Thị trường bất động sản đón nhận “luồng gió mới”
Sau hơn hai tháng Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, mặc dù còn một số vướng mắc, song nhìn chung thị trường bất động sản (BĐS) đã có những hiệu ứng khá tích cực. Lượng cung - cầu đều tăng, dòng vốn chảy mạnh vào BĐS, các doanh nghiệp (DN) cũng từng bước thay đổi cách thức làm ăn để tồn tại trong khung pháp lý mới chặt chẽ hơn.
“Mở cửa” thị trường
Khác với tâm lý rụt rè cách đây vài năm, chị Vũ Thị Hương, một nhà đầu tư từ Hà Nội đã mạnh dạn đầu tư cùng lúc ba căn hộ tại một dự án ở Bến Vân Đồn, quận 4, TP Hồ Chí Minh. Chị lý giải, với những ràng buộc chặt chẽ trong Luật Kinh doanh BĐS, cộng với việc chủ đầu tư buộc phải ký với ngân hàng bảo lãnh tiến độ bàn giao nhà, chị đã yên tâm rút tiền tiết kiệm để chuyển hướng đầu tư vào căn hộ chung cư. Sau này, nếu không có nhu cầu sử dụng, chị cũng có thể cho thuê mỗi tháng vài chục triệu đồng. Là một khách hàng nước ngoài, ông San-va-tô Pa-sa-ri (quốc tịch Ô-xtrây-li-a) bỗng dưng nổi trội giữa hàng trăm khách hàng tại lễ mở bán căn hộ dự án ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) bởi ông không chỉ là vị khách đến mua nhà mà còn làm môi giới để giới thiệu 10 vị khách khác đến từ Ô-xtrây-li-a mua nhà tại Việt Nam. Khi nhà đầu tư đã mạnh tay “xuống tiền”, các công ty BĐS cũng nhân cơ hội chào bán ra thị trường nhiều sản phẩm mới, từ phân khúc bình dân đến cao cấp. Công ty đầu tư và kinh doanh BĐS Hưng Thịnh, sau khi tiêu thụ hết khoảng 500 căn hộ tại dự án Sky Center (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đã tiếp tục tung ra thị trường dự án Florita (quận 7) với gần 600 căn hộ. Ở phân khúc bình dân, đón dòng khách hàng là những trí thức trẻ và hàng nghìn người nước ngoài đang làm việc tại khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức tung ra thị trường chung cư TDH – Phước Long (quận 9).
So với TP Hồ Chí Minh, thị trường BĐS Hà Nội tuy không sôi động bằng, song cũng bắt đầu phát tín hiệu khởi động. Nhiều dự án “đắp chiếu” đã rục rịch triển khai, trong khi số khác đẩy mạnh hoàn thiện công trình. Theo Phó giám đốc Dự án Park City Hà Nội Vũ Hoàng Anh, 60 căn hộ thấp tầng tại tiểu khu Ngọc Lan đã được ký hợp đồng đặt mua và công ty đang tiếp tục triển khai xây dựng các tiểu khu tiếp theo, ưu tiên phân khúc biệt thự liền kề. Nhìn chung, thị trường đã “dễ thở” hơn, giao dịch tăng, niềm tin trở lại, tạo điều kiện cho công ty triển khai mạnh mẽ các khu vực khác. Đại diện một công ty môi giới BĐS cho biết, công việc làm ăn dù không thể so sánh với thời kỳ đỉnh cao những năm trước song đã bớt trầm lắng hơn. Đơn cử, dự án Mipec Riverside (quận Long Biên), các căn hộ diện tích dưới 120 m2 với giá bán khoảng 33 triệu đồng/m2 đã bán hết, thậm chí nếu muốn mua lại các căn hộ dạng này đã phải trả “vênh” thêm khoảng 500 triệu đồng/căn. Hiện nay, tình hình đầu cơ vẫn còn, một số BĐS bị “đẩy giá” quá cao, do vậy khi hai luật mới có hiệu lực và đi vào cuộc sống, chắc chắn sẽ điều chỉnh lại thị trường, giúp khách hàng tiếp cận nguồn hàng và mở rộng đối tượng hơn.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách
Theo báo cáo về thị trường BĐS quý II do Công ty CBRE Việt Nam công bố, nếu như đầu năm vẫn còn những hoài nghi về khả năng phục hồi của thị trường, thì hiện nay, bức tranh toàn cảnh thị trường BĐS đã trở nên rõ nét hơn, nhất là với thị trường căn hộ, đã thể hiện sự phục hồi một cách bền vững. Điều này đã được chứng minh bằng lượng tiêu thụ trong quý II tại TP Hồ Chí Minh đạt hơn 10 nghìn căn hộ, gồm cả dự án mới và đã chào bán trước đó, đánh dấu một kỷ lục mới về thanh khoản theo quý từ nhiều năm qua. Trong khi đó, tại Hà Nội, có khoảng 1.800 giao dịch thành công, tăng khoảng 3% so với tháng trước, tăng gần gấp đôi cùng kỳ. Mặc dù thị trường đã có những tín hiệu tốt, nhưng theo các chuyên gia BĐS, vẫn còn những khoảng trống giữa luật và thực tế, đòi hỏi phải có các quy định, hướng dẫn cụ thể, sát thực tế.
