Thị trường hàng hóa nội địa có xu hướng tăng trưởng trưởng khá
Hoạt động thương mại nội địa dịch vụ trong 5 tháng đầu năm nay tiếp tục xu hướng tăng trưởng khá, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết hoạt động thương mại nội địa dịch vụ trong 5 tháng đầu năm nay tiếp tục xu hướng tăng trưởng khá, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
Theo Vụ Thị trường trong nước, thời tiết đang vào mùa nắng nóng nên nhu cầu đối với một số nhóm hàng thực phẩm giảm nhưng ngược lại các mặt hàng đồ gia dụng làm mát lại tăng.
Cùng đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm giá có xu hướng ổn định hoặc giảm. Một số mặt hàng trái cây có tính mùa vụ cao như vải, xoài, mận… đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch rộ.
Nhưng, do các địa phương đã triển khai tốt hoạt động xúc tiến thương mại nên giá vẫn duy trì ở mức ổn định.
Hơn nữa, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng cho hay do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới nên trong tháng 5 giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng trong kỳ điều hành ngày 2/5 và giảm trong kỳ điều hành ngày 17/5.
Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 đạt 403.800 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Như vậy, tính chung cả 5 tháng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.983.700 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,6% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,5%).
Với mức tăng trưởng khá cao cho thấy thị trường trong nước luôn ổn định, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân được duy trì tốt. Lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, không xảy ra thiếu hàng sốt giá.
Đáng lưu ý, do có kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 khá dài nên doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng qua đạt 236.000 tỷ đồng, chiếm 11,9% tổng mức và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.
Chính vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia thương mại dự báo, trong thời gian tới các yếu tố chính trị và căng thẳng thương mại giữa các nước lớn tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường các mặt hàng thiết yếu.
Giá xăng dầu diễn biến tăng giảm đan xen, giá một số nông sản tăng nhẹ sẽ tác động đến thị trường các mặt hàng thiết yếu trong nước.
Cùng với đó, nhu cầu du lịch, dịch vụ tăng trong dịp nghỉ hè, nhu cầu tiêu thụ điện, nước sinh hoạt tiếp tục tăng khi thời tiết nắng nóng…
Tuy nhiên, do nguồn cung các mặt hàng tương đối dồi dào nên cung cầu luôn được bảo đảm, mặt bằng giá hàng hóa sẽ không có biến động lớn.
Vì vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nội địa để góp phần thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng biên giới, hải đảo.
Ngoài ra, nhằm tạo sự đồng thuận trong điều hành của Nhà nước và bình ổn thị trường Bộ sẽ tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()