Thị trường dầu thô và đường giữ xu hướng tăng
Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết, đóng cửa ngày giao dịch 8/12, chỉ số các nhóm hàng hóa đang giao dịch liên thông với thế giới tiếp tục diễn biến trái chiều so phiên trước đó. Nổi bật là sắc xanh của các mặt hàng nhóm năng lượng và nguyên liệu công nghiệp.
Dầu thô giữ sắc xanh
Năng lượng và kim loại vẫn là hai nhóm mặt hàng dẫn dắt đà tăng, giúp chỉ số MXV-Index có phiên tăng thứ 5 liên tiếp lên mức 2.279,81 điểm. Mặc dù vậy, tâm lý thận trọng của giới đầu cơ khi giá đã tăng liên tục khiến cho dòng tiền giảm nhẹ 10% trong phiên hôm qua về mức gần 3.700 tỷ.
Dầu thô tăng 3 phiên liên tiếp với kỳ vọng dịch Covid-19 dần được kiểm soát. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô WTI tăng 0,43% lên 72,36 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 0,5% lên 75,82 USD/thùng.
Trong phiên, giá dầu đã có lúc giảm gần 1 USD/thùng khi có thông tin nước Anh xem xét thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Covid-19 mới Omicron. Tuy nhiên, giá đã nhanh chóng hồi phục sau khi công ty sản xuất vaccine Pfizer cho biết 3 liều vaccine của hãng có tác dụng bảo vệ khỏi biến chủng Omicron và những ngời tiêm đủ 2 liều cũng có được bảo vệ một phần. Như vậy, có thể kỳ vọng sắp tới các quốc gia sẽ tiếp tục thúc đẩy nỗ lực tiêm liều thứ 3 bổ sung để bảo vệ thành quả chống dịch cũng như ổn định và phát triển nền kinh tế.
Trong khi đó, Báo cáo Dầu khí hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) tối qua không tạo ra được phản ứng trên thị trường, với số liệu tồn kho dầu thương mại chỉ giảm nhẹ 0,2 triệu thùng, so kỳ vọng giảm 1,7 triệu thùng của thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm cung cấp cho thị trường trung bình 4 tuần đạt 20,9 triệu thùng, quay trở lại mức tiêu thụ trước dịch Covid-19 cho thấy về cơ bản nhu cầu tại Mỹ duy trì ở mức tốt.
Giá đường tăng 5 phiên liên tiếp
Cùng diễn biến với giá dầu nhưng bất ngờ hơn, giá đường đã tăng phiên thứ 5 liên tiếp chủ yếu phần nhờ vào đà tăng của thị trường dầu thô, bởi sản lượng mía sẽ được dùng để đáp ứng nhu cầu sản xuất ethanol và sẽ làm nguồn cung đường bị thắt chặt.
Kết thúc phiên hôm qua, hợp đồng đường thô 11 kỳ hạn tháng 3/2022 tăng gần 2% lên 19,82 cents/pound, ghi nhận mức cao nhất trong vòng 2 tuần. Hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn cũng tăng 1,6% lên 513,7 USD/tấn. Tuy nhiên theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, giá khó có thể quay lại mức đỉnh cuối tháng 11 vì thị trường hiện chưa có yếu tố nào đủ mạnh như hạn hán hay sương giá để tác động tiêu cực đến nguồn cung đường toàn cầu.
Trên thị trường nội địa, giá mía đường cũng tăng theo đà phục hồi của thế giới. Diện tích mía được cải thiện hơn khi người nông dân tiếp tục đầu tư. Tại ngày 03/12, giá mía bình quân tại ruộng ở khu vực miền nam đạt khoảng 1-1,1 triệu đồng/tấn, cao nhất cả nước và tăng mạnh 250.000 đồng/kg so niên vụ 2020/21.
Giá đường bán buôn trong nước hiện nay cũng ở mức 20.000 đồng/kg, là mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá bán lẻ của đường trắng dao động khoảng dưới 22.000 đồng/kg, tăng hơn 50% so thời điểm đầu năm.
Ý kiến ()