Thị trường chứng khoán và năng lượng đi lên trong phiên 31/1
Trong phiên giao dịch sáng 31/1, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,66%, chỉ số Hang Seng tiến 0,31% trong khi giá dầu châu Á tăng 1%, dao động gần mức cao nhất 7 năm.
Chứng khoán châu Á đi lên trong đầu phiên sáng 31/1, dù một số thị trường quan trọng đóng cửa nghỉ Tết Nguyên Đán và nỗi lo về lãi suất cũng như lạm phát vẫn ám ảnh nhà đầu tư.
Phiên này, chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương MSCI (không bao gồm Nhật Bản) giảm 0,1% trong phiên giao dịch thưa thớt. Các thị trường tài chính ở Trung Quốc (gồm Thượng Hải và Đài Loan) và Hàn Quốc đều đóng cửa nghỉ lễ vào thứ Hai.
Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản mở cửa thấp hơn nhưng đã nhanh chóng về lại vùng tích cực vào đầu phiên 31/1, khi nhà đầu tư chuyển sự chú ý đến các báo cáo thu nhập của các công ty lớn trong tuần này và tuần tới, bao gồm Sony vào thứ Tư và Nintendo vào thứ Năm.
Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo phiên này tăng 0,66% (tương đương 177,55 điểm) ở mức 26.894,89 điểm.
Chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) bắt đầu ngày thứ Hai với mức tăng nhỏ trong phiên giao dịch khá “mỏng” khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài ba ngày. Chỉ số Hang Seng tiến 0,31% (74,06 điểm) lên 23.624,14 điểm.
Tuần này, thị trường chứng khoán thế giới sẽ chú ý đến việc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có khả năng tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp sắp tới, tiếp tục xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên chính sách.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng nhóm họp trong tuần, song dự kiến sẽ giữ nguyên lập luận rằng lạm phát sẽ giảm dần theo thời gian.
Khiến nỗi lo về lạm phát tiếp tục tăng cao là việc giá dầu châu Á tăng 1% trong sáng 31/1, dao động gần mức cao nhất 7 năm giữa bối cảnh thị trường lo ngại về nguồn cung thắt chặt cũng như căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu và Trung Đông.
Phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn được giao dịch ở mức 89,69 USD/thùng, tăng 1,17 USD hay 1,3%. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 99 cent (1,1%) lên 87,81 USD/thùng.
Cả hai loại dầu tiêu chuẩn đều ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 10/2014 vào thứ Sáu tuần trước (28/1), lần lượt là 91,70 USD/thùng và 88,84 USD/thùng.
Ông Toshitaka Tazawa, một nhà phân tích tại công ty môi giới chứng khoán Fujitomi Securities Co Ltd., cho biết dựa trên kỳ vọng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ duy trì chính sách tăng dần sản lượng tại cuộc họp ngày 2/2, giá dầu có thể sẽ duy trì xu hướng tăng trong tuần này. Ông dự báo giá dầu Brent sẽ duy trì trên ngưỡng 90 USD/thùng và WTI sẽ hướng tới mốc này.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây cũng giúp củng cố giá dầu thô. Mối quan hệ giữa Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới và phương Tây đang ngày càng căng thẳng liên quan tới vấn đề Ukraine, làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu có thể bị gián đoạn.
Thị trường cũng đang trong tình trạng báo động về tình hình Trung Đông sau khi lực lượng Houthi tại Yemen tiếp tục tiến hành hành động quân sự nhằm vào Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE)./.
Ý kiến ()