Thị trường nội địa: ‘‘Bệ đỡ’’ giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống đã có những gắn kết chặt chẽ nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản và hàng sản xuất trong nước.
Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ đối với sản phẩm “Made in ViệtNam”.
Dịch COVID-19 khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ, mua sắm hàng hóa, đặc biệt xuất khẩu vào nhiều thị trường bị gián đoạn do các biện pháp phòng, chống dịch.
Trong giai đoạn khó khăn, thị trường nội địa luôn được coi là điểm tựa và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế cả nước.
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết thông qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam” được thực hiện suốt 10 năm qua sức mua cũng như sự ưu tiên cho hàng hóa Việt Nam cũng tăng rất cao. Đây chính là bệ đỡ, là chỗ dựa rất đáng tin cậy giúp doanh nghiệp đứng vững trong mọi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như khủng hoảng liên quan đến tài chính như dịch COVID-19 vừa qua.
– Từ thực tế dịch bệnh cho thấy vai trò của các kênh phân phối, siêu thị bán lẻ hiện đại, cửa hàng tiện ích hoạt động hết công suất trong thời gian qua, chợ truyền thống cũng phát huy và đảm bảo cung ứng hàng hóa, vậy công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được ngành công thương triển khai như thế nào?
Bà Lê Việt Nga:Trong giai đoạn chống dịch vừa rồi, các kênh phân phối hiện đại và chợ truyền thống đã phát huy hết sức mạnh của mình trong việc phục vụ người dân chống dịch đồng thời đảm bảo an toàn về phòng chống dịch trong quá trình sản xuất kinh doanh an toàn.
Tại các kênh phân phối bán lẻ hiện đại đều áp dụng các biện pháp tốt nhất cho việc cung ứng hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm và đảm bảo cho người tiêu dùng mua sắm hàng hóa và nhân viên phục vụ.
Đáng chú ý, thực phẩm đã được lưu thông một cách thống suốt từ các hệ thống phân phối cho tới người tiêu dùng cũng như là từ những vùng nguyên liệu về với các hệ thống phân phối trong những giai đoạn khó khăn nhất kể cả giai đoạn toàn xã hội giãn cách, cách ly xã hội giữa các tỉnh thành phố. Điều này cho thấy hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ được các địa phương hỗ trợ để không làm đứt chuỗi cung ứng trong những lúc khó khăn nhất của dịch bệnh. Đây rõ ràng là một tín hiệu đáng mừng cho việc tổ chức được một hệ thống phân phối nội địa theo hướng văn minh hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, hệ thống chợ truyền thống cũng phát huy được vai trò bù đắp cho việc phân phối hàng hóa mà các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi không thể đáp ứng hết được, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi chưa có sự hiện diện của hệ thống phân phối hiện đại này.
Ngoài ra, các hệ thống siêu thị đã kết nối để đưa được hàng hóa ra những khu vực bán hàng lưu động, những điểm chợ truyền thống. Điểm nổi bật là bà con tiểu thương trong chợ truyền thống tại những thời điểm khó khăn nhất về cách ly xã hội vẫn được phép bán hàng hóa thiết yếu và đều có sáng kiến rất tốt cho việc phân phối hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như có những biện pháp bảo vệ cho người tiêu dùng mua hàng hóa…
Trong quá trình vừa qua, để triển khai Luật An toàn thực phẩm, bản thân các chợ truyền thống và tiểu thương ở đây đã có nhận thức rất tốt về an toàn thực phẩm.
Bộ Công Thương đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn quốc gia về chợ an toàn thực phẩm và phổ biến trên toàn quốc, đồng hành với đó là Chương trình mục tiêu y tế, dân số trong đó có hạng mục về dự án đảm bảo chợ an toàn thực phẩm đã giúp cho tiểu thương ở các chợ truyền thống nâng cao được nhận thức.
Các địa phương và Ban quản lý chợ truyền thống cũng như các tiểu thương đã biết đóng góp để nâng cao hạ tầng chợ theo hướng văn minh hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, giúp cho việc kinh doanh thực phẩm theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm an toàn.
