Thị trường lao động năm 2023: Cần duy trì nguồn nhân lực có tay nghề
Ổn định và phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế -xã hội và hội nhập quốc tế, kịp thời ứng phó với các thách thức trong và ngoài nước là điểm nhấn quan trọng năm 2023.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều bất ổn, biến động khó lường, thị trường việc làm trong năm 2023 vẫn có những khó khăn nhưng được dự báo sẽ sớm phục hồi vào nửa cuối năm 2023. Do đó, Chính phủ cần có chính sách giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, ổn định thị trường lao động để sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023.
Một năm đầy biến động của thị trường lao động
2022 là một năm có sự biến động mạnh mẽ trong thị trường lao động khi chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng vào những tháng đầu năm nhưng lại sụt giảm mạnh vào những tháng cuối năm. Trong quý 4/2022, một số ngành, lĩnh vực ở khu vực phía Nam, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ… gặp những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm, giãn việc làm.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam cho biết việc gia nhập khá sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu khiến ngành da giày trong quý 4/2022 chịu tác động mạnh bởi lạm phát và tình trạng tồn kho hàng thời trang lớn trên thế giới, đặc biệt là khi thị trường Mỹ và EU chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu của ngành. Tỷ trọng đặt hàng trong quý 4/2022 đã giảm 30% so với những tháng trước và tình trạng này dự báo sẽ còn kéo dài đến hết quý 2/2023.
“Đến nay, một số nhãn hàng lớn như Adidas, Nike vẫn tiếp tục gia công tại Việt Nam nhưng đơn hàng giảm 30%, các đơn hàng nhỏ lẻ giảm sâu hơn tới 50%. Đây là thách thức rất lớn, ảnh hưởng đến lực lượng lao động của ngành,” bà Phan Thị Thanh Xuân nói.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, việc cắt giảm đơn hàng đã tác động trực tiếp khiến các nhà máy phải tái cấu trúc lại doanh nghiệp, thu hẹp sản xuất, cắt giảm giờ làm, giảm lao động ở các đông đoạn đơn giản… Một số doanh nghiệp có nhà máy ở nhiều địa phương phải luân chuyển lực lượng lao động để phân chia việc đồng đều.
Đánh giá về tình hình chung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực cho thấy có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng cục bộ (chiếm khoảng 0,06% tổng số doanh nghiệp); tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp là gần 637.500 người (khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp).
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, mặc dù những tháng cuối năm có sự sụt giảm nhưng nhìn chung thị trường lao động năm 2022 phục hồi mạnh so với năm 2021, đặc biệt không để xảy ra đứt gãy nguồn lao động ngay từ đầu năm, cơ bản các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm duy trì được lực lượng lao động ổn định.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2022 là 51,7 triệu người; lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,6 triệu người; xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động quay trở lại chiều hướng tích cực. Đặc biệt, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức giảm, ở khu vực thành thị là 47%, ở khu vực nông thôn là 62,2%; trong đó giảm lao động trong khu vực nông nghiệp và tăng lao động trong khu vực công nghiệp, dịch vụ so với quý 4/2022.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý 1, thậm chí quý 2/2023 dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.
Theo tổng hợp từ các công đoàn cơ sở, dự kiến trong tháng 12 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm 15.769 lao động.
Chuẩn bị nguồn lao động để tái phục hồi
Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý 1/2023 khoảng 377.700 người , con số này cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua, tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai… Điều này sẽ góp phần tạo nên sự cân bằng về cung cầu lao động trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhìn chung năm 2023 vẫn là một năm dự báo sẽ nhiều biến động với thị trường lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết bước sang năm 2023, với những tiền đề cơ bản rất vững chắc song vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đó là trong nước lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong thời gian tới, tình trạng doanh nghiệp giảm sút đơn hàng do nguy cơ suy thoái toàn cầu; cạnh tranh giữa các nước lớn trên thế giới xung đột Nga-Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, nâng suất lao động của Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng (đây là 1/15 chỉ tiêu duy nhất không đạt được trong năm 2022)…
“Những thách thức này ảnh hưởng trực tiếp đến đảm bảo ổn định và phát triển thị trường lao động, việc đảm bảo an sinh xã hội là vô cùng lớn,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Dự báo về cung cầu lao động trong năm 2023, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) kỳ vọng nửa đầu năm 2023 kinh tế sẽ còn những khó khăn nhưng cuối năm tình hình sẽ khởi sắc. Vì thế thị trường lao động sớm có những chuyển biến tích cực. Những ngành có tiềm năng là ngành thế mạnh dẫn dắt nền kinh tế vẫn sẽ chiếm lợi thế và duy trì đà tăng trưởng tốt. Với ngành nghề liên quan vấn đề hội nhập như: Sản xuất chế biến gỗ, da giày, may mặc… dù chịu tác động của khủng hoảng nhưng cũng sẽ sớm tạo sự phục hồi thậm chí bứt phá mạnh mẽ vào cuối năm 2023.
“Tôi cho rằng ưu tiên hiện nay là duy trì một thị trường lao động linh hoạt, bền vững. Để các lao động mất việc, giãn việc có thể tìm kiếm việc làm ở khu vực việc làm không chính thức, sau đó, khi thị trường lao động khởi sắc, doanh nghiệp phục hồi thì lao động lại quay trở lại làm việc,” ông Quảng nói.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường trong năm 2023 ở góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết mặc dù tình trạng đơn hàng giảm sẽ vẫn duy trì trong quý 1, 2/2023 nhưng nhờ có lợi thế của các hiệp định thương mại nên các nhãn hàng đều cam kết khi thị trường phục hồi trở lại vẫn tiếp tục gia công ở thị trường Việt Nam, đây là tín hiệu tốt về cơ hội phục hồi của thị trường trong nửa cuối năm 2023.
“Hiện nay, doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để duy trì việc làm ổn định để giữ chân lực lượng lao động nghề cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cố gắng tập trung đào tạo nâng cao tay nghề người lao động để khi hồi phục có sẵn nguồn nhân lực,” bà Phan Thị Thanh Xuân nói.
Cũng nhấn mạnh việc cần duy trì nguồn nhân lực, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng để giảm bớt khó khăn cho người lao động, giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, góp phần ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023 sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ.
“Các chính sách phải vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường,” ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Dự báo số lượng lao động không hoạt động kinh tế trong khu vực ASEAN sẽ tăng gần 177 triệu người trong năm 2023 và Việt Nam cần phải nỗ lực để duy trì sự gia tăng lao động ở khu vực chính thức, bà Ingrid Christensen, Giám đốc văn phòng ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam sẽ cần tập trung vào các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang kinh tế chính thức; mở rộng việc làm, an sinh xã hội; tăng trưởng năng suất, nâng cao kỹ năng lao động; tăng cường đối thoại xã hội và tiếng nói của người lao động, người sử dụng lao động và hỗ trợ doanh nghiệp bền vững.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định ổn định và phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, kịp thời ứng phó với các thách thức của kinh tế trong và ngoài nước là điểm nhấn quan trong năm 2023.
“Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động bền vững, hiệu quả; tập trung rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ…) để có phương án kết nối cung-cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu; tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm…” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()