Thị trường lao động năm 2021 khởi sắc theo “làn sóng” dòng vốn FDI
Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, một phần lớn người lao động ở Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ mất việc, thất nghiệp và bị bỏ rơi trong xu thế dịch chuyển việc làm mạnh mẽ trong năm 2021.
Trong những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia phát triển đang dần chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam, trong đó năm 2021 tiếp tục được đánh giá là một năm đầy triển vọng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
Tận dụng các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam đã ký kết, những dự án FDI hứa hẹn sẽ ngày càng nhiều, tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến thị trường lao động Việt Nam.
Những thay đổi tích cực
Sau hơn 30 năm mở cửa, hội nhập với kinh tế thế giới và nỗ lực cải cách mạnh mẽ thể chế, môi trường kinh doanh, Việt Nam đang nổi lên trở thành điểm dến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã trực tiếp tác động mạnh mẽ vào thị trường lao động Việt Nam. Trong năm 2021, dự báo cho thấy làn sóng FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và tạo nên những thay đổi tích cực với thị trường lao động.
Bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam cho biết một phân tích về thị trường lao động Việt Nam ngày nay so với hai mươi năm trước đây chỉ ra rằng thị trường lao động phản ánh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Theo bà Valentina Barcucci, tại thời điểm năm 2000, gần 2/3 lực lượng lao động (65,3%) có việc làm thuộc lĩnh vực nông nghiệp. 20 năm sau đó, tỷ trọng 2/3 thuộc lĩnh vực nông nghiệp đó đã giảm xuống còn khoảng 1/3 (37,2%). Tỷ lệ một phần ba giảm đi của ngành nông nghiệp đó đã được phân bổ sang lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp.
Trong khi tại thời điểm năm 2000, nông nghiệp là lĩnh vực tuyển dụng nhiều lao động nhất cả nước thì ngày nay, lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp tuyển dụng số lao động gần tương đương nhau là khoảng 37% và theo sát là lĩnh vực công nghiệp (25,5% tổng số việc làm).
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đã có tác động không nhỏ tới sự phát triển của thị trường và năng suất cũng như thu nhập của người lao động.
Cụ thể, số lượng công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp đã được gia tăng đáng kể. Số lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng từ 330.000 năm 1995 lên khoảng 6,1 triệu lao động vào năm 2019. Tốc độ tăng lao động của khu vực FDI bình quân 7,72%/năm, cao hơn nhiều tăng trưởng lao động toàn nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác.
Tính đến cuối tháng 12/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 28,5 tỷ USD. Con số này đã giảm 25% so với năm 2019 do đại dịch COVID-19 gây những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù vậy, do kiểm soát dịch COVID-19 tốt, các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục đầu tư mới hay tăng nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam.
Theo khảo sát của Navigos Search, các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản trong mảng linh kiện điện tử và ôtô đang có kế hoạch mở rộng trong năm 2021 tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất thuộc châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đang tìm hiểu thị trường để đầu tư xây nhà máy và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường phía Nam.
Nhờ sự đầu tư mở rộng của các doanh nghiệp, năm ngành nghề dự đoán hoạt động tuyển dụng sẽ sớm phục hồi gồm: Công nghệ thông tin và truyền thông; bán sỉ, bán lẻ và thương mại; chế biến và sản xuất; dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp; chăm sóc sức khỏe và y tế.
Trong năm 2021, các công ty trong mảng công nghệ thông tin cũng đang có nhu cầu phát triển rất lớn với kế hoạch tuyển dụng hàng nghìn kỹ sư công nghệ thông tin. Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền Bắc Navigos Search, nhân sự các mảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, công nghệ tài chính (fintech), thương mại điện tử… sẽ dần khôi phục vì đây là những mảng thị trường phát triển ổn định.
Song song đó, mảng bảo hiểm nhân thọ sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí cấp cao hoặc tư vấn tài chính do được dự đoán sẽ tăng trưởng 15%.
Xu hướng tuyển dụng nhân sự chất lượng cao
Sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao hơn được đẩy mạnh nhờ các dự án FDI mới.
Trong thời kỳ đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lao động thường tập trung vào một số ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may, da giày, song hiện nay, tỷ trọng lao động trong một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao đang gia tăng nhanh chóng. Tỷ trọng lao động trong ngành điện tử và sản phẩm điện tử đã tăng liên tục trong những năm gần đây.
Năng suất lao động cũng có sự chuyển biến tích cực nhờ nguồn vốn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao gấp 3-5 lần năng suất lao động chung của cả nước, cao hơn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp nói chung và của doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng.
Cơ cấu việc làm đang có xu hướng dịch chuyển từ các lĩnh vực thâm dụng lao động sang các ngành ứng dụng công nghệ. Việc làm sử dụng lao động phổ thông, ít kỹ năng sẽ giảm dần, thay vào đó là việc làm yêu cầu lao động có trình độ cao hơn và nhiều kỹ năng hơn.
Trong bối cảnh đó, người lao động, nhất là những lao động đã có tuổi, chưa qua đào tạo, ít kỹ năng, tay nghề yếu, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo và đào tạo lại để thích ứng với các ngành nghề mới.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Hiện nay, nguồn chất lượng nhân lực của chúng ta còn thấp, quan hệ cung-cầu đang có vấn đề. Cung chưa đáp ứng cầu sử dụng và dịch chuyển quá trình lao động chưa phù hợp với quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế.”
Trong năm 2021, các doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng tập trung vào các nhân sự chất lượng cao với các công nghệ cập nhật nhất nhằm gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ. Để đón đầu được các xu hướng đầu tư nước ngoài mới và để người lao động Việt Nam được thụ hưởng lợi ích trong một nền kinh tế bền vững, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần chủ động xây dựng các chiến lược hành động toàn diện, cùng nhau kiến tạo một thị trường liên thông, hoàn chỉnh, với hệ sinh thái đa dạng, có tính lan tỏa cao và có sự liên kết chặt chẽ với thị trường quốc tế.
“Bước vào khế kỷ 21, thách thức lớn nhất là Việt Nam phải phát triển trở thành nước công nghiệp hóa, vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình. Chiến lược công nghiệp hóa đất nước thời gian tới đòi hỏi các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài phải có sự thay đổi căn bản về chất, thu hút có chọn lọc; ưu tiên những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao quản trị hiện đại, những công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ hơn với sản xuất trong nước, thân thiện hơn với môi trường,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, một phần lớn người lao động ở Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ mất việc, thất nghiệp và bị bỏ rơi trong xu thế dịch chuyển việc làm.
“Ngành công nghiệp chế tạo với giá trị gia tăng thấp chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực FDI hiện tại đã và đang là công cụ khởi đầu cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, một nền công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, với đổi mới, sáng tạo và một lực lượng lao động có kỹ năng lại là cần thiết để đảm bảo nền kinh tế có thể phát triển hơn nữa,” bà Valentina Barcucci nhấn mạnh./.
Ý kiến ()