Thị trường nông sản tuần qua: Các mặt hàng có diễn biến trái chiều
Mặt hàng càphê quay đầu giảm giá sau tuần tăng khá mạnh, trong khi đó, mặt hàng tiêu tiếp tục có sự tăng giá mạnh, thậm chí có thời điểm có nơi giá tiêu đã chạm mốc 60.000 đồng/kg.
Trong tuần qua, giá lúa ở một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục duy trì ổn định.
Mặt hàng càphê quay đầu giảm giá sau tuần tăng khá mạnh. Trong khi đó, mặt hàng tiêu tiếp tục có sự tăng giá mạnh, thậm chí có thời điểm có nơi giá tiêu đã chạm mốc 60.000 đồng/kg.
Thị trường trong nước
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa gạo trên địa bàn tỉnh trong tuần qua nhìn chung có xu hướng ổn định.
Giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 7.000-7.200 đồng/kg. Một số loại lúa chất lượng cao như OM cũng ổn định từ 7.000-7.400 đồng/kg; lúa Nhật đạt 7.800-8.000 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 từ 7.200-7.400 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang thì giữ ổn định. Giá gạo thường dao động ở mức 11.000-12.000 đồng/kg, gạo Jasmine 16.000 đồng/kg, gạo Nhật 24.000 đồng/kg, nếp từ 13.000-14.000 đồng/kg, gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg, tấm thường 12.500 đồng/kg, tấm thơm 13.500 đồng/kg.
Hiện, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2020-2021, ước tính đã được khoảng 1/3 diện tích. Theo đánh giá ban đầu, năng suất, chất lượng lúa vụ Đông Xuân năm 2020-2021 cao hơn hẳn so với vụ trước nhờ chúng ta đã rút ra được những bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với xâm nhập mặn từ vụ Đông Xuân 2019-2020. Ước tính, năng suất lúa vụ Đông Xuân 2020-2021 đạt khoảng 6,92 tấn/ha, cao hơn 1 tạ/ha so với vụ trước.
Theo Cục Trồng trọt, giá lúa Đông Xuân đang được thu mua ở mức cao, từ 6.000-6.500 đồng/kg, riêng lúa thơm nhiều loại có giá từ 6.800-7.000 đồng/kg, cao hơn 1.500-2.000 đồng/kg so với vụ Đông Xuân 2019-2020.
Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên chi phí sản xuất vụ này khá thấp.
Theo đánh giá của những nông dân đã thu hoạch lúa, vụ này, bà con đạt lợi nhuận cao kỷ lục từ 40-50 triệu đồng/ha.
Theo Diễn đàn của người làm càphê, giá càphê ở khu vực Tây Nguyên trong tuần qua lại quay đầu giảm sau 1 tuần tăng khá mạnh. Trái với kỳ vọng, giá càphê tiếp tục suy yếu sau báo cáo xuất khẩu hàng tháng của các nước sản xuất chính cho thấy nguồn cung ngắn hạn vẫn còn dồi dào.
Giá càphê ngày 6/3 dao động ở mức 31.800-32.400 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với cuối tuần trước. Giá càphê thấp nhất tại Lâm Đồng là 31.800 đồng. Còn các các địa phương khác như Gia Lai, Đắk Nông có giá là 32.300 đồng/kg; tại Đắk Lắk có giá cao nhất là 32.400 đồng/kg.
Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.436 USD/tấn, với mức chênh lệch 55 USD/tấn.
Về mặt hàng tiêu, thị trường vẫn giữ được sự sôi động trở lại từ sau Tết Nguyên đán. Giá tiêu liên tiếp tăng khá tại các địa phương. Trong tuần có ngày giá tiêu tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã đạt mức cao nhất 60.000 đồng/kg.
Theo Tintaynguyen, giá tiêu ngày 7/3 trong khoảng 57.500-59.500 đồng/kg, tăng 4.500 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Giá tiêu cao nhất vẫn ở Bà Rịa-Vũng Tàu là 59.500 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu được thu mua với mức 58.500 đồng/kg. Tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu ở mức thấp nhất là 57.500 đồng/kg.
Thị trường tiêu tăng nhiệt và cũng được xem là mức tăng hiếm thấy trong thời gian khá dài. Mặc dù giá hồ tiêu cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng người trồng tiêu cảm thấy vẫn kém vui.
Tại nhiều địa phương đang là thời điểm thu hoạch hạt tiêu nhưng không khí lao động không được tấp nập như trước. Ngoài sản lượng đạt thấp thì người trồng tiêu còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công thu hái. Nhiều nhà vườn chỉ xem như vụ này lấy công làm lãi. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh và xuất khẩu sắp tới còn nhiều diễn biến phức tạp nên khó có những nhận định dài hơi về mặt hàng này.
Thị trường thế giới
Về thị trường nông sản Mỹ, trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn đều tăng trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/3, trong đó giá ngô dẫn đầu đà tăng.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 5/2021 tăng 13 xu Mỹ (2,44%) lên 5,455 USD/bushel, giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 2 xu Mỹ (0,31%) lên 6,53 USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 5/2021 tăng 19,5 xu Mỹ (1,38%) lên 14,3 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho biết giá nông sản kỳ hạn tăng do lo ngại thời tiết bất lợi ở Nam Mỹ.
