Thị trường sách giáo khoa vào vụ mới
LSO-Chỉ còn ít ngày nữa là học sinh chính thức bước vào năm học mới (2013-2014). Trong những ngày tháng Tám này, thị trường sách giáo khoa (SGK) và giấy vở, đồ dùng học sinh trên địa bàn toàn tỉnh nói chung tại thành phố Lạng Sơn nói riêng đã chính thức vào vụ…
Khách hàng đến mua sách giáo khoa và đồ dùnghọc sinh tại cửa hàng 31 Nguyễn Tri Phương – thành phố Lạng Sơn |
Tại cửa hàng 153, đường Bắc Sơn, thành phố Lạng Sơn, vào ngày thứ Bảy, nhiều phụ huynh ở phường Hoàng Văn Thụ và khu vực lân cận dẫn con em mình đi mua sắm. Vừa cùng đứa con trai kháu khỉnh lựa chọn chiếc cặp ưng ý nhất, chị Nguyễn Thị Lan (phường Hoàng Văn Thụ) nói với chúng tôi: “cháu đòi đi mua cặp và sách vở từ tháng bảy, song tôi dỗ cháu để ít ngày nữa, nhiều loại cặp đẹp sẽ về. Hôm nay dẫn cháu đi để tự cháu lựa chọn theo ý mình.” Rút tiền trong túi đếm trả 195 ngàn đồng, nhìn đứa con tung tăng với chiếc cặp mới sau lưng, chị nở nụ cười rất tươi. Thấy tôi nói là cặp hơi to so với vóc dáng của cháu, chị nhân viên cửa hàng nhanh nhảu: “không to đâu, phải như thế cháu mới mang hết các thứ từ sách vở, bảng, hộp bút đến… chai nước và đồ chơi. Ở đây còn có loại cặp kéo như va ly du lịch, có giá trên 220 ngàn đồng. Các cháu lớp 2, lớp 3 mặc đồng phục mà dùng thống nhất toàn loại này thì nhìn như những… tiếp viên hàng không”. Chị cho biết, mặt hàng đồ dùng học sinh năm nay gồm đủ các hãng khác nhau, nhưng chủ yếu là của các công ty Việt Nam; mẫu mã rất đa dạng và phong phú, nhìn loại nào cũng đẹp, còn giá cả phụ thuộc vào chất lượng và dao động từ 120 ngàn đồng đến 250 ngàn đồng. Đối với giấy vở học sinh, năm nay cũng có nhiều chủng loại vừa đẹp, vừa tốt. Nếu giá vở viết loại 64 trang của hãng Việt Tiến có giá từ 5.500 đồng đến 6.300 đồng, thì các loại khác cũng chỉ dao động từ 3.700 đồng đến 4.500 đồng.
Chúng tôi đến cửa hàng SGK số 31 Nguyễn Tri Phương trong khi cả chủ và nhân viên đang tất bật, tư vấn và chọn SGK, đồ dùng học sinh cho khách hàng. Thấy tôi quan tâm đến giá SGK, chị Hoàng Thị Lành ở Đình Lập chỉ 2 gói sách vừa mua nói: “vợ chồng em mua 2 bộ, bộ SGK lớp 4 gồm 23 cuốn có giá 255.300 đồng, một bộ sách lớp 11 gồm 25 cuốn có giá 249 ngàn đồng”. Khi được hỏi tại sao không mua tại thị trấn Đình Lập, chị vui vẻ: “thôi thì tiện là mua, hơn nữa mua ở thành phố với hy vọng sách “thật” hơn, giá cả tốt hơn. Vả lại chúng em đi công tác về, cho con bộ SGK thay như quà bố mẹ đi xa mua về”. Khi được hỏi về tình hình thị trường SGK năm nay, chị Đỗ Thị Tính, chủ cửa hàng nói rằng cũng có tăng hơn năm ngoái chút ít, ví dụ như tập sách lớp 4 này năm ngoái cũng đã ở mức 240 ngàn đồng. Chị nói thêm: “anh tính thời buổi này cái gì cũng tăng, đối với SGK như thế cũng là mức vừa phải và người dân chấp nhận được”.
Thị trường SGK vào vụ, các cửa hàng, quán hàng, tranh thủ bung ra kiếm chút lời ở mặt hàng đặc biệt này. Tuy vậy, hầu như đã trở thành nếp văn minh thương mại, các gia đình luôn chọn các cửa hàng có uy tín, có năng lực tư vấn và thái độ phục vụ tận tình để mua sắm. Ở thành phố, bán chạy nhất vẫn là các cửa hàng khu vực gần chợ Đông Kinh. Anh Đỗ Đình Hợi, chồng chị Tính – chủ cửa hàng nói: “ở đây tất cả đã được đóng gói sẵn, ngoài ra còn có sách lẻ trong quầy để khách thoải mái lựa chọn. Trước khi khách mua bọn em sẵn sàng tư vấn một cách tận tình nhất. Ví dụ mua một hộp bút, em hỏi, bút cho lớp mấy và chọn đúng loại bút họ cần tìm. Sau khi mua, nếu có gì chưa vừa ý có quyền mang đến đổi loại khác.
Ở cấp huyện, ngoài một số trường đặt trực tiếp Công ty sách và thiết bị trường học trên cơ sở học sinh đăng ký sách và giấy vở, số còn lại cũng đến cửa hàng SGK ở trung tâm huyện lỵ để mua. Còn các xã xa trung tâm huyện, người dân dựa vào các phiên chợ xã, chợ cụm xã để mua sách. Hiện nay giá sách được bán theo giá bìa, song nhiều bậc phụ huynh vẫn lo mua phải “sách giả”, sách in ngoài luồng có sự khác biệt về chất lượng và nội dung. Vì thế, bậc phụ huynh nào mà kiến thức về giáo dục còn ít thì cần chủ động tìm hiểu qua các kênh thông tin đại chúng và sự tư vấn, hướng dẫn của các thầy, cô giáo.
Sách giáo khoa năm nay không có sự thay đổi bổ sung mới, đây là điều kiện thuận lợi để học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể dùng SGK của năm học trước. Thiết nghĩ, các nhà trường, các phòng GD&ĐT nên chủ động phát động quyên góp SGK cũ ngay từ đầu năm học để có sách tặng học sinh vùng cao, vùng khó khăn. Đây cũng là cơ hội để các nhà trường thể hiện nghĩa cử nhân văn cao đẹp của mình đầu năm học mới.
Ý kiến ()