Thị trường nước ngoài là cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
Thế giới vẫn còn khoảng 49% dân số (khoảng 4 tỷ người) chưa được kết nối Internet, chưa tiếp cận với các dịch vụ công nghệ số. Đây chính là cơ hội với các doanh nghiệp của Việt Nam.
Sáng ngày 23/2 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức khai mạc Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới.”
Thứ trưởng Phan Tâm cho biết những năm gần đây, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển nhanh cả về số lượng và năng lực cạnh tranh, đã và đang cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số cho công cuộc tăng tốc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số của đất nước. Từ đó, góp phần thu hẹp khoảng cách số trên toàn cầu, cùng cộng đồng doanh nghiệp quốc tế chung tay xây dựng thế giới số vì một tương lai tươi sáng hơn.
Sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu chuyển đổi số bùng nổ trên thế giới, tạo ra thị trường rất lớn cho các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số. Ngoài ra, khoảng cách số và khả năng truy cập dịch vụ số của người dân ở nhiều vùng nông thôn, đặc biệt là các nước đang và kém phát triển, vẫn là thách thức rất lớn.
Thống kê của Liên minh Viễn thông quốc tế – ITU cho thấy thế giới vẫn còn khoảng 49% dân số (khoảng gần 4 tỷ người) chưa được kết nối Internet, chưa được tiếp cận với các dịch vụ công nghệ số.
“Đây chính là thời cơ, cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam mở rộng thị trường, mang tri thức và công nghệ của mình góp phần giải các bài toán chuyển đổi số ở các nước, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng thế giới số,” Thứ trưởng Phan Tâm cho biết.
Cũng theo ông Tâm, xuất phát từ thực tế trên năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt trọng tâm làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ số Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện đầu tư – thương mại các nước nhằm thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới. Hội nghị “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” là khởi đầu cho chương trình này.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, mang sản phẩm dịch vụ số Make in Vietnam ra nước ngoài, giải bài toán về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của các nước, trở thành những tập đoàn, doanh nghiệp số toàn cầu.
“Bộ sẽ cùng các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp trong tiến trình này. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, để cùng mang tri thức và công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới,” Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định.
Trên cơ sở phân tích tiềm năng phát triển thị trường nước ngoài của ngành công nghiệp ICT Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nghĩa – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội. Trong khi đó, quy mô thị trường của Việt Nam quá nhỏ hẹp khi so sánh với quy mô nhân lực dịch vụ công nghệ thông tin hiện nay cũng như tương lai.
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường công nghệ thông tin toàn cầu. Đây là lý do để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi “mở cõi.”
“Đi cùng nhau” là một trong những cách đi mà Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng cho các doanh nghiệp công nghệ. Doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ hơn, doanh nghiệp đi trước dẫn dắt doanh nghiệp đi sau. Bí quyết và chiến lược chinh phục thị trường thế giới của các doanh nghiệp tiên phong sẽ là những bài học quý giá, mở hướng cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước tự tin bước ra thị trường quốc tế.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền cũng đã công bố thành lập “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài” nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển hoạt động kinh doanh trên thế giới./.
https://www.vietnamplus.vn/thi-truong-nuoc-ngoai-la-manh-dat-mau-mo-cho-dn-cong-nghe-so-viet/847649.vnp
Ý kiến ()