Thị trường ôtô ‘nóng’ trước khi hết giảm phí trước bạ dịp cuối năm
Ngày hết hạn giảm 50% phí trước bạ với xe lắp ráp trong nước đang đến gần, nhiều người dân tận dụng thời cơ để mua xe giá rẻ khiến thị trường bốn bánh Việt lại càng ‘nóng’ hơn.
Sau một thời gian dài thực hiện các chương trình giảm giá, ưu đãi, khuyến mại để kích cầu doanh số do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tháng Bảy (Âm lịch), nhiều dòng xe đã bắt đầu tăng giá trở lại.
Cùng với tâm lý mua sắm cuối năm và ngày hết hạn giảm 50% cước phí trước bạ với xe lắp ráp trong nước cận kề, thị trường bốn bánh ở Việt Nam hiện đang khá sôi động.
Giá xe tăng nhẹ
Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ sắp hết hiệu lực vào cuối năm khiến khách hàng tập trung mua ôtô lắp ráp nội địa. Bởi thế, các đại lý cũng ‘tranh thủ’ tăng giá một số mẫu xe.
Trên thị trường, nhiều mẫu xe đã được điều chỉnh tăng giá từ 10-50 triệu đồng. Chẳng hạn, các mẫu xe Hyundai đã tăng từ 10-30 triệu đồng, Mazda tăng từ 10-50 triệu đồng, Toyota tăng 10-20 triệu đồng so với tháng trước.
Trong đó, phải kể đến 3 dòng xe của Mazda bao gồm Mazda CX-5, Mazda CX-8 và All-New Mazda 3, mỗi phiên bản sẽ tăng dao động từ 10-15 triệu đồng so với tháng Chín. Riêng mẫu Mazda CX-5 phiên bản cao cấp nhất 2.5L Signature Premium, tăng mạnh 100 triệu đồng, đưa giá xe lên 999 triệu đồng.
Bên cạnh đó, một số mẫu xe thuộc các thương hiệu khác cũng có mức tăng đáng chú ý. Cụ thể như Hyundai SantaFe tăng 21 triệu đồng; Hyundai Kona và Hyundai Elantra tăng 11 triệu đồng. Hyundai Tucson cũng có mức tăng là 21 triệu đồng và riêng bản xăng tiêu chuẩn tăng 20 triệu đồng.
Đại diện một số đại lý cho rằng thời gian trước đây lực mua giảm nên phải tăng khuyến mãi, giảm giá để kích cầu và khi nhu cầu của người mua tăng thì điều chỉnh giá trở lại. Ngoài ra, với những mẫu xe ‘cháy hàng’ như Kia Seltos hay Toyota Corolla Cross, khách hàng còn phải chờ đợi mới nhận được xe.
Anh Đắc Vương, Giám đốc kinh doanh Mazda Trần Khát Chân cho biết giá xe về cơ bản tăng nhẹ nhưng khách hàng lại được tặng các gói phụ kiện cao cấp có giá từ 20-30 triệu đồng. Do vậy khách hàng mua xe trong những tháng cuối năm nhìn chung vẫn không bị thiệt về giá.
Các hãng xe còn lại mặc dù không công bố bảng giá xe mới nhưng nhìn chung giá tăng nằm trong khoảng từ 10-20 triệu đồng hoặc không còn khuyến mãi. Thực tế cũng cho thấy ở thời điểm này cuộc cạnh tranh về giá ôtô sẽ trở nên sôi động và quyết liệt hơn bao giờ hết. Vì vậy đây chính là cơ hội tốt để khách hàng Việt có thể tham khảo và lựa chọn cho mình một chiếc ôtô ưng ý với giá thành hợp lý.
