Thị trường lao động châu Á đối mặt thách thức
Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đối với thị trường lao động tại châu Á. Trong bối cảnh đó, chính phủ các nước trong khu vực tích cực triển khai các biện pháp nhằm từng bước khôi phục hoạt động kinh tế, bảo đảm việc làm cho người dân.
Mới đây Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của châu Á xuống mức -1,6%, trong bối cảnh những thách thức do đại dịch Covid-19 tiếp tục gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Trong bức tranh kinh tế ảm đạm đó, thị trường lao động châu Á cũng ghi nhận những gam mầu xám. Hoạt động kinh tế đình trệ dẫn tới tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng ở các nước.
Tại Nhật Bản, số lao động không có việc làm đã tăng lên mức kỷ lục sáu triệu người trong tháng 4 vừa qua, tương đương 8,8% lực lượng lao động, từ con số chỉ 2,5 triệu người thất nghiệp trong tháng 3. Cơ quan thống kê của Phi-li-pin cho biết, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong tháng 4 cũng tăng lên mức kỷ lục 17,7%. Nói cách khác, ít nhất 7,3 triệu người Phi-li-pin đã mất việc làm trong tháng 4 vừa qua do dịch Covid-19. Tại In-đô-nê-xi-a, theo số liệu thống kê chính phủ vừa công bố, đại dịch đã cản trở quá trình tạo việc làm mới, đồng thời gây ra làn sóng sa thải hàng loạt khi tính đến đầu tháng 6 vừa qua, có tới hơn ba triệu lao động mất việc làm. Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong tháng 5-2020 đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua. Số lao động có việc làm đã giảm hơn 390 nghìn người, xuống còn 26,93 triệu người trong tháng 5. Đây cũng là lần đầu Hàn Quốc chứng kiến thị trường việc làm sụt giảm ba tháng liên tiếp kể từ tháng 10-2009, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Giới chuyên gia nhận định, cú sốc Covid-19 đã để lại hậu quả nghiêm trọng đối với các nền kinh tế châu Á nói chung, trong đó lĩnh vực dịch vụ, như nhà hàng, khách sạn, du lịch và giải trí chịu thiệt hại nặng nề. Bên cạnh đó, lĩnh vực chế tạo, xuất khẩu cũng đối mặt nhiều khó khăn, chủ yếu do thiếu nguyên liệu sản xuất và hoạt động xuất khẩu đình trệ. Đây là các ngành kinh tế tạo ra nhiều việc làm, song trước những thách thức do đại dịch gây ra, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải đóng cửa hoặc cắt giảm nhân công. Nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu làn sóng Covid-19 thứ hai xuất hiện hoặc hoạt động xuất khẩu sang các nền kinh tế phương Tây tiếp tục sụt giảm, một lượng lao động khổng lồ sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp, khiến thị trường lao động tại châu Á đối diện tình huống nghiêm trọng hơn, nhất là khi nhiều nền kinh tế trong khu vực phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Trong bối cảnh nêu trên, nhiều nước trong khu vực đã đẩy nhanh chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và bảo đảm việc làm cho người lao động. Mới đây, Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất gói ngân sách bổ sung thứ ba trị giá 29 tỷ USD, nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ chốt và bảo vệ việc làm. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Ma-lai-xi-a (BNM) hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục nhằm giảm tác động của dịch Covid-19. Đây là lần thứ 4 liên tiếp BNM hạ lãi suất cơ bản. Trước đó, Ma-lai-xi-a đã công bố kế hoạch phục hồi kinh tế ngắn hạn với 40 sáng kiến trị giá 8,2 tỷ USD. Phần lớn các sáng kiến tập trung vào nỗ lực bảo đảm việc làm cho người dân như tạo công việc ngắn hạn, đào tạo kỹ năng lao động và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp. Chính phủ Thái-lan cũng triển khai hàng loạt biện pháp hỗ trợ nhằm khôi phục nền kinh tế trong nước bằng cách tập trung tạo việc làm và đưa ra các chương trình đào tạo để cải thiện kỹ năng của người lao động cùng những biện pháp giúp sinh viên mới ra trường.
Tổ chức Lao động quốc tế mới đây cảnh báo thế giới vẫn đối mặt nguy cơ tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm việc làm trên quy mô lớn do đại dịch và khu vực châu Á không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, giới phân tích kỳ vọng, với sự nỗ lực và hành động quyết liệt của các quốc gia trong khu vực, thị trường lao động tại châu Á sẽ từng bước được khôi phục.
Ý kiến ()