Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa đã tăng trở lại
Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.550 đồng/kg, giá bình quân là 4.860 đồng/kg, tăng 227 đồng/kg, giá lúa thường tại kho cao nhất là 7.350 đồng/kg, trung bình là 6.250 đồng/kg, tăng 410 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự tăng nhẹ trở lại.
Cụ thể, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.550 đồng/kg, giá bình quân là 4.860 đồng/kg, tăng 227 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất là 7.350 đồng/kg, trung bình là 6.250 đồng/kg, tăng 410 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá các loại gạo cũng tăng nhẹ. Gạo 5% tấm có giá cao nhất là 9.050 đồng/kg, giá bình quân là 8.664 đồng/kg, tăng 171 đồng/kg.
Gạo 15% tấm có giá cao nhất là 8.850 đồng/kg, giá bình quân là 8.485 đồng/kg, tăng 158 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất là 8.650 đồng/kg, giá bình quân là 8.267 đồng/kg, tăng 158 đồng/kg.
Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho biết, giá lúa ở một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ. Tại thành phố Cần Thơ, giá lúa OM 4218 là 6.700 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, hầu hết các loại lúa khác như: RVT, OM4900, Đài thơm 8, ST24 giữ ổn định so với tuần trước. Riêng tại Hậu Giang giá lúa IR50404 là 6.200 đồng/kg, giảm 600 đồng/kg.
Trước tình hình thu hoạch lúa Hè Thu chậm, khó khăn trong thu mua, vận chuyển ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ lúa Thu Đông nguy cơ bị chậm thời vụ, Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long thành lập các tổ, đội xử lý tại chỗ.
Các đội xử lý tại chỗ được ưu tiên tiêm ngừa vaccine và test COVID-19 định kỳ, trang bị dụng cụ hỗ trợ phòng chống dịch. Các đội này được cơ quan nhà nước quản lý nhân sự, cấp giấy phép thông hành và công khai giá dịch vụ.
Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ đã thống nhất thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thu mua, vận chuyển lúa giữa các tỉnh. Các địa phương này còn khoảng 3 triệu tấn lúa Hè Thu và Thu Đông sớm chưa thu hoạch.
Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, dự kiến đến đến hết tháng 8/2021, tỉnh sẽ thu hoạch cơ bản dứt điểm vụ Hè Thu 2021, với diện tích còn lại là 83.050 ha.
Hiện nay, giá thu mua lúa đang có xu hướng tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp. Cụ thể, các giống lúa OM 9582, OM 5451, OM 18 giá dao động từ 4.200-5.000 đồng/kg; IR50404 có giá từ 3.800-4.200 đồng/kg; nếp có giá từ 4.000-4.600 đồng/kg.
Trong khi giá lúa gạo trong nước tăng nhẹ trở lại thì trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan trong tuần này giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua do đồng baht suy yếu và chi phí vận chuyển tăng cao. Trong khi đó, nhu cầu thấp khiến giá gạo Ấn Độ tiếp tục ghi nhận tuần thứ hai liên tiếp ở mức thấp nhất trong 4,5 năm qua.
Phiên cuối tuần này, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống mức từ 380-395 USD/tấn, từ mức tương ứng từ 385-410 USD/tấn của tuần trước đó, ghi dấu mức thấp nhất kể từ tháng 4/2019.
Trong khi đó, giá gạo đồ, 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ không thay đổi và đứng ở mức từ 354-358 USD/tấn trong tuần này.
Tính đến ngày 7/8, diện tích trồng lúa của Ấn Độ đạt trên 31 triệu ha, thấp hơn so với diện tích 31,9 triệu ha của năm ngoái.
Còn giá gạo xuất khẩu của Việt Nam (loại 5% tấm) được chào bán với giá không đổi, ở mức 390 USD/tấn. Một thương nhân ở tỉnh An Giang cho biết: “Hoạt động xuất khẩu vẫn chậm trong bối cảnh nhu cầu yếu và khó khăn về logistics do hạn chế di chuyển liên quan đến dịch COVID-19”.
Giới thương nhân cho hay, giá lúa gạo trong nước tăng những ngày gần đây sau khi Chính phủ thông báo sẽ xem xét dự trữ gạo để hỗ trợ nông dân.
Trên thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên thị trường Mỹ biến động trong phiên giao dịch ngày 13/8, với giá lúa mì và đậu tương tăng và ngô giảm nhẹ.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 giảm 0,25 xu Mỹ (0,04%) xuống 5,73 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 9/2021 tăng 8,75 xu Mỹ (1,16%) lên 7,6225 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2021 tăng 24 xu Mỹ (1,79%) lên 13,65 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Lúa mỳ và đậu tương tiếp tục tăng giá với hoạt động mua vào khá sôi động. Giá ngô giảm nhẹ trong bối cảnh công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) lưu ý rằng dự báo lượng mưa sẽ cải thiển trong tuần tới cho các vùng đồng bằng phía Bắc và khu vực Trung Tây nước Mỹ.
Trung Quốc đang tiếp tục tiến hành thu mua ngô và đậu tương của Mỹ, nhưng tổng khối lượng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay Trung Quốc và các khách hàng khác lần lượt đặt mua 126.000 tấn và 326.000 tấn đâu tương cho niên vụ 2021/2022.
Về thị trường càphê thế giới, giá càphê cuối tuần sụt giảm do lo ngại nhu cầu tiêu yếu di khi nhiều quốc gia tái thiết lập các biện pháp giãn cách xã hội do dịch COVID-19 bùng phát với biến thể Delta dễ dàng lây lan nhanh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/8, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London tiếp tục sụt giảm. Giá càphê Robusta giao tháng 11 giảm thêm 18 USD, còn 1.836 USD/tấn. Đây là các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York kết thúc chuỗi tăng. Giá cà phê giao tháng 12 giảm 3,85 xu Mỹ, còn 185,75 xu Mỹ/lb. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 300-400 đồng, xuống dao động trong khung từ 36.800-37.600 đồng/kg./.
Ý kiến ()