Giá đậu tương giao tháng 5/2021 nhích quanh mức kháng cự quan trọng lên trên 14,30 USD/bushel nhưng không đạt được mức cao mới của hợp đồng. Tuy nhiên, đậu tương vẫn dẫn đầu xu hướng tăng giá.
Số liệu thương mại tháng 2/2021 của Cục Thống kê Dân số Mỹ (USCB) được công bố ngày 5/3 cho thấy Mỹ đã xuất khẩu một lượng kỷ lục 324,4 triệu bushel đậu tương trong tháng này, tháng thứ năm liên tiếp xuất khẩu đậu tương ghi nhận mức cao kỷ lục.
Số liệu xuất khẩu đậu tương do USCB đưa ra cao hơn so với con số của Cơ quan kiểm tra ngũ cốc liên bang (FGIS) trong nhiều tháng qua.
Mỹ đã xuất khẩu 229 triệu bushel ngô trong tháng 2/2021, tăng 47 triệu bushel so với tháng 12/2020 và tăng 131 triệu bushel hay 134% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tốc độ xuất khẩu ngô của Mỹ đang tăng lên khi Trung Quốc dự kiến nhập khẩu trung bình từ 17-24 triệu bushel ngô mỗi tuần vào cuối niên vụ này.
Xuất khẩu lúa mỳ tháng 1/2021 của Mỹ đạt 73 triệu bushel, bằng tháng 12 nhưng cao hơn 3 triệu bushel so với cũng kỳ năm 2020. Tốc độ xuất khẩu lúa mỳ của Mỹ vẫn đều đặn nhưng có thể cải thiện trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) thiếu hụt nguồn cung và Nga áp thuế xuất khẩu.
Dự báo thời tiết cho thấy lượng mưa sẽ ít đi tại khu vực Argentina và Nam Brazil trong ngày 16/3, và mưa trên mức thông thường ở miền Bắc Brazil. Thời tiết ẩm ướt ở Mato Grosso khiến chất lượng đậu tương và ngô bị giảm 25%. Việc thiếu ánh nắng Mặt Trời và độ ẩm đất quá cao đang làm chậm quá trình trồng ngô vụ đông của Brazil.
Tuy vậy, AgResource vẫn lạc quan về triển vọng tương lai ngành nông nghiệp.
Thị trường gạo châu Á cho thấy, giá gạo xuất khẩu được duy trì ổn định ở hầu hết các trung tâm châu Á trong tuần này trong bối cảnh nguồn cung từ vụ thu hoạch mới “nhỏ giọt” trong khi Bangladesh cân nhắc việc cắt giảm thuế nhập khẩu khác để tăng cường dự trữ trong nước đang suy giảm.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 515- 560 USD/tấn, so với mức 520-560 USD/tấn của tuần trước.
Các thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết nhu cầu giảm, sự lạc quan về vụ thu hoạch trái mùa mới và sự suy yếu của đồng baht so với USD, đã gây áp lực lên giá.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi so với tuần trước ở mức 505-510 USD/tấn. Một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đây chỉ là giá danh nghĩa do không có nhiều hợp đồng mới được ký kết trong thời gian gần đây vì các nhà nhập khẩu vẫn đang chờ đợi thêm cho đến cao điểm vụ thu hoạch Đông-Xuân.
Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ ổn định ở mức 393-399 USD/tấn trong bối cảnh nguồn cung tăng từ vụ mùa mới.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam nước này cho biết “đồng rupee đã khá biến động trong vài ngày gần đây, chúng tôi đang giữ giá ổn định, nhưng giá gạo sẽ phải tăng lên nếu đồng rupee tăng giá hơn nữa”.
Trong khi đó, một quan chức Bộ Lương thực cho biết Bangladesh đang xem xét cắt giảm thêm thuế nhập khẩu gạo trong nỗ lực tăng cường nguồn dự trữ và “hạ nhiệt” giá trong nước. Theo đó mức thuế nhập khẩu gạo sẽ giảm từ 62,5% vào cuối tháng 12 xuống 25%.
Bangladesh, nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, gần đây đã nổi lên như một nhà nhập khẩu lớn do nguồn dự trữ cạn kiệt và giá cao kỷ lục sau khi lũ lụt liên tiếp tàn phá mùa màng.
Về thị trường càphê thế giới, kết thúc phiên giao dịch sáng nay (giờ Việt Nam), giá càphê Robusta giao tháng 3/2021 tại London giảm 25 USD/tấn (1,81%) giao dịch ở mức 1.360 USD/tấn, còn giá càphê Arabica giao tháng 3/2021 tại sàn New York ở Mỹ tăng 0,35 cent/lb (0,27%) lên mức 128,75 cent/lb (1lb = 0,4535kg).
Theo các nhà quan sát, giá càphê giảm chủ yếu do tình trạng dư mua quá mức trên các sàn càphê trước đó.
Giá càphê Robusta có thêm bất lợi khi vấn đề thương mại qua biển Ireland tiếp tục gây tranh cãi nhiều nhất trong mối quan hệ hậu Brexit của Anh với EU./.
Ý kiến ()