Thị trường lao động: Doanh nghiệp ồ ạt tuyển dụng vào dịp cuối năm
Xu hướng tuyển dụng các tháng cuối năm thường rất đa dạng, sôi động. Các ngành nghề đều có nhu cầu tuyển lao động đáp ứng các đơn hàng Tết cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực cho năm sau.
Tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, cuối năm và sát Tết bao giờ cũng là thời điểm thị trường lao động sôi động hơn bao giờ hết. Dịch vụ, sản xuất thường là những ngành “khát” lao động hơn cả.
Sôi động thị trường nhân sự ngành dịch vụ
Tại Bình Dương, từ đầu tháng 10/202, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đã bắt đầu tăng trở lại để đáp ứng các đơn hàng Tết. Ước tính từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp sẽ tuyển khoảng 5.000-10.000 lao động.
Một khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho thấy trong quý 4, một số doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Maruichi Sun Steel, Công ty TNHH Polytex Far Eastern, Công ty TNHH Kolon Industries, Công ty TNHH Dong Hwa… có kế hoạch tuyển dụng mỗi công ty từ 300-500 công nhân. Ngoài ra, các công ty dịch vụ kho vận cũng cần từ 500-700 lao động làm việc tại vị trí nhân viên kho.
Trong khi đó, hàng trăm doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai cũng đang ráo riết tuyển gần 18.000 lao động để bổ sung vào kế hoạch sản xuất kinh doanh cuối năm và chuẩn bị nguồn nhân lực cho năm sau.
Nhu cầu tuyển dụng cuối năm tại các tỉnh thành có khu công nghiệp lớn chủ yếu vẫn tập trung vào lao động để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng “khát” lao động sản xuất năm nay đã hạ nhiệt do các ngành hàng dệt may, da giày vẫn còn đang gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, nhu cầu tuyển dụng lớn nhất đang tập trung vào ngành dịch vụ, đặc biệt là tại các thành phố lớn.
Thị trường việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh những tháng cuối năm cũng ngày càng sôi động hơn. Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (FALMI) nhận định trong quý IV/2022, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có nhu cầu tuyển khoảng 70.000-75.000 lao động để phục vụ hoạt động kinh doanh cuối năm.
Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc FALMI cho biết nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ (chiếm tới 66%); công nghiệp, xây dựng (chiếm 33%). Doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng nhân sự làm việc thường xuyên, nhu cầu tuyển dụng lao động bán thời gian để phục vụ đợt cao điểm Tết chỉ chiếm khoảng 15%.
Tại Hà Nội, các doanh nghiệp liên tục có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng lên so qua từng tháng để phục vụ cho việc hoàn thành đơn hàng trong năm đã ký kết và phục vụ những kỳ nghỉ lễ lớn (Giáng Sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2023).
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết xu hướng tuyển dụng các tháng cuối năm cũng rất đa dạng. Những ngành nghề liên quan đến thương mại, dịch vụ có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất; tiếp đến là các ngành liên quan đến sản xuất như cơ khí, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, dệt may da giày, xây dựng. Bên cạnh đó, vào thời điểm này các doanh nghiệp cũng đăng ký tuyển dụng nhiều lao động thuộc ngành công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử…
Dòng vốn FDI giúp gia tăng nhu cầu tuyển dụng
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 3/2022, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 15,4 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 2018. Trong bối cảnh đó, thị trường tuyển dụng lao động cũng đang trên đà tăng trưởng.
Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc trụ sở Hà Nội của Adecco Việt Nam cho biết dữ liệu của Adecco Việt Nam cho thấy sự gia tăng ổn định số lượng cơ hội việc làm mới và số lượng hồ sơ ứng tuyển so với cùng kỳ năm ngoái.
“Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư dành cho khu công nghiệp đã tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp,” bà Hà cho hay.
Ngành dịch vụ cũng ghi nhận tín hiệu tích cực về nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống nhờ việc nới lỏng các hạn chế COVID-19 và độ phủ vaccine cao cho phép người tiêu dùng quay lại với các thói quen và cuộc sống trước đại dịch. Nhu cầu nhân sự ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn cũng đã và đang phục hồi kể từ khi Việt Nam quyết định mở cửa cho du khách nước ngoài.
Sự hỗ trợ tốt từ Chính phủ cùng với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, chi phí lao động cạnh tranh, ít hạn chế vì dịch bệnh… là một số lý do khiến Việt Nam đang dần trở thành điểm đến lý tưởng để dịch chuyển chuỗi cung ứng và mang đến cơ hội trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng đó, nhu cầu tuyển dụng lao động đều tăng cả ở các vị trí cấp trung, cấp cao lẫn lao động kỹ thuật, lao động phổ thông./.
Ý kiến ()