Thị trường tám tỷ USD cần một “bệ đỡ”
Việc “tỵ nạn pháp lý”, theo Viện trưởng Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng, thể hiện một môi trường pháp lý “tranh tối, tranh sáng” qua đó sẽ tạo ra những rủi ro và bất lợi dài hạn cho cả doanh nghiệp Fintech lẫn Nhà nước.
Trong khi đó Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã nhắc đến khái niệm khung thể chế kiểm thử (Regulatory Sandbox) đồng thời cũng nêu rõ sớm ban hành khung thể chế kiểm thử đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. Đây được coi là một “bệ đỡ” cho các khởi nghiệp (start-up) sáng tạo.
Khung thể chế kiểm thử là gì?
TS. Trần Thị Quang Hồng, Trưởng Ban Nghiên cứu pháp luật Dân sự – Kinh tế, Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp cho biết, thuật ngữ “khung thể chế kiểm thử” dùng để chỉ một môi trường pháp lý để thử nghiệm các ứng dụng công nghệ được chọn lọc mà về lý thuyết thì sẽ không thể thực hiện được trong khuôn khổ các quy định pháp luật hiện hành.
Khung thể chế kiểm thử cho phép người thử nghiệm các ứng dụng mới được miễn thực thi một số quy tắc pháp luật trong một khoảng thời gian giới hạn và trong một số trường hợp có thể là trong một khu vực địa lý cố định với sự giám sát, hỗ trợ của cơ quan quản lý.
Cách làm này giúp cho những người xây dựng các ứng dụng trên nền tảng công nghệ mới có thể triển khai được các ý tưởng của mình trong khi môi trường pháp luật chung chưa cho phép, qua đó có cơ hội chứng minh những lợi ích về mặt kinh tế – xã hội mà công nghệ mới có thể mang lại.
Cách làm này đồng thời cũng cho phép cơ quan nhà nước kiểm nghiệm, đánh giá những khía cạnh công nghệ mới chưa được pháp luật dự liệu, để từ đó xây dựng các quy tắc pháp lý thích hợp, có thể là cấm, cho phép có kiểm soát hoặc cho phép ứng dụng rộng rãi.
Khung thể chế kiểm thử có thể được xem như một không gian pháp lý trong đó công nghệ mới có thể được thử nghiệm mà không bị cản trở bởi những yêu cầu về cấp phép, về những điều kiện kinh doanh không phù hợp hoặc bởi sự thiếu vắng khung pháp lý tương ứng. Việc miễn những ràng buộc về giấy phép hay điều kiện kinh doanh không có nghĩa là miễn trừ trách nhiệm về mặt dân sự hay các trách nhiệm khác trước pháp luật.
Không gian này bảo đảm hoạt động thử nghiệm được tiến hành trong một phạm vi có thể kiểm soát được, bảo đảm người thử nghiệm cam kết chịu trách nhiệm đối với các hoạt động của mình, hạn chế và ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến xã hội và người tiêu dùng.
Với những đặc tính như vậy, phương thức quản lý này được xem như một phương thức quản lý có thể thích ứng với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhiều hệ quả bất lợi khi vắng k hung thể chế kiểm thử
Việc thiếu vắng khung thể chế kiểm thử, theo Viện trưởng IPS Nguyễn Quang Đồng, sẽ tạo ra môi trường pháp lý “tranh tối, tranh sáng”, qua đó sẽ tạo ra nhiều hệ quả bất lợi dài hạn cho cả các khởi nghiệp và cả Nhà nước.
Đầu tiên là tạo ra tình trạng “tỵ nạn pháp lý” như đã nêu ở đầu bài viết. Theo đó sẽ khiến các start-up gia tăng chi phí pháp lý, bỏ lỡ các ưu đãi, hỗ trợ từ trong nước. Hạn chế lớn nhất vẫn là làm giảm niềm tin trong dài hạn với hệ thống pháp lý trong nước, với hệ thống chính sách và pháp quyền Việt Nam.
Hơn nữa, tình trạng “tranh tối, tranh sáng” còn không thể tránh khỏi việc tạo ra các “thị trường phi chính thức”, đặc biệt là trong lĩnh vực Fintech do cung và cầu thị trường về các sản phẩm Fintech là có thật.
