Thị trường hàng hóa đón nhận lực mua tích cực
Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua hoàn toàn áp đảo trên thị trường hàng hóa trong ngày giao dịch hôm qua, 27/3. Đóng cửa, có đến 26 trên tổng số 31 mặt hàng tăng giá đã kéo chỉ số MXV-Index tăng mạnh 1,4% lên 2.261 điểm, cao nhất trong 9 phiên trở lại đây. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức 4.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Dầu thô bật tăng mạnh
Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong vòng hai tuần do sự gián đoạn nguồn cung ở nhiều khu vực và tâm lý lạc quan khi cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng đang được ngăn chặn. Kết thúc phiên 28/3, giá dầu thô WTI tăng 5,13% lên 72,81 USD/thùng, và giá dầu thô Brent tăng 4,25% lên 77,76 USD/thùng.
Tranh chấp pháp lý giữa Iraq, khu vực bán tự trị Kurdistan và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến dòng chảy xuất khẩu dầu lên tới 400.000 thùng/ngày phải dừng lại. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất dầu tại Pháp cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi mà các nhà máy lọc dầu chỉ hoạt động với một phần nhỏ công suất bình thường, do ảnh hưởng của các cuộc đình công về kế hoạch cải cách lương hưu. Theo Bloomberg, khoảng 80% công suất xử lý dầu thô của Pháp bị ảnh hưởng, và làm giảm nguồn cung dầu diesel của nước này còn 200.000 thùng/ngày.
Đối với nguồn cung dầu của Nga, các lô hàng xuất khẩu đã giảm 123.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 24/3, còn 3,1 triệu thùng/ngày. Số liệu cho thấy, Nga vẫn chưa hoàn tất việc cắt giảm sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày như đã thông báo từ trước đó. Khu vực châu Á, với những cái tên quen thuộc như: Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ kỳ vẫn là khách hàng chính của Nga. Khối lượng dầu thô đến những khu vực này cùng với số lượng trên các tàu chưa cho thấy điểm đến cuối cùng giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tuần.
Ngoài các yếu tố cơ bản về cung cầu, sức mua được cải thiện đáng kể trên thị trường dầu khi mà First Citizen Bank Shares đã tiến hành mua lại Ngân hàng Silicon Valley. Bloomberg cũng đưa tin rằng, các nhà chức trách ở Mỹ đang cân nhắc mở rộng chương trình cho vay khẩn cấp đối với các ngân hàng, và điều này có thể làm giảm sức ép trên thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nguy cơ suy thoái giảm cũng làm triển vọng tiêu thụ dầu trở nên sáng sủa hơn và hỗ trợ cho giá.
Đồng USD suy yếu trong phiên hôm qua, một mặt làm cho chi phí đầu tư và kinh doanh dầu thô giảm, mặt khác phản ánh dòng tiền rời khỏi các thị trường trú ẩn và phân bổ vào các thị trường đầu tư rủi ro, trong đó có thị trường dầu. Chỉ số Dollar Index giảm 0,25% về 102,86 điểm.
Theo MXV, mặc dù hướng phục hồi của giá dầu đang được hỗ trợ chủ yếu bởi tâm lý lạc quan hơn của các nhà đầu tư trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, rủi ro suy thoái kinh tế còn hiện hữu, nhất là trong bối cảnh các Ngân hàng Trung ương vẫn cần thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Nguồn cung trong ngắn hạn nhìn chung vẫn tương đối dồi dào, do đó, đà tăng của giá dầu thô sẽ còn nhiều lực cản. Trong 1-2 tháng tới, giá dầu có thể hướng tới vùng 75-76 USD/thùng nhưng nhiều khả năng sẽ khó bứt phá khỏi ngưỡng này.
Giá nông sản tiếp đà hồi phục
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá ngô nối tiếp đà tăng và hoạt động mua hàng từ Trung Quốc được đẩy mạnh trong giai đoạn gần đây lại tiếp tục đóng vai trò là yếu tố thúc đẩy giá. Giá mặt hàng này đóng cửa ở mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua.
Trong báo cáo Daily Export Sales, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, Trung Quốc đã tiếp tục mua 204.000 tấn ngô niên vụ 2022/23. Điều này cho thấy triển vọng nhu cầu sản xuất gia tăng nhờ việc mở cửa trở lại sau gần 3 năm áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đại dịch Covid-19 của quốc gia tỷ dân và từ đó tạo hỗ trợ cho giá.
Bên cạnh đó, theo khảo sát của tạp chí FarmProgress, nông dân đang lựa chọn các loại cây trồng chịu hạn nhiều do độ ẩm của đất cạn kiệt là một thách thức đáng kể đối với cây trồng trong mùa trồng trọt năm 2023 sắp tới. Chính vì thế diện tích ngô dự kiến sẽ giảm xuống và đạt khoảng 87,7 triệu mẫu, giảm 1% so năm ngoái là mức thấp nhất kể từ mức 86,4 triệu mẫu trong niên vụ 2009/2020. Đây sẽ là cơ sở cho số liệu trong báo cáo chính thức của USDA được phát hành vào tối thứ 6 tuần này. Khả năng diện tích thu hẹp trong khi nhu cầu ngắn hạn gia tăng mạnh mẽ là nguyên nhân lý giải cho diễn biến tăng giá của ngô trong phiên hôm qua.
Giá lúa mì cũng ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp. Bên cạnh các thông tin hỗ trợ, diễn biến chung từ các mặt hàng khác trong nhóm nông sản cũng thúc đẩy lực mua đối với lúa mì.
Theo báo cáo Export Inspections, khối lượng lúa mì từ Mỹ lên tàu xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong tuần vừa rồi đạt mức 392,484, cao hơn so với báo cáo trước và cùng kỳ năm ngoái. Điều này phản ánh vị thế cạnh tranh của nguồn cung từ Mỹ đang dần được cải thiện và thúc đẩy lực mua đối với mặt hàng này.
Ngoài ra, cũng theo Farm Progress, tổng diện tích gieo trồng lúa mì Mỹ năm nay có thể đạt mức 45,74 triệu mẫu, gần như không thay đổi so với năm ngoái. Trong đó, nông dân dự kiến sẽ trồng 31,42 triệu mẫu Anh lúa mì vụ đông, nhưng thấp hơn dự báo 36,95 triệu mẫu của USDA. Thông tin này cũng góp phần hỗ trợ nhẹ đối với giá lúa mì.
Giá nguyên liệu đầu vào ngành thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở vùng giá thấp
Ghi nhận trong sáng nay, giá chào bán ngô Nam Mỹ về Việt Nam đối với các kỳ hạn giao quý II năm nay đồng loạt được điều chỉnh tăng nhẹ so với ngày hôm qua. Tại cảng Cái Lân, giá ngô được chào bán trong khoảng 7.800-8.200 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào tại cảng Vũng Tàu thấp hơn một chút, dao động ở mức 7.700-8.150 đồng/kg. Còn đối với lúa mì, tại miền bắc, lúa mì Úc được giao dịch ở mức 8.100 đồng/kg. Mặc dù giá giao dịch tại thị trường nội địa đã tăng nhẹ trong 2 ngày gần đây, tuy nhiên giá nguyên liệu nhập khẩu vẫn đang thấp hơn khoảng 200-250 đồng/kg so với hồi đầu tháng 3, đây là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước khi mà giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt.
Ý kiến ()