Một nhân viên môi giới dự án Florita cho biết, việc cho phép người nước ngoài mua nhà đã khiến lượng khách nước ngoài đến tìm hiểu mua nhà tăng gấp đôi sau ngày 1-7 nhưng bên bán cũng chỉ mới ra được hợp đồng thuê, còn hợp đồng mua bán vẫn phải chờ các quy định tiếp theo. Luật Nhà ở mới cho phép người nhập cảnh được mua nhà ở, nhưng các luật định liên quan chưa có, cho nên khách hàng vẫn chưa rõ là nhập cảnh ở mức độ nào mới đủ điều kiện mua? Hoặc sau khi mua, chuyển tiền như thế nào và nếu chuyển nhượng phải đóng thuế ra sao?… Ngay ở quy định bảo lãnh cho người mua nhà, sau một tháng Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực, nhiều chủ đầu tư vẫn loay hoay, lúng túng với quy trình, thủ tục bảo lãnh. Các DN cho rằng, nhiều dự án đang triển khai đã phải dùng chính dự án để vay vốn ngân hàng, do đó buộc chủ đầu tư phải có tài sản khác để thế chấp bảo lãnh ngân hàng, sẽ gây thêm khó khăn cho DN vì nhiều chủ đầu tư bán hàng để lấy tiền xây dựng chứ không phải bán xong để lấy tiền đó làm bảo lãnh. Đồng thời, ngân hàng làm bảo lãnh cho từng hợp đồng riêng lẻ hay cho toàn dự án, nếu riêng lẻ thì tài sản bảo đảm sẽ như thế nào?… Đây là những câu hỏi vẫn đang chờ lời giải đáp từ các cơ quan chức năng của Nhà nước.
Đánh giá về thị trường BĐS, Thứ trưởng Xây dựng Đỗ Đức Duy nhận định, thị trường hiện nay khá ổn định và không có biến động nhiều. Ngoài những con số thống kê đơn thuần về giao dịch tăng, tồn kho giảm, một số luật định mới tưởng chừng tác động xấu tới thị trường, lại cho thấy chiều hướng ngược lại. Các DN bước đầu tiếp cận với việc bảo lãnh ngân hàng, nhiều dự án đã công khai ngân hàng đồng hành, thậm chí có ý kiến cho rằng nên mở rộng thêm các ngân hàng nước ngoài tham gia bảo lãnh BĐS. Về khách quan, lượng tồn kho sẽ giảm chậm vì nguồn cung của nhiều phân khúc vẫn còn lớn và tồn đọng từ các nhà đầu tư thứ cấp nhiều năm trước. Bộ Xây dựng đang tích cực hoàn thiện các văn bản hướng dẫn của hai Luật Nhà ở và Kinh doanh BĐS để sớm đưa vào cuộc sống. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt nguồn cung theo quy hoạch và kế hoạch, tránh gây thêm những tác động xấu tới thị trường BĐS sau này.
Giao dịch tại phân khúc cao cấp tăng
Có một thay đổi thú vị là trong giai đoạn 2012-2013, tỷ lệ giao dịch BĐS thành công chủ yếu từ phân khúc bình dân, trong thời gian gần đây đã chuyển dịch sang phân khúc cao cấp. Trong quý II-2015, phân khúc cao cấp ghi nhận mức tiêu thụ khoảng 5.800 căn hộ, trong khi chỉ có khoảng 2.800 căn hộ được bán trong phân khúc bình dân.
Mác Thao-sen
Tổng Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam
Tiếp tục tăng nguồn cung nhà ở xã hội
Muốn BĐS phát triển, phải lấy tiềm lực nguồn cầu là quan trọng số một. Nhu cầu về nhà ở rất lớn, nhưng phụ thuộc vào tình hình phát triển của nền kinh tế. Đánh giá sơ bộ cho thấy, đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp còn nhiều, hàng triệu người vẫn đang tìm kiếm nhà ở tại phân khúc này.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()