Chạy nước rút doanh số
Sau khi suy giảm gần 20% dưới ảnh hưởng của COVID-19 và tháng Ngâu, thị trường ôtô tháng Chín đã tăng trưởng trở lại. Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ôtô mới trong tháng Chín đạt 27.252 xe, tăng 32% so với tháng Tám và giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều doanh nghiệp đều có doanh số bán tăng trưởng rất cao so với tháng trước như Toyota tăng 49%, Suzuki tăng 45%, Mitsubishi tăng 46%, KIA tăng 52%, TC Motor tăng 53% và VinFast tăng tới 146% so. Tính chung cả số liệu của VAMA, TC Motor và Vinfast, thị trường xe mới tháng Chín tăng trưởng kỷ lục ở mức 42% so với tháng Tám.
Mức tăng trưởng so với cùng kỳ của tháng Chín được cho là đến từ các mẫu xe mới và chương trình khuyến mãi từ các nhà sản xuất ôtô, bên cạnh nhu cầu ôtô phục hồi sau khi Việt Nam thành công kiểm soát làn sóng dịch COVID-19 thứ hai từ sớm.
Chính vì vậy, theo dự đoán của các chuyên gia thị trường xe ba tháng cuối năm sẽ có dấu hiệu khả quan hơn và sẽ có doanh số tăng trưởng đáng kể.
“Với sức mua như hiện nay, thị trường ôtô từ nay tới cuối năm sẽ sôi động hơn nữa. Bên cạnh đó, giá xe cuối năm dự kiến sẽ còn giảm do nhiều mẫu xe vẫn còn tồn kho với số lượng lớn. Ngoài ra, một số mẫu xe có doanh số thấp nên buộc phải giảm giá để đạt doanh số cuối năm,” anh Đắc Vương, Giám đốc kinh doanh Mazda Trần Khát Chân nhận định.
Trên thực tế, bên cạnh việc môt vài mẫu xe mới liên tục cháy hàng và tăng giá thì những mẫu xe cũ vẫn còn tồn đọng trong kho khá nhiều. Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), sản lượng ôtô sản xuất trong nước ước đạt 56.200 chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chỉ số tồn kho ngành ghi nhận mức tăng rất cao đạt 122,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số lớn ‘kỷ lục’ trong vài năm gần đây tại thị trường xe trong nước.
Bên cạnh những mẫu xe mới, những mẫu xe từ năm trước và xe nhập khẩu sẽ được giảm giá sâu hơn để đẩy doanh số.
Vì vậy, những mẫu xe cũ hay xe nhập khẩu cũng không ‘ngồi yên’ và đang được các hãng xe ‘xả hàng’ bằng nhiều hình thức. Hàng loạt hãng đã và đang giảm số tiền mặt tương tự với phí trước bạ cho xe trong nước. Thậm chí, nhiều hãng mạnh dạn giảm đến vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng/chiếc để chạy doanh số hoặc đẩy mẫu cũ.
Đơn cử như VinFast, mẫu xe Việt đã được ‘làm lại giá’ rẻ hơn nhiều kèm theo khuyến mãi đến cả trăm triệu đồng đối với các dòng xe Fadil, Lux A, Lux SA. Hai phiên bản Kona và Tucson được đại lý của Hyundai tại Hà Nội giảm 40 triệu đồng/chiếc, Ford cũng giảm các mẫu xe Everest Titanium từ 175-200 triệu đồng nên giá bán của mẫu xe này chỉ còn khoảng 1,2 tỷ đồng, mẫu xe Đức BMW X7 đang được đại lý bán với giá 6,7 tỷ đồng, rẻ hơn 800 triệu đồng so với giá niêm yết,…
Giới kinh doanh ôtô dự báo, với xe mới trong quý 4 này, nhu cầu tăng cao và sẽ tăng trưởng so với quý 4/2019. Còn với xe cũ thì đây là thời gian thị trường sôi nổi nhất vì nhu cầu mua xe cuối năm tăng mạnh.
Doanh số tăng trưởng là điều giới kinh doanh ôtô luôn mong muốn. Trong bối cảnh thị trường ôtô đang dần bước vào mùa cao điểm mua sắm, hàng loạt hãng xe đưa ra những ưu đãi khủng, giảm giá sâu để cạnh tranh khiến thị trường xe đang dần phục hồi và khởi sắc trở lại cứu vãn một năm kinh doanh bết bát./.
Ý kiến ()