()