Chính phủ thông qua Chương trình mục tiêu y tế, dân số đã cung cấp nguồn kinh phí rất tốt cho các địa phương để triển khai mô hình thí điểm về chợ an toàn thực phẩm dựa trên những tiêu chí quan trọng về con người, nguồn hàng về hạ tầng thương mại, cơ sở vật chất của các chợ truyền thống. Nhờ vậy, chợ truyền thống đã và đang được cải tạo theo hướng rất tốt.
– Bà có thể nói rõ hơn việc kết nối tiêu thụ hàng hóa, đảm bảo bình ổn thị trường được Bộ Công Thương tiến hành ra sao, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp?
Bà Lê Việt Nga:Triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam” trong 10 năm qua, Bộ Công Thương đã thúc đẩy mạnh việc kết nối để tiêu thụ được hàng hóa sản xuất trong nước đặc biệt là hàng hóa chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng tới thân thiện với môi trường. Chính vì vậy việc kết nối cung-cầu, đảm bảo được tiêu thụ hàng hóa vào các hệ thống phân phối là rất quan trọng.
Bộ cũng rất nhấn mạnh đến các giải pháp về hoàn thiện thể chế nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật hoạt động thương mại trong nước trong đó chú trọng đến phát triển thị trường bán lẻ gắn với phát triển bền vững.
Thông qua những hệ thống hệ thống này, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hay chợ truyền thống đã có những gắn kết rất chặt chẽ với Bộ Công Thương hay Sở Công Thương địa phương để tổ chức ra những chương trình nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản, tiêu thụ hàng Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn chống dịch vừa rồi là bảo đảm được nguồn cung hàng thiết yếu tới người dân.
– Vậy bà nhìn nhận như thế nào về sức mua thị trường nội địa cũng như khả năng tiêu dùng của người Việt để kích thích cho hoạt động sản xuất trong nước phát triển, đặc biệt là cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành công nghiệp thực phẩm?
Bà Lê Việt Nga:Theo điều tra của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, thông qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam” 10 năm vừa qua sức mua cũng như sự ưu tiên cho hàng hóa Việt Nam cũng tăng rất cao. Đây chính là bệ đỡ, là chỗ dựa rất đáng tin cậy trong mọi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như khủng hoảng liên quan đến tài chính như dịch COVID-19 vừa qua.
Vì vậy, theo tôi sức mua của người tiêu dùng, đặc biệt với những hàng hóa thiết yếu và hàng tiêu dùng Việt Nam sản xuất trong nước trong thời gian tới sẽ vẫn còn tiếp tục tăng và cũng là cơ hội để cho nhiều hệ thống phân phối, bán lẻ có thể phát triển được những kênh phân phối theo phương thức đa kênh, từ đó thúc đẩy các hoạt động tiêu dùng trong nước.
Hơn nữa, khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ rất tốt cho người tiêu dùng được tiếp cận với những hàng hóa bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và được thanh toán thuận tiện thể hiện qua những kênh phân phối văn minh, hiện đại, tiết kiệm thời gian mua sắm…
– Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đưa ra những giải pháp như thế nào để thúc đẩy thị trường nội địa, qua đó giúp cho hoạt động sản xuất tăng trưởng và phát triển?
Bà Lê Việt Nga:Nhiệm vụ quan trọng bao giờ các bộ, ngành cũng phải làm đó là hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật để tạo ra được môi trường lành mạnh nhất, thông thoáng nhất, kích thích được đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp cũng như kích thích được tiêu dùng hàng hóa bằng những Chương trình phù hợp nhất với người tiêu dùng Việt Nam.
Thêm vào đó, thị trường trong nước nói gì thì vẫn phải là sức mua của người dân và Bộ rất mong Chính phủ có giải pháp tổng thể để tăng tổng cầu trong nước và làm thế nào thu nhập của người dân tiếp tục được duy trì và tăng lên trong giai đoạn hậu COVID-19 mà chúng ta gọi là trạng thái bình thường mới.
Do vậy, các doanh nghiệp cần phải đưa ra các loại hàng hóa tốt nhất cho người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội đặc biệt với những doanh nghiệp đã tiếp cận được với thị trường nước ngoài có thể giới thiệu với người tiêu dùng trong nước biết được những sản phẩm hàng hóa đạt chuẩn thế giới và là bước tiến trong việc làm cho chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam phân phối tại thị trường nội địa sẽ ở tầm cao mới.
– Xin trân trọng cảm ơn bà./.
Ý kiến ()