Thị trường hồi phục, xuất khẩu nông sản, công nghiệp chế biến tăng trưởng cao
Bộ Công Thương đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập.
Thị trường phục hồi tích cực đã giúp xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng, gồm công nghiệp chế biến, nhiên liệu khoáng sản và nông sản, trong đó giá xuất khẩu tăng giúp nhóm nông sản thu về hơn 25 tỷ USD trong 8 tháng vừa qua.
Thị trường Mỹ, EU đều hồi phục tích cực
Đại diện Bộ Công Thương cho biết sau 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Thống kê cho thấy nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sơ bộ đạt 25,19 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
“Do giá xuất khẩu tăng nên kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: càphê tăng 36%; gạo tăng 21,7%; chè các loại tăng 33%; rau quả tăng 31%; nhân điều tăng 23%; hạt tiêu tăng 44,9%,” đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Sau 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo sơ bộ đạt gần 225 tỷ USD, chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 40,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28%; sản phẩm chất dẻo tăng 31%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 21,8%; sắt thép các loại tăng 11,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 22,5%; hàng dệt và may mặc tăng 7,3%; giầy dép các loại tăng 12,7%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 11,5%... Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản sơ bộ đạt 2,78 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 0,8%).
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thông tin, trong 8 tháng vừa qua xuất khẩu dệt may thu về khoảng 28,3 tỷ USD, tăng khoảng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
“Điều đáng mừng là càng gần những tháng cuối năm, tình hình xuất khẩu khả quan hơn,” ông Cẩm cho hay, đồng thời đại diện Vitas cũng đưa ra dự báo cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể đạt con số 44 tỷ USD như mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Có được kết quả trên theo đánh giá của Bộ Công Thương là do xuất khẩu tới hầu hết các thị trường chủ lực đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số.
Đơn cử, xuất khẩu sang Hoa Kỳ ước đạt 77,9 tỷ USD, chiếm 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 25,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 19%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 37,86 tỷ USD, tăng 2,8%; thị trường EU đạt 34,4 tỷ USD, tăng 18,5%; Hàn Quốc ước đạt 16,8 tỷ USD, tăng 8,3%; Nhật Bản ước đạt 16,1 tỷ USD, tăng 5,6%.
Đẩy mạnh giải pháp thị trường
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu cũng tăng trưởng tích cực. Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau 8 tháng, cả nước đã chi khoảng 246,02 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa trong đó chủ yếu là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, đáp ứng cho các đơn hàng mới được ký kết.
Trong đó, riêng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 69,9 tỷ USD, tăng tới 26,9% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 31,2 tỷ USD, tăng 16,7%.
Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong 8 tháng sơ bộ đạt 13,18 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao như: hàng điện gia dụng và linh kiện tăng 19,5%; rau quả tăng 12,2%; Linh kiện phụ tùng ô tô dưới 9 chỗ tăng 11%.
Như vậy, sau 8 tháng, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 19,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,9 tỷ USD), trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,77 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh…
Vì vậy, để tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTA mang lại như hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)… Đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, UAE, để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhằm khơi thông thị trường, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập. Duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, triển khai các biện pháp thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc về hạ tầng thương mại biên giới và thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại biên giới tại các địa phương biên giới phía Bắc, giúp hàng hóa được lưu thông thuận lợi, nâng cao giá trị xuất khẩu./.
Ý kiến ()