Thị trường nông sản: Giá lúa tại ĐBSCL tăng, giảm trái chiều
Trong tuần qua, nhiều loại lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự tăng, giảm giá trái chiều ở một số địa phương. Nguồn cung lúa hạn chế khi thị trường phải chờ vụ Hè Thu vào chính vụ.
Trong tuần qua, nhiều loại lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự tăng, giảm giá trái chiều ở một số địa phương. Nguồn cung lúa hạn chế khi thị trường phải chờ vụ Hè Thu vào chính vụ.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy tại Cần Thơ, giá lúa OM 4218 tăng 100 đồng/kg lên 7.400 đồng/kg; các loại khác vẫn ổn định như IR 50404 là 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg.
Giá lúa tại Sóc Trăng như ST 24 là 8.200 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; nhưng OM 4900 là 6.900 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg, Đài thơm 8 là 8.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Giá lúa tại Tiền Giang tăng ở một số loại như IR 50404 là 6.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; riêng lúa OC10 tăng 200 đồng/kg ở mức 6.800 đồng/kg. Còn Jasmine ổn định ở mức 7.200 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, lúa IR 50404 ở mức 6.500 đồng/kg; OM 5451 là 6.700 đồng/kg; Jasmine là 7.000 đồng/kg.
Còn tại An Giang, tuần qua một số loại lúa giảm giá. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức từ 6.500-6.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.600-6.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 5451 từ 6.300-6.500 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.600-6.800 đồng/kg; IR 50404 từ 6.200-6.400 đồng/kg.
Giá lúa nếp vẫn duy trì ổn định, tại An Giang có giá từ 6.000-6.200 đồng/kg; nếp Long An từ 6.600-6.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Đến cuối tháng 4, tỉnh Kiên Giang đã gieo sạ khoảng 111.740 ha, đạt 40% kế hoạch lúa Hè Thu. Ngành nông nghiệp tỉnh đã có khuyến cáo cơ cấu giống cho sản xuất vụ lúa Hè Thu. Tỉnh dự kiến hoàn thành xuống giống vụ lúa Hè Thu vào trung tuần tháng 6/2023.
Các công ty, doanh nghiệp tổ chức sản xuất cánh đồng lớn gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm với nông dân khoảng 71.700 ha trong sản xuất vụ lúa Hè Thu này.
Kiên Giang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn tiêu thụ theo mô hình cánh đồng lớn, áp dụng truy xuất nguồn gốc và thí điểm mô hình “Nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo.”
Hướng dẫn, tư vấn cấp mã số vùng trồng lúa chủ lực phục vụ cho sản phẩm tiêu thụ tại các thị trường như: Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Về xuất khẩu, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay Việt Nam đang có lợi thế nguồn cung có sớm từ vụ lúa Đông Xuân, sản lượng, chất lượng lúa gạo ổn định nên dự báo trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam vẫn ở mức tốt.
Nhìn chung về thị trường xuất khẩu gạo năm nay, nguồn cung thấp hơn nhu cầu nên đầu ra thuận lợi. Vấn đề của ngành gạo năm nay là khâu sản xuất và liên kết sản xuất sao cho có các chủng loại gạo phù hợp với nhu cầu thị trường, ông Nguyễn Ngọc Nam cho hay.
Tuần qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 495-500 USD/tấn trong phiên 27/4, không thay đổi so với một tuần trước.
Một thương nhân ở tỉnh An Giang, Đồng bằng sông Cửu Long cho biết nguồn cung ngày càng thắt chặt do vụ thu hoạch chính trong năm sắp kết thúc và vụ thu hoạch tiếp theo sẽ đến vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu.