Tình trạng này dẫn đến một loạt rủi ro cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, bao gồm: tăng nguy cơ bị lừa đảo và gia tăng các loại tội phạm tài chính; khi tranh chấp xảy ra thì không có ai bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dùng; tạo ra tâm lý kinh doanh “chụp giật” do doanh nghiệp không có đủ niềm tin về việc được bảo vệ cho kinh doanh dài hạn, hợp pháp.
Đáng chú ý là vấn đề thất thoát thuế, khi chủ doanh nghiệp là người Việt Nam nhưng đăng ký pháp nhân nước ngoài, nguồn thuế chính thức (như thuế thu nhập doanh nghiệp…) sẽ thuộc về nước ngoài thay vì Việt Nam.
Ngoài ra, đối với các thị trường tiềm năng mới của kinh tế chia sẻ, động lực phát triển sẽ bị thu hẹp đáng kể. Các thị trường này là nơi mà các hoạt động kinh doanh cần phải gắn liền với thực thể “vật lý” (physical), trong khi các dịch vụ xuyên biên giới (như mua bán năng lượng ngang hàng – P2P energy trading…) lại gắn chặt với môi trường kinh doanh địa phương. Do đó, khi một loạt các rào cản nêu trên không được giải quyết thì lĩnh vực này khó có thể phát triển.
Cần một hành lang pháp lý cụ thể hơn
Trong một vài năm trở lại đây, khung thể chế kiểm thử là một trong những vấn đề được đề cập khá nhiều trong các diễn đàn chính sách về phát triển công nghệ ở Việt Nam. Các khởi nghiệp sáng tạo và chuyên gia thường xuyên đề xuất về mô hình này và bản thân các nhà quản lý cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc xây dựng các khung thể chế kiểm thử.
Trước Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 12-8-2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, trong đó khẳng định quan điểm “thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ”.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, các khung thể chế kiểm thử để thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới dường như vẫn vắng bóng ở Việt Nam. Sự vắng bóng các khung thể chế kiểm thử cho thấy mặc dù đã có sự đồng thuận về mặt ý chí, việc triển khai trên thực tế còn gặp nhiều vướng mắc.
Theo TS Trần Thị Quang Hồng, để có thể phát triển các khung thể chế kiểm thử ở Việt Nam, cần những hành lang pháp lý cụ thể hơn và cần có sự trao quyền mạnh mẽ cũng như xác định trách nhiệm rõ ràng hơn cho các bộ, ngành.
“Với tư cách là những cơ quan chấp hành pháp luật, nếu không có những yêu cầu về trách nhiệm và những quy tắc miễn trừ nhất định, các cơ quan nhà nước có thể không có động lực trong việc triển khai xây dựng khung thể chế kiểm thử trong lĩnh vực quản lý của mình” – Trưởng Ban Nghiên cứu pháp luật Dân sự – Kinh tế Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) giải thích.
Cũng theo TS Hồng, việc triển khai khung thể chế kiểm thử cũng đòi hỏi cơ quan quản lý phải vượt qua chức năng thực thi pháp luật thông thường và có sự chủ động nhất định trong việc tiến hành các biện pháp quản lý cụ thể do khung thể chế kiểm thử chỉ áp dụng đối với những vấn đề phát sinh từ công nghệ mới, chưa có quy tắc pháp lý cụ thể điều chỉnh hoặc quy tắc hiện hành không phù hợp.
Đồng thời, “sự chủ động đó phải có những ràng buộc nhất định để bảo đảm quá trình thử nghiệm được thực hiện công bằng, hiệu quả và đồng bộ, tránh lạm quyền, phục vụ được cho mục tiêu là không làm mất cơ hội ứng dụng công nghệ mới do các quy tắc pháp luật chậm được ban hành hay thay đổi, đồng thời qua đó xác định được các yêu cầu thay đổi pháp luật phù hợp với yêu cầu điều chỉnh các vấn đề phát sinh từ công nghệ mới sau thử nghiệm” – TS. Trần Thị Quang Hồng nói.
Ý kiến ()