Thị trường nông sản thế giới: Giá gạo Ấn Độ thấp nhất bốn tuần qua
Tại Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, giá gạo đồ 5% tấm giảm xuống mức thấp nhất bốn tuần qua là 368-374 USD/tấn, thấp hơn so với mức 370-376 USD/tấn trong tuần trước.
Giá gạo xuất khẩu tại các nước xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á giảm trong tuần này.
Tại Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, giá gạo đồ 5% tấm giảm xuống mức thấp nhất bốn tuần qua là 368-374 USD/tấn, thấp hơn so với mức 370-376 USD/tấn trong tuần trước.
Đồng rupee của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất gần hai tuần, làm gia tăng lợi nhuận của các thương nhân khi bán hàng ra nước ngoài. Một thương nhân sở hữu công ty trao đổi thương mại toàn cầu có trụ sở tại Mumbai cho biết nhu cầu thấp của những người mua gạo trắng lớn do các quốc gia khác chào bán giá gạo cạnh tranh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Lương thực Bangladesh Sadhan Chandra Majumder cho biết nước này có thể giảm 10% thuế nhập khẩu gạo để hạ nhiệt giá loại ngũ cốc chính này. Thuế nhập khẩu gạo của Bangladesh hiện là 62,5%.
Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm dao động ở mức 407-415 USD/tấn trong tuần này, thấp hơn so với mức 408-417 USD/tấn tuần trước đó, do biến động tỷ giá hối đoái. Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết thị trường kém sôi động trong tuần này nên giá biến động không quá nhiều trong so với tuần trước.
Còn tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm trong phiên 10/2/2022 ở mức 395 USD/tấn, thấp hơn so với mức 395- 405 USD/tấn trong hai tuần trước đó. Thị trường Việt Nam đóng cửa nghỉ lễ Tết Nguyên đán trong tuần vừa qua.
Giới thương nhân cho biết doanh số bán vẫn chậm sau kỳ nghỉ lễ và không có khả năng tăng cho tới cuối quý một này.
Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Philippines và Trung Quốc dự kiến sẽ là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm nay.” Thương nhân trên cho biết thêm rằng nhu cầu tăng cao ở Trung Quốc có thể là cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Giá nông sản tăng tại Mỹ
Trong phiên giao dịch 11/2, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ) đều tăng, với giá lúa mỳ tăng mạnh.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 3/2022 tăng 9,25 xu Mỹ (1,44%) lên 6,51 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 26,25 xu Mỹ (3,4%) lên 7,9775 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 3/2022 tăng 8,75 xu Mỹ (0,56%) lên 15,83 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).
Triển vọng vụ thu hoạch ở Nam Mỹ tiếp tục giảm sút do thời tiết nắng khô hay độ ẩm cao tại Argentina tiếp tục kéo dài đến đầu tháng Ba.
Trong khi đó, giá ngô và đậu tương tăng lên mức cao mới, với giá đậu tương giao ngay được giao dịch trong khoảng 15,50 -16,20 USD/bushel cho đến khi có thêm số liệu về vụ thu hoạch tại Brazil. Triển vọng dài hạn của các loại ngũ cốc trên vẫn lạc quan khi sản lượng thu hoạch ở Argentina giảm hơn nữa.
Các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán thêm 108.000 tấn đậu tương giao cho Trung Quốc từ sản lượng niên vụ mới và bán 128.000 tấn ngô lấy từ sản lượng niên vụ cũ cho Nhật Bản.
AgResource cũng dự kiến thị trường sẽ chú ý nhiều hơn đến diễn biến thời tiết ngắn hạn ở Mỹ bắt đầu vào cuối tháng Hai.
Thị trường càphê thế giới
Trong phiên giao dịch cà phê 12/2, giá càphê thế giới trên hai sàn tại London và New York đều đồng loạt tăng điểm.
Kết thúc phiên giao dịch mới nhất, giá càphê Robusta trên sàn London giao tháng 3/2022 tăng 5 USD/tấn lên mức 2.284 USD/tấn. Giá càphê Robusta giao tháng 5/2022 tăng 7 USD/tấn ở mức 2.270 USD/tấn.
Còn giá càphê Arabica trên sàn New York giao tháng 3/2022 giảm 3,55 xu Mỹ/lb, ở mức 251,65 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535kg). Giá càphê Arabica giao tháng 5/2022 giảm 3,2 xu Mỹ/lb, ở mức 252,25 xu Mỹ/lb.
Giới chuyên gia phân tích của ngân hàng Rabobank với trụ sở tại Hà Lan cho rằng, giá càphê Robusta sẽ về dưới mức trung bình 2.000 USD/tấn trong quý 2. Có lẽ điều này đã kích thích các giới đầu cơ quay trở lại mua ròng, giúp giá London duy trì đà tăng những ngày gần đây.
Trong khi đó, các nhà sản xuất tại Brazil vẫn mạnh tay bán, bởi giá càphê Arabica đang đứng ở mức cao hơn 10 năm, trong khi vụ thu hoạch chính năm nay sẽ bắt đầu từ tháng Tư với càphê Conilon Robusta và tháng Bảy với cà phê Arabica, hứa hẹn sản lượng cao theo chu kỳ “hai năm một.” Điều này góp phần đẩy giá cà phê Arabica giảm trong hai phiên cuối tuần này.
Cũng trong phiên 12/2, tại Việt Nam, thị trường tiếp tục đà tăng nhẹ so với hôm qua, giao dịch quanh ngưỡng 40.900-41.500 đ/kg. Đây là phiên thứ năm liên tiếp thị trường cà phê trong nước đi lên.
Hiện tại, giá nông sản hôm nay tại thị trường trong nước đồng loạt tăng ở hai mặt hàng hồ tiêu và càphê. Trong đó, giá hồ tiêu tăng thêm 500 đ/kg ở vài nơi, trở thành phiên thứ tư liên tiếp đi lên./.
Ý kiến ()