Thị trường rau xanh ở Hà Nội biến động theo thời tiết
Những trận mưa lớn, xảy ra trên diện rộng trong suốt một tuần qua ở các tỉnh miền bắc đã tác động mạnh đến sản lượng và giá các mặt hàng rau xanh, củ, quả. Tại thị trường Hà Nội, giá các loại rau, củ, quả đã tăng gấp đôi, gấp ba so với tuần trước. Ðiều này cho thấy, sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện thời tiết.
Những trận mưa lớn, xảy ra trên diện rộng trong suốt một tuần qua ở các tỉnh miền bắc đã tác động mạnh đến sản lượng và giá các mặt hàng rau xanh, củ, quả. Tại thị trường Hà Nội, giá các loại rau, củ, quả đã tăng gấp đôi, gấp ba so với tuần trước. Ðiều này cho thấy, sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện thời tiết.
Chiều 6-9, chợ đầu mối rau, củ, quả tại xã Vân Nội (huyện Ðông Anh, Hà Nội) hỗn độn bất thường. Mỗi xe rau ra đến chợ đều bị các tiểu thương vây kín ngay từ cổng. Các tiểu thương phải tranh giành nhau mới lấy được hàng. Việc cò kè, bớt giá giữa tiểu thương và chủ hàng cũng không diễn ra như mọi khi, dù giá rau cao hơn hẳn. Chị Trần Thị Vân, tiểu thương ở thôn Vân Nội, xã Vân Nội đến chợ từ giữa trưa mà đến chiều vẫn chưa lấy đủ hàng, than thở: “Mấy hôm nay buôn bán khó lắm, chẳng có hàng, mà giá rau tăng theo từng ngày. Rau muống hôm trước có giá 6.000 đồng/mớ, hôm sau đã tăng lên 9.000 đồng. Giá đắt, nhưng không có hàng để mà bán”. Bình thường, chị Vân vẫn lấy rau an toàn ở chợ đầu mối Vân Nội, rồi bán lẻ tại chợ Phúc Xá đến khoảng 9, 10 giờ sáng hôm sau mới hết hàng. Nhưng những ngày gần đây, chị chỉ bán đến khoảng 7 giờ 30 phút sáng đã hết sạch. Nhiều người ra chợ muộn, hết rau an toàn phải mua tạm rau ở các hàng khác.
Theo khảo sát của chúng tôi, giá các loại rau xanh tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Ngã Tư Sở, Hôm-Ðức Viên, Phùng Khoang, Nghĩa Tân, Long Biên… những ngày này có nhiều biến động. Giá tăng cao, lượng rau giảm, cơ cấu các loại rau thay đổi. Các loại rau tăng trung bình từ 2 đến 10 nghìn đồng/mớ hoặc kg, trong đó giá một số loại rau ăn lá tăng nhiều nhất, đắt gấp đôi ngày thường. Cụ thể, cà chua tăng từ 15 nghìn đồng/kg lên 25 nghìn đồng; rau muống tăng từ 5 nghìn đồng/mớ lên 10 nghìn đồng; bắp cải tăng từ 15 nghìn đồng/kg lên 20 nghìn đồng… Lượng rau cũng ít hơn, do các loại rau ăn lá thì bị dập nát khá nhiều, các quầy hàng bày bán chủ yếu là các loại củ, quả như bí xanh, khoai tây, bầu ngô, dưa chuột… Các loại rau của Việt Nam ít hơn trước, thay vào đó là các loại rau nhập khẩu từ Trung Quốc như bắp cải, su hào, củ cải đường, cà chua, cà rốt…
Chị Nguyễn Thị Huyền, người buôn rau củ tại chợ đầu mối Long Biên cho biết, mấy ngày này chợ vắng hơn đợt trước. Trời mưa lớn kéo dài là nguyên nhân chính tác động đến giá rau xanh. Lượng rau nhập từ Trung Quốc cũng giảm, do việc vận chuyển từ biên giới về Hà Nội gặp khó khăn do đường bị sạt lở, mưa lũ. Trong khi nhiều diện tích rau ở các huyện ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận bị ngập úng, khiến rau bị hư hỏng, không phát triển được. Nhiều hộ trồng rau ở xã Vân Nội lỗ nặng, nhất là những hộ trồng ở khu chân ruộng thấp, trũng. Người nông dân bị thiệt hại từ một đến hai triệu đồng/sào, do chi phí mua lưới, giấy bóng, khung trồng rau, phân bón, giống… Ngoài ra, đây cũng đang là thời điểm cuối vụ, các loại rau như mồng tơi, rau ngót, cà chua… đều hết, khiến sản lượng rau càng bị giảm. Cung – cầu thiếu cân đối đã đẩy giá rau xanh tăng cao.
Rau xanh ngoài chợ khan hàng, tăng giá, nhưng trong các siêu thị, tình hình lại không có nhiều biến động. Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C Nguyễn Thái Dũng cho biết, giá rau tại hệ thống siêu thị này vẫn ổn định, do đơn vị đã ký kết hợp đồng với các nhà cung ứng, sức mua cũng ổn định. Ngoài việc ký hợp đồng với các nhà cung cấp tại các huyện ngoại thành Hà Nội, Big C còn thu mua nhiều mặt hàng rau, củ từ Ðà Lạt, cho nên nguồn cung cấp các loại rau, củ, quả tại siêu thị vẫn cơ bản ổn định. Siêu thị vẫn đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của khách hàng. Trong trường hợp mưa lớn kéo dài có thể ảnh hưởng đến sản lượng các rau ăn lá, siêu thị sẽ tăng cường, bổ sung bằng các loại củ, quả khác. Tại các siêu thị Fivimart, Intimex, Hapromart, do rau xanh là một trong bảy nhóm hàng nằm trong chương trình bình ổn giá của TP Hà Nội, cho nên giá rau khá ổn định. Bác Trần Thanh Hương, nhà ở phố Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Mấy ngày này giá rau ngoài chợ tăng cao, tôi chuyển sang mua rau ở siêu thị Hapro gần nhà. Giá vẫn như ngày thường, mà lại còn tươi ngon, không bị dập nát như ngoài chợ”. Ðại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro cho biết, giá rau xanh trong hệ thống cửa hàng, siêu thị của đơn vị này vẫn giữ nguyên, nhưng sản lượng tăng cao hơn so ngày thường. Hầu hết các cửa hàng đều bán hết rau ngay trong ngày, nhất là các loại rau cải, rau muống, đậu đỗ… Theo nhận định của các điểm bán rau bình ổn giá, thời gian tới bước vào vụ rau đông, thời tiết thuận lợi hơn, việc sản xuất rau sẽ trở lại bình thường, cho nên giá rau trên thị trường sẽ sớm hạ nhiệt.
Theo đại diện Sở Công thương Hà Nội, sản lượng rau, củ mà thành phố sản xuất được chỉ đáp ứng khoảng 64% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Sản lượng và giá bán nhóm hàng này phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, cho nên rất khó chủ động về nguồn cung và giá bán. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro Chu Xuân Kiên nhận định, giá các loại rau xanh tăng đột biến do thời tiết diễn ra khá thường xuyên, cho nên thành phố cần có một kế hoạch “dài hơi” cho việc bình ổn mặt hàng này. Cụ thể, thành phố phải phát huy được hiệu quả của các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp để ổn định nguồn cung, rút ngắn khâu trung gian để giảm giá thành. Ðồng thời, phải kiểm soát chặt lượng rau củ quả nhập lậu trên thị trường để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, cũng là bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()