Thị trường bảo hiểm tăng trưởng bền vững, ổn định
Năm 2017, trong bối cảnh chung của thị trường tài chính, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao, phát triển ổn định. Sang năm 2018, thị trường này được dự báo sẽ tiếp tục thu hút được nhiều nhà đầu tư có uy tín, tăng trưởng hiệu quả, bền vững với tốc độ tăng trưởng hơn 20%, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Duy trì đà tăng trưởng
Không những góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, thị trường bảo hiểm còn bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư, thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ. Bộ Tài chính cho biết, đến hết năm 2017, tổng tài sản toàn thị trường ước đạt 302.935 tỷ đồng (tăng 23,44% so với năm 2016), tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 248 nghìn tỷ đồng (tăng 26,74%), tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 106 nghìn tỷ đồng (tăng 21,20%), số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 29 nghìn tỷ đồng.
Khung khổ pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm ngày càng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, dễ tra cứu khi triển khai áp dụng. Đồng thời, cơ quan quản lý đã tháo gỡ vướng mắc, khai thông nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đầu tư trở lại nền kinh tế, tăng quyền chủ động và tính tự chịu trách nhiệm cho các DN trong việc xác định chi phí kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả, an toàn tài chính cho DN. Điểm nhấn trên thị trường trong năm 2017 còn được đánh giá thông qua động thái tạo hành lang pháp lý hỗ trợ DNBH triển khai các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội. Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, đến nay, hầu hết DNBH đã xây dựng đầy đủ các quy trình nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, từng bước chuẩn hóa các khâu trong hoạt động kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Nhiều DNBH đã tổ chức được hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, phục vụ hoạt động kinh doanh, và được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá, xếp hạng.
Mặc dù vậy, thị trường bảo hiểm vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục để phát huy hơn nữa vai trò cũng như bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường. Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm mặc dù được xây dựng tương đối đầy đủ, song cần có thêm các chính sách ưu đãi để khuyến khích hơn nữa DNBH đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm an sinh xã hội, sản phẩm bảo hiểm cho người có thu nhập thấp, sản phẩm bảo hiểm y tế. Năng lực quản trị, điều hành của một số DNBH, nhất là các DN trong nước còn yếu. Một số DNBH phi nhân thọ trong nước hiện nay vẫn đang áp dụng mô hình quản lý phi tập trung, phân cấp. Trong khi đó, hệ thống công nghệ thông tin lại chưa được đầu tư đúng mức, dẫn đến hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Khai thác thị trường tiềm năng
Tuy hài lòng về sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm những năm qua, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, năm 2018, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu thị trường bảo hiểm cần tập trung vào hai mục tiêu quan trọng. Thứ nhất, giữ vững một thị trường bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững, thu hút ngày càng đông các nhà đầu tư tham gia vào thị trường bảo hiểm. Thứ hai, nâng cao hơn nữa vai trò của thị trường bảo hiểm đối với nền kinh tế, góp phần thực hiện thành công các giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Để đạt được những mục tiêu nêu trên, cần có sự chung tay, góp sức của cả cơ quan quản lý và các DNBH.
Cụ thể, về phía cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Trước mắt, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách để hỗ trợ DN đa dạng hóa sản phẩm, nhất là các sản phẩm có ý nghĩa an sinh xã hội và có ý nghĩa đối với nền kinh tế như: bảo hiểm vi mô, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm thủy sản… Về dài hạn, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, dự kiến vào năm 2020, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý sẽ giúp tăng cường năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DNBH, thúc đẩy phát triển sản phẩm bảo hiểm mới, kênh phân phối mới, khuyến khích DN đầu tư phát triển các công nghệ hiện đại để tiếp cận rộng hơn mọi đối tượng khách hàng. Đồng thời, công tác quản lý, giám sát cũng cần đổi mới theo hướng giảm thấp nhất thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại với DN để nắm bắt sát sao tình hình của DN, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động. Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để có những khuyến nghị, cảnh báo kịp thời cho các DNBH, bảo đảm thị trường bảo hiểm cạnh tranh lành mạnh; phối hợp Hiệp hội Bảo hiểm và các DN tuyên truyền, quảng bá để nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về bảo hiểm.
Về phía các DNBH, cần tự rà soát, điều chỉnh các quy trình kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực tài chính và chất lượng phục vụ, phát triển sản phẩm theo hướng linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Các DN cần phát triển chiều rộng đi cùng phát triển chiều sâu thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị DN, chú trọng tới chất lượng của đội ngũ đại lý và các kênh phân phối, đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()