Tuy nhiên, các thương nhân đã tăng lượng mua hàng từ nông dân với dự đoán nhu cầu cao hơn từ thị trường nước ngoài. Tính đến ngày 15/4, Việt Nam xuất khẩu 2,37 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng 33,7% so với một năm trước đó.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng, nhờ sự gia tăng lượng đơn đặt hàng và tình trạng cạn kiệt nguồn cung khi mùa thu hoạch sắp kết thúc. Còn giá gạo của Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã giảm tuần thứ hai xuống mức thấp hồi giữa tháng Một.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức từ 490-495 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tuần tính đến ngày 3/2. Tuần trước, giá mặt hàng này được niêm yết ở mức 480 USD/tấn.
Các nhà giao dịch cho rằng giá gạo của Thái Lan tăng là do biến động của tỷ giá hối đoái, đơn đặt hàng từ Indonesia tăng và nguồn cung giảm. Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết, Indonesia đã mua khoảng 500.000 tấn gạo của Thái Lan.
Bộ Thương mại Thái Lan cho hay xuất khẩu gạo của Thái Lan trong quý I/2023 ở mức 2,06 triệu tấn, tăng 18,48% so với một năm trước đó.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được bán với mức giá từ 378-382 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức 382-388 USD/tấn của tuần trước và chạm mức thấp nhất kể từ ngày 13/1.
Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành tại nhà xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ, Satyam Balajee, cho biết nhu cầu đang chậm lại và giá đang giảm.
Thị trường nông sản Mỹ
Giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đi lên trong phiên 28/4, dẫn đầu đà tăng là đậu tương.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2023 tăng 3,5 xu (0,6%) lên 5,85 USD/ bushel; giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 4,5 xu (0,72%) lên 6,3375 USD/bushel; còn giá đậu tương giao tháng Bảy tăng 15,5 xu (1,1%) lên 14,1925 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Nguồn cung ngô và đậu tương tại Mỹ eo hẹp đã ảnh hưởng đến thị trường. Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến đậu tương và ethanol của Mỹ cũng săn hàng để phục vụ nhu cầu cung ứng trong tương lai.
Có tin đồn rằng Trung Quốc sẽ thông báo hủy đơn đặt hàng ngô Mỹ do ngô Brazil rẻ vào cuối mùa hè này. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo rằng Trung Quốc đã mua 8,6 triệu tấn ngô Mỹ và sẽ tiếp tục đặt thêm một triệu tấn nữa.
Trong khi đó, giá ngô FOB của Argentina thậm chí còn rẻ hơn so với Brazil, được chào bán ở mức thấp hơn 0,85 USD/bushel so với giá tại vùng Vịnh của Mỹ.
Giá đậu tương Brazil đang phục hồi hoàn toàn khi vụ thu hoạch kết thúc. Nhu cầu xuất khẩu đối với đậu tương Brazil vẫn mạnh với các lô hàng tháng Tư ước tính đạt mức kỷ lục từ 15 đến 15,5 triệu tấn.
Thị trường càphê thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (28/4) cũng là phiên cuối tháng, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London đi lên, với hợp đồng giao tháng Bảy tăng 4 USD, lên 2.409 USD/tấn và hợp đồng giao tháng Chín tăng 3 USD lên 2.386 USD/tấn. Khối lượng giao dịch khá thấp dưới mức trung bình.
Trái lại, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York tiếp tục sụt giảm, với hợp đồng giao tháng Bảy giảm 2,25 xu xuống 185,95 xu/lb và hợp đồng giao tháng Chín giảm 2,2 xu xuống 183,20 xu/lb. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá càphê nhân tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 100 đồng, lên dao động trong khung 51.000-51.500 đồng/kg.
Giá càphê kỳ hạn trở lại xu hướng trái chiều. Càphê Robusta điều chỉnh tăng do lo ngại nguồn cung thiếu hụt, trong khi nhu cầu càphê giá rẻ ngày càng cao.
Trái lại, giá càphê Arabica tiếp tục sụt giảm khi nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn tạm thời và rút khỏi thị trường do suy đoán kinh tế toàn cầu đang trên đà suy thoái, sẽ khiến người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu vì mức thu nhập ngày càng thấp./.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/thi-truong-nong-san-gia-lua-tai-dbscl-tang-giam-trai-chieu/860142.vnp
Ý kiến ()